Tha thiết có ngôi thánh đường tại quê nhà, tại những nơi mình sinh sống, do chính tay mình làm ra để ngày ngày được cùng nhau, bằng những câu kinh, điệu hát cung đàn, thờ phượng Chúa và kín múc những ân sủng từ các bí tích, là việc làm chính đáng và phải đạo. Nhưng làm sao nhận ra mình là anh chị em của nhau trong đức tin và phép rửa, khi chẳng có một nơi chung để quy tụ khi được Chúa triệu tập? Làm sao có được ngôi thánh đường, biểu tượng hữu hình của đức tin trong một vùng truyền giáo rộng lớn, dân cư gồm nhiều sắc dân sống rải rác, nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần và tâm linh?
Những hạt giống đức tin được các tu sỹ Dòng Chúa Cứu Thế ươm trồng tại các gia đình của những sắc dân ở đây, trong vùng truyền giáo tỉnh Bắc Kạn mênh mông, như những ánh sáng lấp lánh lan toả, nối lửa – truyền đạo cho nhau, như những hạt mầm ân sủng quý báu bắt đầu vươn lên mạnh mẽ từ vùng đất mà Chúa đã chọn, đã ban sự mầu mỡ của ân sủng.
Những hạt giống đức tin quý báu ấy phải được ấp ủ, che chắn giữa những sự tấn công không mệt mỏi của “ba thù” (ma quỷ – thế gian và xác thịt); và chẳng có gì che chắn được nếu không có sự hiện diện từ ái của Đức Trinh Nữ Maria kính yêu dưới tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp. Và Đức Mẹ đã dừng chân và lưu lại tại Nà Phặc ngay từ đầu, khi gót chân của những tu sỹ thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế mới “lấm lem” còn chưa “chai sạn”. “Đức Mẹ Nà Phặc” Mẹ của vùng đất hoang vu, xuyên qua cả hàng trăm cây số, nơi rất nhiều những đứa con Mẹ yêu thương đang sống rải rác chưa biết đến đức tin, mới chỉ một số ít biết đến Mẹ.
Đức Mẹ Nà Phặc rất “Nà Phặc” Nhiều khách lữ hành qua đường ghé thăm lấy làm lạ, vì Mẹ Nà Phặc chẳng có tý nét tây phương nào, lại “quê quê, thô thô” thế nào ấy. Ô! Mẹ của đoàn con nghèo nàn, sống trên những đồi núi cằn cỗi, lam lũ vất vả cả năm mà bụng còn chưa no, trí còn chưa được khai sáng, lấy đâu ra vẻ mỹ miều, trau chuốt? “
Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Nà Phặc” chỉ là cái nhà lá nhỏ, quanh quẩn vài tu sỹ và ông từ, với bầy mối lúc nào cũng hăm hở gặm nhấm. Tượng Đức Mẹ với hình dáng yêu kiều như dải non sông gấm vóc hình chữ S; bồng Chúa Giêsu đưa ra, như muốn trao tặng cho vùng đất này và những ai kính viếng Mẹ, Đấng đầy ơn phước, kho tàng quý giá nhất của Mẹ, là Đấng Cứu Chuộc Chí Thánh.
Hành hương minh niên Rằm tháng giêng, ngày hội tụ của những người con của Đức Mẹ Nà phặc, đủ các sắc dân, từ các tỉnh thành tìm đến để thờ phượng Chúa, hành hương kính Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin ơn bình an trong năm mới và những ơn cần thiết khác cho đời sống đức tin, và sống một ngày trọn tình thân ấm áp của những người con Chúa, con của Mẹ Nà Phặc trong một bữa cơm gia đình.
Mọi người, ai đến đây hành hương cũng có một chỗ trong lòng Đức Mẹ, cũng có một chỗ trong lòng nhau, và cũng có một chỗ để chia sẻ với nhau bữa cơm thân ái: Agape.
Xin Chúa hoàn tất công trình xây dựng ngôi thánh đường và cũng là đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mà Chúa đã khởi sự, để sang năm chúng con lại được cùng nhau hội ngộ trong ân sủng Chúa ban, qua Người Mẹ Chí Ái, Đức Trinh Nữ Maria Hằng Cứu Giúp.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT