“Các Hội thánh tại gia” – Sau Lễ Phục sinh, chúng ta thường nghe sách Công vụ tông đồ kể về cách thức mà các nhóm Ki-tô hữu tiên khởi đến với nhau và thờ phượng Thiên Chúa theo nhóm nhỏ tại các gia đình của họ. Không chỉ cầu nguyện cùng nhau, các tín hữu còn yêu thương chăm sóc lẫn nhau thông qua việc chia sẻ tài nguyên chung. Việc phong tỏa xã hội đã bộc lộ những điểm yếu của mô hình tập trung xây dựng nhà thờ làm trung tâm đời sống đức tin mà chúng ta đã rất quen thuộc, vốn tỏ ra không mấy thành công trong những tình huống cấp thiết như hiện nay. Ngoài đại dịch; còn có những tình trạng tương tự có thể xuất hiện trong tương lai như thiên tai, lũ lụt, động đất và lốc xoáy, hay thậm chí là khủng bố. Những lúc ấy, các nhà thờ bị buộc phải dừng hoạt động. Ở trong tình trạng nhu thế, một mô hình lấy cộng đồng làm trung tâm sẽ giữ cho đức tin tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Các bí tích sẽ được phi tập trung hóa xuống mức độ cộng đoàn nhỏ và theo cụm dân cư. Điều này cũng sẽ làm cho đức tin có ý nghĩa và có mục đích, gắn liền hơn đối với cuộc sống của các nhóm tín.
Các ranh giới lãnh thổ của giáo xứ đang nhanh chóng biến mất – Với việc Giáo hội bước sâu hơn vào trong không gian ” mạng” khi đại dịch xảy ra, các ranh giới lãnh thổ đang nhanh chóng biến mất. Người ta có rất nhiều lựa chọn để tham dự Thánh lễ và các buổi nói chuyện về các đề tài thiêng liêng, giờ đây các tín hữu có thể dễ dàng lướt qua các kênh youtube hay facebook cho đến khi tìm được trang phù hợp với mình. Một linh mục có thể có những khán giả nhất định trong nhà thờ, nhưng trong không gian mạng thì hoàn toàn khác. Các linh mục sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn để chuẩn bị bài giảng và giúp suy tư của họ trở nên sâu sắc hơn, được nghiên cứu kỹ lưỡng, phản ánh và phù hợp với bối cảnh cuộc sống của người nghe. Điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến điểm tiếp theo liên quan đến những đóng góp tài chính tự nguyện và tiền giỏ mà mọi người đóng góp.
Thu nhập cho các giáo xứ bị giảm đi rất nhiều – Hoạt động của các giáo xứ sẽ trở nên khó khăn, nếu tình trạng phong tỏa tiếp tục diễn ra trong vài tháng nữa. Các giáo xứ khá giả sẽ có thể phần nào tạm ổn nhờ nguồn quỹ tương đối khá của họ, nhưng hãy dành nghĩ đến nhiều giáo xứ khác thường có tiền sóc giỏ, xin lễ, dâng cúng khiêm tốn hơn. Với việc quyên góp qua chuyển khoản sẽ trở nên phổ biến, mọi người sẽ không còn cảm thấy bị gò bó khi chỉ đóng góp cho giáo xứ địa phương. Tuy nhiên, tùy thuộc vào linh mục địa phương và các nhà lãnh đạo Giáo hội để đảm bảo rằng các dự án hướng đến kết quả và có tác động xã hội được thực hiện trong giáo xứ của họ, để thông báo với giáo dân rằng tiền dâng cúng của họ đang được chi tiêu hợp lý.
E-liturgies ( tạm dịch là cử hành Phụng vụ trên không gian mạng) – Phụng vụ được thực hiện qua các phương tiện điện tử được Giáo hội cho phép trong những trường hợp khẩn cấp và bất thường. Trong những trường hợp bình thường, những người bị hạn chế chỉ ở trong nhà, các bệnh nhân đau yếu và người già cả không thể đến nhà thờ được khuyến khích tham dự Bí tích Thánh Thể được phát trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, với việc toàn bộ hội thánh giờ đây buộc phải dự Bí tích Thánh Thể “trên không gian mạng”, những ảnh hưởng lâu dài của việc thực hành này sẽ phải được đánh giá, đặc biệt là khi việc phong tỏa và giãn cách xã hội kết thúc. Ngày càng có nhiều lo ngại về việc tham dự thánh lễ online. Liệu điều này có ảnh hưởng đến động lực tham dự các cử hành phụng vụ của người tín hữu về lâu về dài không? Khoảng thời gian dài của các đợt phong tỏa đủ để biến một xu hướng thành thói quen, nếu chúng ta không cẩn thận. Có nhiều mối quan tâm khác liên quan đến phụng vụ trên không gian mạng — giáo dân trở thành khán giả thụ động hơn là người tham gia tích cực, thiếu sự tương tác, việc quen với thánh lễ “theo yêu cầu” thay vì đến nhà thờ vào một giờ cố định. Một giáo huấn có hệ thống cần phải được đưa ra trong thời gian phong tỏa này để giúp người tin hữu thờ phượng trong “thần khí và sự thật” vượt ra ngoài giới hạn của đền thờ và núi non (xem Ga 4: 21-24).
Những linh đạo sai lầm và gây hiểu lầm – Với việc mọi người chuyển sang sử dụng các thiết bị cầm tay của họ để được nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, số lượng các bài nói chuyện về tôn giáo, học hỏi giáo lý và Kinh thánh, tĩnh tâm, v.v. được cung cấp trực tuyến đã tăng lên theo cấp số nhân. Thách thức là – làm thế nào người ta phân biệt và xác định được một giáo lý chân thật dựa trên giáo lý Công giáo? Nhiều người Công giáo khó phân biệt được liệu cách giải thích Kinh thánh mà họ đang nghe có trung thành với giáo huấn Giáo hội Công giáo hay không. Một ví dụ đơn giản; trong một chương trình Câu đố Kinh thánh trực tuyến mà tôi đã thực hiện cho một trong những nhóm giáo xứ của mình, một trong những câu hỏi là – “Có bao nhiêu cuốn sách trong Cựu Ước?” Hầu hết trong số tham dự viên đã tìm kiếm câu trả lời trên Google (hiển nhiên), và kết quả là trả lời “39”, trong khi câu trả lời đúng là 46. Họ có thể được châm trươc, vì các trang web Tin lành nhiều hơn so với các trang web Công giáo và Google có xu hướng đưa ra câu trả lời phổ biến nhất. Vậy làm cách nào để giải quyết vấn đề này? Có thể giáo phận có thể phát hành một danh sách các trang web và các nguồn trực tuyến có giáo huấn Công giáo đích thực; liệt kê các số WhatsApp của một số linh mục và giáo dân được đào tạo, những người mà người ta có thể liên hệ để kiểm tra tính Công giáo của một nguồn cụ thể; có thể cần phải có “digital imprimatur” ‘con dấu xác nhận kỹ thuật số’ từ các đức giám mục địa phương, tương tự như với nhiều sách thiêng liêng và thần học.
Các khóa học và khóa tĩnh tâm trực tuyến do một số giáo sĩ am hiểu công nghệ thực hiện đã có từ lâu, nhưng điều đó có thể sớm trở thành điều thông thường mới trong một Giáo hội hậu COVID. Với các khóa học và khóa tĩnh tâm truyền thống khó lòng thu hút được số lượng người do nhu cầu cấp bách về thời gian của con người trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, các Ki-tô hữu sẽ hoan nghênh chào đón các khóa học và khóa tĩnh tâm trực tuyến mà họ có thể truy cập bất cứ lúc nào. Tạo thuận lợi cho tương tác nhóm chắc chắn sẽ là một thách thức, nhưng điều đó có thể được khắc phục thông qua việc tạo ra các nhóm hội nghị truyền hình nhỏ (small video-conference) để sau đó báo cáo lại cho người tổ chức khóa học.
