Kính thưa ông bà và anh chị em,
Hôm nay Chúa Nhật thứ IV Mùa Phục Sinh, Giáo hội cầu nguyện cách riêng cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. Trong Chúa nhật này, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm hình ảnh của vị mục tử nhân lành, đó chính là Chúa Giêsu – Đấng Cứu Độ chúng ta.
Mục tử là hình ảnh quen thuộc trong Kinh Thánh Cựu Ước lẫn Tân Ước.
Tác giả Thánh Vịnh 23 viết: “Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.” (Tv 23,1-4).
Hình ảnh mục tử không chỉ được gán cho Thiên Chúa, nhưng còn dành cho các lãnh đạo chính trị, tôn giáo của Israel, những người thay mặt Thiên Chúa lãnh đạo dân. Trong sách Edekien, Thiên Chúa lên án những mục tử lơ là trong việc chăm sóc dân, lợi dụng chức vụ để vun vén cho bản thân, câu kết với ngoại bang mà bỏ mặc đoàn chiên bị đe dọa, bắt bớ, thống khổ, lầm than:
“Hỡi con người, hãy tuyên sấm hạch tội các mục tử chăn dắt Israel, hãy tuyên sấm. Hãy nói với chúng, với các mục tử đó: Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm.” (Ez 34,2-6).
Đó là lời khiển trách nghiêm khắc Thiên Chúa dành cho các mục tử xấu, những nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo của Israel vì thái độ bất xứng của họ với dân.
Kính thưa ông bà và anh chị em,
Trong đoạn Tin Mừng Thánh Gioan chúng ta vừa nghe trong thánh lễ Chúa Nhật IV Phục Sinh hôm nay, Chúa Giêsu Ngài tuyên bố, Ngài chính là mục tử nhân lành.
Chúa Giêsu là mục tử nhân lành vì Ngài hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên. Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến để cho “chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Ngài đến không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Ngài mà được sống (Ga 3, 7). Khác với những người chăn thuê là những mục tử xấu, khi thấy sói đến, anh ta bỏ chiên mà chạy. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên (Ga 10,12-13).
Chúa Giêsu chữa những kẻ đui mù, què quặt. Ngài cho kẻ điếc nghe được, kẻ què đi được, kẻ đau ốm được lành bệnh, kẻ đói nghèo được no thỏa. Ngài giải thoát kẻ bị ma quỷ khống chế, làm cho người chết chỗi dậy. Ngài yêu thương nhân loại là đoàn chiên của Ngài và Ngài yêu thương đến cùng:
“Đức Giêsu Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (Pl 2,6-8). Chúa Giêsu là Đấng vô tội, Ngài đã trở thành hiện thân của tội vì chúng ta. Ngài bị treo trên cậy thập tự như một kẻ trộm cướp vì chúng ta.
Chúa Giêsu, Ngài là vị mục tử nhân lành vì “Ngài biết chiên của Ngài, và chiên của Ngài biết Ngài”. Chúa Giêsu biết tình trạng của nhân loại. Ngài biết những người đang theo Ngài lầm than vất vưởng như đàn chiên không người chăm sóc. Ngài đã chạnh lòng thương họ (Mt 9, 36).
Chúa Giêsu biết nỗi đau khổ của người mẹ thành Naim mất người con trai duy nhất (Lc 7, 11-17), chị em Matta và Maria mất người em trai là Lazaro (Ga 11, 1-45). Ngài thấy cảnh lầm than của người phụ nữ mắc bệnh băng huyết 12 năm trời; cảnh hốt hoảng sợ hãi, lo âu của viên sĩ quan vì con gái mắc bệnh nặng khó qua khỏi (Mc 5, 21-43); cảnh thất vọng của người bại liệt bên bờ hồ Betsaida (Ga 5, 5-16). Ngài biết tình trạng của cô gái phạm tội ngoại tình (Ga 8, 2-11). Ngài biết nỗi xấu hổ của người phụ nữ không ra gì bên bờ giếng Giacóp (Ga 4, 5-15). Ngài nhìn thấy cảnh Lêvi (Lc 5, 27-35) hay Gia Kêu (Lc 19, 1-10), những người thu thế đang đắm chìm trong danh vọng, tiền bạc. Ngài biết trong sâu thẳm của Giuđa Iscariot đang có ý định phản bội (Lc 22, 21), biết nỗi yếu hèn của Phêrô sẽ chối Thầy (Lc 22, 31-34).
Chúa Giêsu biết tình trạng của giới lãnh đạo chính trị và tôn giáo Do Thái. Ngài không ngần ngại nặng lời lên án Pharisêu và biệt phái vì thói giả hình và cứng lòng tin của họ. Ngài biết tình trạng luân lý của vua Hêrôđê và gọi ông là “con cáo già”, tình trạng của tổng trấn Philatô khi vì hèn nhát mà không dám đối diện với sự thật.
