Câu chuyện 231 cái tát của cả lớp dành cho một bạn học sinh lớp 6 theo “chỉ đạo” của giáo viên chủ nhiệm chưa lắng xuống, tôi lại được nghe một phụ huynh tâm sự về một giáo viên lớp 4 khác cũng “vô giáo dục” không kém (tôi thực sự muốn dùng từ “mất dạy”).
Một cô giáo trẻ mới ra trường mà đánh học sinh bằng cách nắm đầu bạt tai (đối với học sinh nữ) và chập hai cây thước quấn băng keo lại quất (đối với học sinh nam) tới mức các bạn trong lớp ai cũng xem đó là chuyện thường tình thì tôi thực sự kinh hãi. Cô giáo này chỉ vô lớp dạy văn và toán còn các môn đạo đức, kỹ thuật, thể dục v.v… thì cô không dạy mà thường xuyên bỏ lớp đi đâu không biết. Có hôm Ban giám hiệu dự giờ, cô bị khiển trách kiểu gì đó mà về lớp ôm mặt khóc rồi lôi học sinh ra đánh kiểu trả thù. Vị phụ huynh tâm sự với tôi đã quyết định chuyển trường cho con mình mặc dù con chị không nằm trong số học sinh bị cô đánh. Đây là một cách để cho con mình không bị bạo hành nhưng không phải ai cũng có thể chuyển trường cho con mình được.
Mặc dù báo chí thỉnh thoảng vẫn đưa tin về những vụ giáo viên hành hung học sinh theo lối côn đồ thì trên thực tế những vụ được đưa lên báo thường là những vụ hết sức nghiêm trọng và sau khi lên báo thì tỷ lệ bạo hành học sinh vẫn không hề giảm. Sau đó thì trường vẫn đạt thi đua, giáo viên bị kỷ luật nhưng rồi vẫn được đi dạy và các em vẫn bị bạo hành. Còn rất nhiều vụ bạo hành khác vẫn diễn ra hằng ngày ở các lớp học do “chưa đủ nghiêm trọng” nên bị bỏ qua. Và trách nhiệm này, bên cạnh sự vô lương tâm của nền giáo dục mang nặng tính thi đua và những thầy cô thiếu đạo đức còn có một phần rất lớn của phụ huynh học sinh.
Tôi thực sự muốn quý vị phụ huynh hãy bỏ thời gian suy nghĩ về trách nhiệm của mình khi con mình bị bạo hành trong lớp rằng có phải rằng mình cũng đã trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho điều này xảy ra hay không? Tại sao không một phụ huynh nào làm gì để ngăn chặn điều này mà để nó vẫn xảy ra hết lần này tới lần khác? Để bảo vệ con mình, quý vị phụ huynh hãy kiên quyết làm những điều sau đây:
1. Dạy cho con biết từ nhỏ rằng việc người khác chạm vào cơ thể của bé dù mục đích gì đều là sai và không ai được phép làm như vậy. Trẻ con Việt Nam phần lớn được dạy bằng đòn roi và mắng chửi với quan niệm “thương cho roi cho vọt” nên chúng mặc nhiên xem chuyện bị người lớn đánh là chuyện hiển nhiên nên không dám phản kháng. Trong khi ở các nước tiên tiến, trẻ con được dạy từ bé không để cho bất cứ ai xâm phạm thân thể.
2. Thay vì dạy cho con chỉ biết vâng lời người lớn một cách máy móc, hãy dạy cho các bé biết cái gì nên nghe lời cái gì không nên nghe. Không phải cái gì người lớn như ông bà cha mẹ thầy cô nói đều là đúng. Tại sao chúng ta dạy con tự ý đánh bạn là sai nhưng không dạy con rằng bất cứ ai cho dù là cô thầy bắt con đánh bạn lại càng sai hơn? Tại sao không dạy cho con bạn phản kháng hoặc tri hô nếu thầy giáo có dấu hiệu đụng chạm cơ thể ở những chỗ nhạy cảm? Đó mới là những điều thực sự cha mẹ cần dạy con cái.
