Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa đã ban cho Dòng chúng con chân phúc Donders, vị thừa sai không ngại dấn thân cho những sắc dân miền Surinam thuộc Châu Mỹ La Tinh. Can đảm hiến mình cho ơn cứu chuộc, trở nên tông đồ người cùi.
Chúa đã biến những thứ bất lợi thành hữu dụng trong bàn tay Chúa, dùng sự nghèo khó, gian khổ để trui rèn ý chí, Donders hiểu rằng, không có gì thành sự mà thiếu Thánh Giá, và nhờ lòng Chúa nhân lành hay thương xót, kiên trì đeo đuổi ơn thiên triệu. 44 năm phục vụ người cùi, dân nô lệ, người da đen, da đỏ trên mảnh đất bị đoạ đày này,
Donders vừa đem tin mừng khơi nguồn đức tin, thăm viếng và cử hành các bí tích, xây dựng phong hoá và phá đổ những thứ ma thuật, dị đoan. Lấy sức mạnh từ lời cầu nguyện để vượt qua mọi thử thách gian nan.
Cần nhiều anh em giúp sức, 58 tuổi, Donders gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế. Sau 20 năm trung thành theo Chúa Kitô trong đặc sủng Dòng Donders đã được Chúa ân thưởng lên hàng Chân Phúc
Xin giúp chúng con, những tu sỹ thừa sai, cũng được nên giống như ngài, hiến mình cho công cuộc cứu thế. Amen
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT
………….
CHÂN PHƯỚC PHÊRÔ DONDERS
Cha Phê-rô Donders sinh ngày 27 tháng 10 năm 1809 tại Tilburg, Hà Lan. Ngài là con ông Arnold Denis Donders và bà Petronella van den Brekel. Vì gia đình nghèo nên dù có chút tiền để hai cậu con trai được đi học nhưng cả hai phải làm việc phụ giúp gia đình. Tuy vậy, từ thời niên thiếu, Peter đã có ước mơ trở thành linh mục. Với sự nâng đỡ của cha xứ, ngài đã có thể thi đỗ vào tiểu chủng viện năm 22 tuổi. Rồi cũng đến lúc ngài được thụ phong linh mục vào ngày 5 tháng 6 năm 1841.
Khi còn đang học thần học, ngài đã được bề trên chủng viện hướng tới sứ vụ tại Surinam, thuộc địa của Hà Lan. Ngài đến Paramaribo, thành phố chính của Surinam ngày 16 tháng 9 năm 1842 và thích nghi ngay với công việc mục vụ ở đây, nơi sẽ giữ lấy ngài cho đến chết. Bổn phận trước tiên của ngài là viếng thăm thường lệ các đồn điền dọc theo những con sông, nơi ngài dạy dỗ và cử hành các bí tích chủ yếu cho dân nô lệ. Những bức thư ngài viết bày tỏ sự bất bình của ngài khi thấy dân châu Phi bị đối xử khắc nghiệt, buộc phải làm việc trong các đồn điền.
Năm 1856, ngài được gởi đến trại phong Batavia. Đây là nơi cha Donders làm việc cho đến cuối đời, rất ít khi bị gián đoạn. Lòng mến của ngài không chỉ giới hạn trong việc mang lại ơn phúc về mặt tôn giáo cho bệnh nhân nhưng còn thể hiện trong việc đích thân chăm nom họ cho đến khi thuyết phục được các nhà cầm quyền cung cấp cho họ các dịch vụ chăm sóc thích đáng. Bằng nhiều cách, ngài cải thiện điều kiện sinh sống của bệnh nhân phong qua việc vận động nhà cầm quyền thuộc địa lưu tâm đến nhu cầu của họ. Khi Dòng Chúa Cứu Thế đến truyền giáo tại Surinam vào năm 1866, cha Donders và một linh mục bạn của ngài vào Dòng.
Hai ứng sinh sống thời gian nhà tập dưới sự trông nom của Đức Giám mục Gio-an Tẩy giả Winkels, đại diện tông tòa. Cả hai tuyên lời khấn ngày 24 tháng 6 năm 1867. Cha Donders về lại Batavia ngay. Ngài đã giúp đỡ người phong, bây giờ với tư cách là tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, ngài dành hết thời gian để làm một việc ngài dự định đã lâu: về với người da đỏ, đám dân mà trước đây ngài không thể đảm đương nổi vì thiếu nhân lực. Hầu như ngài phục vụ họ cho đến khi qua đời. Ngài bắt đầu học tiếng thổ dân và dạy cho họ về niềm tin Ki-tô giáo cho đến khi sức khỏe buộc ngài phải rời họ, những kẻ ngài đã khai tâm.
Năm 1883, vị Đại diện tông tòa muốn chia sẻ gánh nặng mà cha Donders đã vác quá lâu, ngài chuyển cha về Paramaribo, rồi sau đó về Coronie. Dầu vậy, cha Donders vẫn trở lại Batavia vào tháng 11 năm 1885, lại tiếp tục những công việc trước đây cho đến khi sức lực suy tàn. Cuối cùng, vào tháng 12 năm 1886, ngài không ngồi dậy nổi nữa, và cứ thế khoảng hai tuần cho đến khi chết vào ngày 14 tháng giêng năm 1887. Hương thơm thánh thiện của ngài bay xa khỏi Surinam và Hà Lan quê hương ngài, ngài được giới thiệu tại Rô-ma, và được Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II phong Chân Phước ngày 23 tháng 5 năm 1982.