Kính thưa ông bà và anh chị em,
Trong ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ trong Hội Thánh, chúng ta cám ơn Chúa vì đã có những vị đã trở nên mục tử nhân lành theo gương Thầy Giêsu, hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên và biết rõ từng con chiên một.
Bao nhiêu các đấng bậc, những người cha, người mẹ là cha ông chúng ta đã hy sinh mạng sống để giữ vững đức tin, biết chăm lo đời sống đức tin cho con cái, biết bảo vệ đoàn chiên, bảo vệ con cái khỏi sói dữ tấn công.
Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002). Ngài là vị mục tử nhân lành. Cuộc đời của Đấng Đáng Kính luôn theo gương thầy Giêsu. Khi ngài là linh mục hay Giám mục, ngài đã hết lòng lo cho đàn chiên Chúa trao phó. Từ khi bị nhà cầm quyền cộng sản bắt vào năm 1975, lúc mới được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn, cho đến suốt 13 năm bị giam cầm, nhất là trong 9 năm bị biệt giam, Đấng Đáng Kính – Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận không ngừng nhớ đến đoàn chiên, cầu nguyện và tìm cách hướng dẫn đoàn chiên Chúa trao phó. Ngài sống giây phút hiện tại với niềm hy vọng lớn lao. Ngài dùng từng tờ lịch nhỏ một mặt, để viết những chỉ dẫn, nâng đỡ, động viên anh chị em tín hữu bên ngoài sống đức tin và trung thành với đức tin.
Cha cố Giuse Vũ Ngọc Bích, Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế (1914-2004). Ngài là người trông coi ngôi Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nơi đây. Chúng ta đang được cử hành thánh lễ nơi ngôi nhà thờ này, là nhờ công lao hy sinh của ngài mới còn giữ lại được. Năm 1954, khi nhiều giám mục, linh mục và hàng trăm ngàn tín hữu từ Bắc di cư vào Nam, thì cha cố Giuse Vũ Ngọc Bích đã xin bề trên từ trong Nam ra Bắc để ở Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà này. Lần lượt các cha người Canada bị trục xuất về nước, hai thầy trợ sĩ là thầy Clementê Đạt và thầy Marcel Văn bị bắt và chết rũ tù ở Yên Bái. Nơi ngôi nhà thờ và tu viện này chỉ còn một mình cha cố Giuse Vũ Ngọc Bích. Ngài là bề trên, là cha xứ, là ông từ ngày đêm kéo chuông, đóng cửa nhà thờ, cắm hoa, đốt đèn Nhà Chầu. Dù giáo dân ít hay đông, ngài vẫn trung thành kéo chuông hiệu, làm giờ hành hương kính Đức Mẹ, dâng thánh lễ. Ngài không quản ngại, nguy hiểm, rong ruổi trên chiếc xe đạp đi thăm các tín hữu, không chỉ tại Hà Nội mà còn ở các tỉnh lân cận. Ngài viết những cuốn sách nhỏ, làm những bài thơ, ca vãn gửi đến giáo dân nhắc nhở trung kiên mà giữ đạo trong thời cấm cách. Bị theo dõi, đe dọa, đầu độc, nhưng ngài vẫn đến với anh chị em giáo dân để an ủi, khích lệ, nâng đỡ đời sống đức tin.
Thưa ông bà và anh chị em,
Mỗi Kitô hữu, môn Đệ của Chúa Giêsu, chúng ta đều được mời gọi thuộc đàn chiên của Chúa. Hãy để Chúa chăm sóc cuộc đời chúng ta. Ngài sẽ dẫn chúng ta đền đồng cỏ xanh tươi, suối nước mát trong lành là sự sống đời đời, nước Thiên Đàng là hạnh phúc đích thật.
Mỗi chúng ta cũng đều được mời gọi trở nên những mục tử nhân lành qua ơi gọi của chúng ta. Chăm lo cho đoàn chiên là những người chúng ta được Thiên Chúa trao phó. Đó có thể là gia đình của mình, những người thân yêu, những cộng đoàn chúng ta đang phụ trách.
Trong ngày cầu nguyện cho gọi linh mục và tu sĩ trong Hội Thánh. Xin anh chị em cầu nguyện cho các đấng bậc trong Hội Thánh, cầu nguyện cho chúng tôi là những người sống đời thánh hiến. Xin cho các đấng bậc trong Hội Thánh và chúng tôi trở nên những nhân chứng của lòng thương xót Thiên Chúa giữa một thế giới bị tổn thương, không thờ ơ với tiếng kêu cứu của anh chị em mình.
“Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên” (Ga 10, 11-15).
Đó là lời của Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành của chúng ta và cũng là lời mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn lên Ngài để trở nên những mục tử nhân lành trong ơn gọi của mình giữa xã hội hôm nay. Amen!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Toản, C.Ss.R