Ngày 18.6.2016: Đấng sáng lập dòng nữ Chúa Cứu Thế được phong chân phước

Thái Hà (16.06.2016) – Vào Thứ Bảy ngày 18 tháng 06 năm 2016 tại Foggia, Italia, Đấng Sáng Lập Dòng Nữ Chúa Cứu Thế, Mẹ Maria Celesta Crostarosa sẽ được phong chân Phước. Chúng tôi nhắc lại tin này để quý vị cùng với chúng tôi tạ ơn Chúa và cầu nguyện cách đặc biệt cho các nữ tu Dòng Chúa Cứu Thế.

Xin được gửi kèm tới quý vị lá thư của cha Michael Brehl, Tổng quyền Dòng Chúa Cứu Thế nam viết ngày 10.03.2016. Trong thư ngài thông báo cho các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế trên toàn thế giới về biến cố này.

Maria Celesta Crostarosa, Đấng sáng lập dòng nữ Chúa Cứu Thế
Maria Celesta Crostarosa, Đấng sáng lập dòng nữ Chúa Cứu Thế

…………………

THƯ CHA BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN DCCT

VỀ VIỆC PHONG CHÂN PHƯỚC

CHO MẸ MARIA CELESTE CROSTAROSA

Rôma 10.03.2016

Anh em thân mến,

Xin gửi lời chào đến anh em trong Mùa Chay này – xin Cha Thương Xót chúc lành cho anh em bằng niềm hy vọng, niềm vui và lòng thương xót cũng như làm cho tất cả chúng ta thành những thừa sai đích thực của lòng thương xót theo tinh thần của Thánh Anphongsô.

Như anh em đã biết, Đấng Đáng Kính Maria Celeste Crostarosa sẽ được phong Chân Phước vào ngày 18 tháng 06 năm 2016 tại Foggia. Tôi viết thư này mời anh em hiệp thông với tất cả các soeur Chúa Cứu Thế trong niềm vui và lòng tạ ơn khi cuối cùng họ cũng thấy Đấng Sáng Lập được đề nghị cho toàn thể dân Chúa như một mẫu gương về lòng quảng đại “theo Chúa Kitô” (Sequela Christi). Niềm vui và lòng tạ ơn của các soeur cũng phải là niềm vui và tạ ơn của chúng ta, xét theo sự hiệp thông nối kết chúng ta trong đại gia đình DCCT, và đặc biệt, vì vai trò quan trọng của Mẹ Celeste đã có trong nguồn gốc chúng ta.

Trong sự kiện này, chúng ta canh tân tình cảm huynh đệ các cộng đoàn chúng ta luôn kinh nghiệm thấy đối với các chị em nữ Chúa Cứu Thế. Đây quả là một dịp tốt để nhớ lại kinh nghiệm vui sướng của Thánh Giêrađô. Trên giường hấp hối, cha Tannoia kể cho chúng ta: “Một ngày kia, và đó là ngày 24 tháng 09, quay sang một giáo dân, Thánh Giêrađô nói: ‘Hôm nay, tại Foggia, Mẹ Maria Celeste Crostarosa đã về với Chúa.’ Chẳng ai để ý đến điều đó; nhưng thật ra, theo người ta biết, vào ngày đó, Soeur Maria Celeste đã bước vào cõi thiên thu, và chính vào lúc đó Thánh Giêrađô đã nói như vậy. Hẳn đã phải có cái gì đó hơn nữa giữa ngài và Đầy Tớ Chúa, nhưng chúng ta không biết được.” (Về Đời Sống Của Đầy Tớ Chúa Thầy Giêrađô DCCT, phần II, chương XI).

Sự chia sẻ niềm vui và lòng tạ ơn trở thành lời cầu nguyện tin tưởng và tình liên đới huynh đệ cách tự nhiên, nhờ đó Dòng có thể rút ra từ sự kiện này một sức hứng khởi mới trong sự trung thành sáng tạo với ơn gọi chuyên biệt của Dòng. Như Hiến Pháp của họ đã nói: “Chúa Cha gọi chúng ta hôm nay trở thành một Sự Tưởng Nhớ Sống Động – Viva Memoria – một Người Nhắc Nhở liên lỷ – cho mọi người nhớ rằng Chúa Con đã hoàn tất ơn cứu độ cho chúng ta trong cuộc sống của Người trên mặt đất. Chính bằng cách này, Chúa Cứu Thế có thể hoàn tất công trình cứu độ của Người hôm nay trong và nhờ chúng ta (số 5).

Việc phong Chân Phước cho Mẹ Celeste diễn ra khi Năm Đời Sống Thánh Hiến vừa mới kết thúc. Theo những chỉ dẫn của ĐGH Phanxicô trong Tông Thư của ngài, chúng ta được thách đố “nhìn về quá khứ với niềm tri ân”, để học “sống hiện tại cách say mê”, và nhờ đó “nhắm đến tương lai với niềm hy vọng”. Đây là ba chiều kích không thể tách rời của sự trung thành với ơn gọi chúng ta.

Chúng ta nhớ rằng Mẹ Celeste là một phần của sự giàu có về đặc sủng của nguồn gốc chúng ta. Đúng là Mẹ đã sớm bị gạt ra bên lề bởi việc chuyển đi khỏi Scala vào những thời điểm quan trọng khi mà cộng đoàn thừa sai chúng ta đang hình thành. Nhưng cũng thật đúng rằng trực giác về đặc sủng của Mẹ vẫn tiếp tục hiện diện trong tiến trình soạn những quy luật của chúng ta cũng như ngang qua tình bạn thân hữu mà Thánh Anphongsô và các tu sĩ DCCT tiên khởi tiếp tục dành cho Mẹ cũng như các soeur. Chắc chắn công việc của các sử gia là nghiên cứu thêm những điều này. Tuy nhiên, một điều thích đáng là chúng ta không cho phép sự phong phú của sứ điệp thiêng liêng của Mẹ còn đó mà lại không sinh hoa trái. Chúng ta nhìn về quá khứ với niềm tri ân.

Hôm nay, Mẹ Maria Celeste Crostarosa khích lệ chúng ta đào sâu “ơn cứu chuộc chan chứa” (copiosa redemptio), trọng tâm linh đạo chúng ta, như một mầu nhiệm của sự hiệp thông thương xót. Trong lời ngỏ của quyển Các Quy Luật mà Mẹ viết cho các soeur Chúa Cứu Thế, chúng ta đọc được những lời này mà Chúa nói với tâm hồn Mẹ: “Với lòng ước ao, Ta đã ước ao ban cho thế giới Thần Khí của Ta và thông truyền Thần Khí này đến các thụ tạo có lý trí của Ta, để sống trong chúng và với chúng cho đến tận cùng thế giới. Ta đã ban cho chúng Người Con duy nhất của Ta với một tình yêu vô biên, và vì Người, Ta ban cho chúng Thần Khí An Ủi của Ta, để thần hóa chúng trong sự sống, chính trực và chân lý, để gắn kết chúng trong sự mến chuộng của Ta, trong Người, Ngôi Lời, Người Con Tình Yêu. Toàn thể ân sủng của Ta, công chính và chân lý, đều nhờ Người. Sự sống đời đời là nhờ Người.”

Thế giới chúng ta, trong đó các rào cản và những bức tường, sự thờ ơ và đối kháng đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, đang cần lời loan báo này hơn bao giờ hết. Là những tu sĩ DCCT, chúng ta không được mỏi mệt loan báo rằng lịch sử mang trong chính nó một kế hoạch của sự hiệp thông: kế hoạch này được ủy thác cho trách nhiệm của chúng ta. Để “sống hiện tại cách say mê”, chúng ta phải sống kế hoạch thần linh này như một món quà hỗ tương, đối thoại và gặp gỡ. Trên hết, chúng ta phải thực hiện kế hoạch hiệp nhất này của Chúa bằng cách đi đến với người khác trước, như Chúa luôn đến với chúng ta trước, bất chấp nhiều lần ta đã từ chối Người: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).

Chúng ta không thể là những thừa sai của sự hiệp thông thương xót này nếu không liên lỷ có kinh nghiệm đó ở cấp độ cá nhân và cộng đoàn mình. Hiến Pháp chúng ta nhấn mạnh kinh nghiệm này: “Vì lẽ các tu sĩ DCCT được kêu gọi để tiếp nối sự hiện diện của Đức Kitô và sứ mạng cứu chuộc của Ngài trên trần gian, nên họ chọn bản vị Đức Kitô làm trung tâm đời sống của họ và ngày càng nỗ lực gắn bó với Ngài cách mật thiết hơn bằng sự hiệp thông đích thân với Ngài. Vì vậy, chính Chúa Cứu Thế và Thần Khí tình yêu của Ngài ở giữa cộng đoàn, hình thành cộng đoàn và duy trì cộng đoàn. Càng kết hợp mật thiết với Đức Kitô bao nhiêu thì các tu sĩ càng hiệp thông chặt chẽ với nhau hơn bấy nhiêu” (23).

Trong lời ngỏ quyển Các Quy Luật, Mẹ Celeste tiếp tục: “Vì vậy, hãy in sâu đời sống Người và hình ảnh giống đích thực của việc bắt chước Người vào trong tinh thần con, và trở thành những hình ảnh được làm cho nên sống động của Người Con yêu dấu của Ta trên trần gian, vì chỉ có Người là nhà lãnh đạo, là khởi đầu của con. Con hãy mang Người như sự sống của linh hồn con và như cùng đích của khởi đầu con nhắm đến, như mục tử của đàn chiên và như thầy dạy của tinh thần con. Sự sống của con sẽ được quản cai bởi những chân lý Người dạy trong Tin Mừng, nơi đó quy tụ tất cả kho tàng thiên đàng, nguồn sự sống; sự tham dự của con vào sự phong phú vĩnh cửu trong Người Con yêu dấu của Ta, nơi Người tất cả được hiện hữu và được sống.”

Những lời này giúp chúng ta hiểu tốt hơn các chiều sâu thiêng liêng và thần bí của cái được gọi là “noi gương” Chúa Cứu Thế, được Thánh Anphongsô tóm tắt như là “chí ý” của cộng đoàn thừa sai DCCT. Hiến Pháp chúng ta diễn tả lại điều này ngay từ đầu như sau: “DCCT thực sự ‘theo gương Đức Kitô trong đời sống tông đồ, bao gồm việc hiến mình một cách đặc biệt cho Thiên Chúa và cho hoạt vụ thừa sai’” (1). Tôi tin rằng chỉ trong cái nhìn tông đồ-thần bí này – Đời Tông Đồ (Vita Apostalica) – chúng ta mới có thể tiếp tục công cuộc canh tân các cộng đoàn chúng ta, cho phép Chúa Thánh Thần uốn nắn chúng ta. Như Mẹ Celeste nhấn mạnh, điều này làm chúng ta trở thành “hình ảnh sống động” của Chúa Kitô.

Chân Phước Maria Celeste cũng khích lệ chúng ta canh tân kiểu huynh đệ cộng đoàn tông đồ qua đó chúng ta ứng đáp với ơn gọi thừa sai của chúng ta. Trong luật đầu tiên, Mẹ nhắc các soeur Chúa Cứu Thế rằng tất cả đời sống họ phải là một chứng tá về “tình yêu hỗ tương” theo lời Chúa Kitô: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,12-13).

Mẹ Maria Celeste thêm: “Người ta không nên quay lưng lại với gương mẫu của mình: ‘Ta từ trời xuống để ban hết mình Ta cho con và để ban sự sống của Ta không chỉ cho các bạn Ta mà cả kẻ thù nữa, để làm vinh danh Cha Ta và vì phần rỗi linh hồn con… Vì vậy, con hãy trao trọn vẹn linh hồn con cho người thân cận con: trí khôn con, hãy nâng nó lên tới lòng thương xót của Ta vì lợi ích cho họ… trí nhớ của con, với sự tha thứ từ tâm hồn, không nhớ những xúc phạm mà con đã nhận,… ý chí, muốn yêu họ thân thiết… trái tim con với tất cả tình cảm, hãy chia sẻ với tất cả đau khổ của họ, đau bệnh và khó khăn của họ, vì lòng yêu mến Ta… Điều này sẽ liên hệ đến thân thể con cũng như các giác quan của con vì lợi ích cho họ… Tóm lại, thân xác con và cuộc sống con sẵn sàng tự hiến tế, nếu đức bác ái đòi hỏi điều đó, vì ơn cứu độ đời đời của họ, và như Ta đã thực hiện thì con cũng phải thực hiện như vậy’.”

Chân Phước Maria Celeste Crostarosa dạy chúng ta rằng nếu không có bầu khí này, bầu khí được khắc họa tính cách bởi sự trao ban hỗ tương, thì cộng đoàn chúng ta sẽ không thực sự có tính thừa sai. Hiến Pháp chúng ta nhắc nhở chúng ta rằng: “Toàn bộ mục đích của đời sống cộng đoàn nhằm giúp các tu sĩ, giống như các tông đồ (x. Mc 3,14; Cv 2,41-45; 4,32), nhờ tinh thần hiệp thông huynh đệ chân thật, nối kết việc cầu nguyện với bàn thảo, lao động với khổ đau, thành công và thất bại, cũng như của cải vật chất của họ để phục vụ Tin Mừng” (22). Và rồi chỉ có những cộng đoàn có lòng thương xót mới có thể làm cho những lời rao giảng về lòng thương xót của mình trở nên đáng tin cậy. Trong tinh thần này, chúng ta hãy “nhắm đến tương lai với niềm hy vọng”.

Người anh em trong Chúa Cứu Thế,

Michael Brehl, C.Ss.R.

Bề Trên Tổng Quyền DCCT.

Người dịch: Lm. JM. Hà Ngọc Phú, C.Ss.R.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.