Thái Hà (25.02.2017) – Thiết kế đô thị đòi hỏi sự dung hòa giữa các chiều cạnh khác nhau. Bản thảo quy hoạch đô thị tại Việt Nam và thực tiễn khác xa nhau. Việc đưa bản thảo vào thực tế bị vướng mắc bởi rào cản của lợi ích nhóm, tầm nhìn hạn hẹp.
Đó là một trong những ý chia sẻ của diễn giả PGS.TS KTS Phạm Thúy Loan – Viện phó Viện Kiến trúc thuộc Bộ Xây dựng tại buổi hội thảo “Diện mạo nào cho một đô thị đáng sống?” ngày 25/2 tại BUV 193 Bà Triệu, Hà Nội. Chương trình này thuộc chuỗi hoạt động hàng tháng do Reading Circle Vietnam tổ chức.
Ngỏ lời cho sự kiện, ban tổ chức đặt ra vấn đề về việc phát triển đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và Sài Gòn. Nhiều công trình kiến trúc văn hóa và tôn giáo như xưởng đóng tàu Ba Son, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, chùa Liên Trì cùng 15 nghìn người dân phải nhường chỗ cho đô thị mới, một tiểu Singapore trên đất Việt. Tại Hà Nội thì có khu nhà Art-deco 22A Hai Bà Trưng, khu triển lãm Giảng Võ bị thế chân bởi các dự án cao tầng, shopping mall như Times City, Royal City.
Đầu buổi hội thảo lúc 14g00, diễn giả Phạm Thúy Loan giới thiệu khái quát về cuốn sách: Public places, Urban spaces: The dimensions of urban design (Tạm dịch: Nơi chốn công cộng, Không gian đô thị: Những chiều cạnh của thiết kế đô thị). Sách đề cập cơ sở lý luận về thiết kế đô thị với những chiều kích đòi buộc như sau:
- Morphological (Hình thái học)
- Perceptual (Cảm thụ môi trường hoặc có thể hiểu là tâm lý môi trường)
- Social (Khía cạnh xã hội)
- Visual (Thẩm mỹ)
- Functional (Công năng)
- Temporal (Thời gian)
Kinh tế ở Việt Nam nói chung và các khu đô thị nói riêng phát triển một cách chóng mặt. Tuy nhiên thì cấu trúc thể chế, hành lang pháp lý chưa kịp thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Khi mà chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa cá nhân lên ngôi mạnh mẽ, con người ta sẽ mất cảm thức về giá trị thiêng liêng, thuộc về tinh thần. Đô thị phát triển với những tòa nhà cao ốc, công trình kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên, con người sống giữa ‘đống xi măng vô thức’ ấy vẫn thấy thiếu hụt một điều gì đó. Vì thế cho nên, chiều kích perceptual (tâm lý môi trường) được đặt là yếu tố cần thiết thứ hai là có lý do của nó.
“Khi nghiên cứu về nơi chốn, người ta xác định nơi chốn là một khái niệm bao gồm: yếu tố không gian, hoạt động của con người trong không gian và quan trọng nhất là mang ý nghĩa. Trong quá trình tương tác với không gian ta đã gán cho nó một cảm xúc, một ý nghĩa…Nơi chốn của xã hội là những nơi được yêu mến, được gán nghĩa bởi nhiều người.”
Không gian chỉ trở thành nơi chốn khi có quá trình tương tác với địa điểm và không gian ấy được gán thông điệp về mặt cảm xúc. Nếu không có yếu tố này thì các dự án công trình hiện đại mọc lên chỉ là invented place, placelessness; một không gian vô hồn. “Bản chất của chúng ta khi kiến tạo ra thành phố không phải kiến tạo ra những khối vật chất vô hồn mà là kiến tạo ra xã hội, những cộng đồng dân cư. Những khu chung cư khép kín là những kiến tạo thất bại”, diễn giả Thúy Loan nói.
Diễn giả cũng đề cập đến xưởng sản xuất Ba Son, nơi đóng tàu lâu đời nhất Sài Gòn, bị thay thế bởi cao tầng 5 tỉ USD. Thêm vào đó là các công trình kiến trúc văn hóa như Cinematheque ở Hà Nội; chùa Liên Trì, nhà thờ Thủ Thiêm tại Sài Gòn. Vậy, bài toán đặt ra cho sự phát triển kinh tế đô thị và việc gìn giữ bảo tồn giá trị tinh thần là gì? Theo diễn giả, việc phát triển là tốt nhưng vấn đề xã hội đi trước nó thì chưa được giải quyết tốt. Tiếp đó là quy chiếu theo 6 chiều cạnh được đặt ra ở trên. “Chúng ta vẫn có thể phát triển các khu đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ những ‘nơi chốn’ mang dấu ấn lịch sử, chiều dài phát triển của thành phố”.
Hướng đi nào cho thiết kế đô thị?
Theo diễn giả, nếu chị làm trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, việc làm đầu tiên là bảo tồn quỹ di sản thiên nhiên; xác định những tài nguyên còn lại tại thời điểm này vì khi thiên nhiên bị phá hủy thì con người không thể khôi phục lại được. Tiếp đó là tổng kiểm kê những di sản mang dấu ấn lịch sử hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi và những công trình giúp chúng ta đọc lịch sử thành phố (ví dụ như khu nhà tập thể những năm 1960).
Việc kiện toàn cấu trúc giao thông công cộng là bước tiến tiếp theo. Khi những không gian bên ngoài nội thành, quỹ đất chưa bị phủ đầy dày đặc. Tập trung đầu tư các dự án mang tính kích hoạt. Song song việc phát triển công trình thương mại là việc chung tay xây dựng không gian công cộng. Và điều quan trọng bên cạnh đó là cơ chế phân bố quyền lợi và nguồn lực.
An Nhiên (ghi)