3. Thay vì quan tâm quá mức tới điểm số ở trường, tấm giấy khen và mấy cuốn tập phát thưởng cuối năm học để rồi tự hào rằng con tôi năm nay đạt học sinh giỏi hay ganh tị với trẻ khác để rồi ép con mình học hành căng thẳng hơn, hãy bỏ thời gian trò chuyện với con và hỏi bé những gì xảy ra trong lớp. Hãy hỏi con học có vui không, có hiểu bài không, có bị bạn khác bắt nạt không, có bị thầy cô đánh phạt không? Nếu bị đánh phạt thì phải hỏi cho rõ vì tội gì? Một mình bé bị phạt hay nhiều bạn khác cũng bị? Đã bị phạt như thế bao nhiêu lần? Nếu con bạn sai, hãy dạy cho bé điều đó là sai và giúp bé sửa. Nếu con bạn không sai, hãy tìm cách nói chuyện với giáo viên đã phạt bé. Trách nhiệm làm cha làm mẹ không phải chỉ là gửi con tới trường rồi bỏ mặc con mình ở đó mà phải quan tâm tới từng ngày học của con. Ai bảo tôi điều này khó quá, mất thời gian quá thì tốt hơn hết đừng làm cha làm mẹ nữa.
4. Có thái độ cương quyết trước những sai phạm của giáo viên. Nếu con bạn bị đánh vì bất cứ lý do gì, bạn nên gặp giáo viên để nói chuyện rõ ràng. Nếu bé làm sai, hãy xin lỗi giáo viên và đồng thời trao đổi với giáo viên về cách phạt mà bạn nghĩ là hợp lý. Tôi nhắc lại, tuyệt đối không cho phép giáo viên đánh con bạn. Nếu giáo viên đánh các bạn trong lớp nhiều lần, hãy cùng vận động những phụ huynh khác lên tiếng làm sức ép với Ban giám hiệu. Nếu Ban giám hiệu và giáo viên có thái độ bao che cho nhau thì tốt nhất hãy chuyển trường cho con bạn hoặc nhờ pháp luật can thiệp. Những người đó không đủ tư cách làm thầy làm cô thì tại sao lại để cho con mình tiếp tục học với những kẻ như vậy? Cho dù bé mất một năm học cũng không quan trọng bằng một năm đó bé học trong sự sợ hãi bị trù dập do những kẻ không xứng đáng gây ra.Trên đời này không có ai ra trường trễ một năm mà bị coi là thất bại cả. Ngược lại những thương tổn về mặt thể chất và tinh thần của một đứa trẻ do học trong một môi trường giáo dục tồi tệ có thể ảnh hưởng rất tiêu cực tới cuộc sống của con bạn sau này.
5. Đừng dùng bạo lực để dạy con. Trẻ con đứa nào cũng có những lúc không ngoan nhưng càng dùng đòn roi bạo lực thì càng khiến cho trẻ trở nên lì lợm khó dạy. Bạn chỉ có một vài đứa con mà còn không đủ kiên nhẫn giải thích hay dạy dỗ con một cách tử tế mà phải dùng tới bạo lực thì bảo một giáo viên bị áp lực của thi đua và điểm số đối xử tốt với mấy chục đứa bé không phải máu mủ ruột rà gì của người đó quả là chuyện không tưởng. Một khi con bạn chịu đòn quen ở nhà, việc bé vào lớp bị thầy cô đánh đối với bé cũng sẽ là chuyện bình thường cho tới khi có chuyện lớn xảy ra.
Cùng là phụ huynh, tôi thực lòng mong muốn quý vị hãy thay đổi cách suy nghĩ của mình trong việc dạy dỗ con cái để bảo vệ chúng trước bạo hành. Chúng ta chỉ biết bức xúc nhưng không hành động thì bức xúc cũng chẳng giải quyết được gì. Vấn nạn này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới và thậm chí sẽ càng lúc càng nghiêm trọng hơn vì sự thiếu trách nhiệm của chính chúng ta. Con bạn đi học trở thành những con robot không cảm xúc, không phân biệt phải trái gọi dạ bảo vâng hay trở thành những người thực sự có học thức, có suy nghĩ và có đạo đức – hai lựa chọn đó đều có trách nhiệm rất lớn của quý vị.
Theo Facebook Giáo viên Huỳnh Chí Viễn
Nguồn: trithucvn.net