Giáo lý Gia đình – Gia đình luôn được coi là Hội thánh nhỏ tại gia. Thật không may, gia đình hầu như không được trao quyền và được ban cho những nguồn lực cần thiết để tiến hành việc đào tạo đức tin tại nhà. Việc dạy giáo lý trong gia đình thường chỉ giới hạn trong việc lần hạt Mân Côi và đọc Kinh Thánh, với một số (hiếm) gia đình thảo luận về bài giảng Chúa Nhật quanh bàn ăn. Nếu cha mẹ muốn trở thành người đào tạo đức tin cho chính con cái của mình, và duy trì đời sống thiêng liêng của chính họ như một cặp vợ chồng và với tư cách là cha mẹ, họ phải được đào tạo và cung cấp sự đào tạo cần thiết để làm điều đó. Điều này có nghĩa là các ban Mục vụ Giáo phận và các thừa tác viên giáo dân được đào tạo phải làm việc nhiều hơn để cung cấp tài liệu giáo lý thích hợp và hiệu quả mà các gia đình có thể dễ dàng thực hiện tại nhà, mà không cần đào tạo nhiều về giáo lý.
Eco-Catechesis – Giáo lý về sinh thái, môi trường- Thực tế của sự đồng tồn tại với Thiên nhiên đã trở lại một lần nữa trong thời gian bị khóa. Khi nhân loại rút lui, Thiên nhiên đang lấy lại không gian của mình. Mức độ ô nhiễm đã giảm xuống, các ngôi sao trên bầu trời đêm lại có thể nhìn thấy, động vật và chim một lần nữa đã tìm thấy một môi trường không bị đe dọa. Bất chấp sự tiến bộ vượt bậc của khoa học và công nghệ, sự yếu đuối của con người khi đối mặt với các tác động của tự nhiên vẫn ngày một bộc lộ rõ rệt. Mối quan hệ của chúng ta với Thiên nhiên cần phải là một mối quan hệ trong tôn trọng và khiêm tốn. Chúng ta được mời gọi trở thành ‘người quản lý’ công trình Sáng tạo của Thiên Chúa như ý định của Ngài. Do đó, có một nhu cầu cấp thiết là Giáo lý về Sinh thái phải được giới thiệu và tích hợp với việc dạy Giáo lý của các giáo xứ và trường học.
Các bước đột phá khác nhau dành cho những đối tượng khác nhau – Cần lưu ý đến sự đa dạng của nhân khẩu học trong giáo xứ trong khi thiết kế các cách tiếp cận mục vụ mới và các nguồn tài nguyên trực tuyến. Chúng ta có phục vụ cho các nhóm ngôn ngữ khác nhau hay không? Chúng ta có đang sản xuất nội dung cho các nhóm tuổi khác nhau không; những người ở các mức độ hiểu biết khác nhau? Cũng cần phải nhớ rằng ngoài kia sẽ có nhiều người không hiểu biết về công nghệ, và có thể cảm thấy vô cùng khó khăn khi truy cập các Thánh lễ trực tuyến và các tài nguyên khác nếu không có sự trợ giúp của ai đó. Quyền truy cập internet cũng không phổ biến, điều này chia mọi người thành hai nhóm – những người ‘có internet’ và ‘những người không có internet’. Những người có quyền truy cập cũng có thể có tốc độ internet khác nhau.
Một Giáo hội Hậu COVID – Các dự đoán đã được đưa ra về cách Giáo hội sẽ thay đổi lâu dài hơn trong cách thức hoạt động của nó sau đại dịch, nếu Giáo hội được bài học từ hiện tại và cố gắng chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp trong tương lai. Cuộc sống chắc chắn sẽ rất khác biệt sau đại dịch, dù là trong Giáo hội hay trong thế giới thế tục. Việc phong tỏa và cách ly xã hội đã mang lại những thay đổi trong cách thức chúng ta làm việc, kinh doanh, học tập, giao tiếp và vạch ra các ưu tiên của chúng ta. Giáo hội sẽ bị tác động bởi sự thay đổi này. Mặc dù chúng ta thường nói về việc Giáo hội không phải là một tòa nhà, mà là ‘Dân Chúa’, nhưng chúng ta hiếm khi đặt các công trình kiến trúc để khuyến khích điều đó. Phần lớn, Giáo hội vẫn là một cộng đồng lấy giáo sĩ làm trung tâm, một cộng đồng lấy nhà thờ làm điểm trung tâm, và có thể điều đó phải thay đổi.