Ngày thứ sáu (05-12-2014) – Trang suy niệm

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần I Mùa Vọng Năm B

BÀI ĐỌC I: Is 29, 17-24

“Ngày đó mắt người mù sẽ được xem thấy”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Đây Chúa là Thiên Chúa phán: Không còn bao lâu nữa, Liban sẽ trở nên lùm cây, và lùm cây sẽ trở nên cánh rừng. Ngày đó, người điếc sẽ được nghe lời Sách Thánh, và từ bóng tối, mắt người mù sẽ được xem thấy. Những người hiền lành sẽ càng thêm vui mừng trong Chúa, và những kẻ nghèo khó sẽ nhảy mừng trong Đấng Thánh của Israel. Vì chưng, người ỷ thế sẽ thất bại, kẻ khinh người sẽ bị hổ ngươi, người mưu toan gian ác sẽ bị tiêu diệt. Đó là kẻ dùng lời nói để cáo gian người khác, kẻ ra cửa thành mà đánh lừa người xử kiện, kẻ lấy sự nhỏ nhoi mà hiếp đáp người công chính. Vì thế, Chúa, Đấng cứu chuộc Abraham, phán cùng nhà Giacóp lời này: Từ đây Giacóp sẽ chẳng còn phải hổ ngươi và đỏ mặt; nhưng khi xem thấy con cháu mình là công trình của tay Ta, đang ca ngợi danh thánh Ta giữa nhà Giacóp, thì chúng sẽ ngợi khen Đấng Thánh của Giacóp và tuyên xưng Thiên Chúa Israel. Và tâm trí lầm lạc sẽ được hiểu biết; người lẩm bẩm sẽ học biết lề luật. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 26, 1. 4. 13-14

Đáp: Chúa là sự sáng và là Đấng cứu độ tôi (c. 1a).

1) Chúa là sự sáng, là Đấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Đấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? – Đáp.

2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Ngài. – Đáp.

3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. – Đáp.

ALLELUIA: Is 45, 8

Alleluia, alleluia! – Hỡi các tầng trời, hãy đổ sương mai; hỡi ngàn mây, hãy mưa Đấng Công Chính, đất hãy mở ra và trổ sinh Đấng Cứu Chuộc. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 9, 27-31

“Tin vào Chúa Giêsu, hai người mù được chữa lành”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, có hai người mù chạy theo Chúa và kêu lớn tiếng rằng: “Hỡi Con vua Đavít, xin thương chúng tôi”. Khi Chúa tới nhà, những người mù tiến lại gần Chúa. Chúa Giêsu phán bảo họ: “Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không?” Họ thưa: “Lạy Thầy, có”. Bấy giờ Chúa sờ vào mắt họ và phán: “Các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy”. Mắt họ liền mở ra, nhưng Chúa Giêsu truyền cho họ rằng: “Coi chừng, đừng cho ai biết”. Nhưng vừa ra đi, họ liền đồn tiếng Người trong khắp miền ấy. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

05/12/2014 – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV

Mt 9,27-31

ĐƯỢC THÚC ĐẨY RAO GIẢNG

Người nghiêm giọng bảo họ: “Coi chừng, đừng cho ai biết!” Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng. (Mt 9,30b-31)

Suy niệm: Theo dõi câu chuyện Chúa Giê-su chữa hai người mù này, chắc hẳn chúng ta sẽ ngạc nhiên về chi tiết trên đây. Chúa Giê-su đã nghiêm giọng yêu cầu họ giữ kín sự việc, thế nhưng ngay lập tức hai người này đã rêu rao cho cả làng biết! Có một lực nào đó thúc đẩy và họ không cưỡng lại được, đến nỗi họ đành phải ‘bất tuân phục’ cái mệnh lệnh duy nhất mà Đức Giê-su, vị đại ân nhân của họ, đã truyền cho họ. Ta ngạc nhiên, nhưng ta không khó hiểu, vì sự việc đã diễn ra đúng lôgic của nó. Khi người ta cảm nhận được một niềm vui quá đỗi lớn lao, người ta không thể không chia sẻ niềm vui ấy cho người khác. Đây chính là điều mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói đến trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “Nếu chúng ta đã nhận được tình yêu có sức đem lại ý nghĩa cho cuộc sống mình, làm sao chúng ta có thể không chia sẻ tình yêu ấy cho những người khác” (số 8).

Mời Bạn tự vấn: Tôi có đang nói về Chúa Giê-su ‘trong khắp cả vùng’ không? Có thể câu trả lời là “không”, kèm với một danh sách dài các lý do ‘khách quan’, lý do ‘thời thế’ nào đó. Nhưng chúng ta cần cho phép mình bị thách thức bởi sự ‘liều lĩnh bất tuân phục’ của hai người mù được Chúa chữa trị ở đây. Vấn đề là chúng ta có cái động lực ‘niềm vui được giải phóng’ lớn lao của họ hay không, niềm vui mà bất cứ ai thực sự gặp gỡ Đức Giê-su đều chắc chắn sẽ cảm nghiệm (x. NVTM, 1).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con cảm nghiệm niềm vui được Chúa cứu thoát, để con cũng được thúc đẩy loan báo hồng ân cứu độ của Chúa cho mọi người. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

5 THÁNG MƯỜI HAI

Cuối Cùng Của Thời Cũ – Đầu Tiên Của Thời Mới

Trong tất cả mầu nhiệm của ngài, Đức Ma-ri-a là thành viên ưu việt của Giáo Hội. Chính Mẹ là người mở đường cho buổi khai nguyên của Giáo Hội. Mẹ gắn bó chặt chẽ với Giáo Hội trong lịch sử cứu độ mà Mẹ hiện thân như một sự nhập thể và một hình ảnh sống động của chính Giáo Hội, Hiền Thê Đức Kitô. Từ đầu cuộc đời của Mẹ, Mẹ có tất cả sự sung mãn của ân sủng mà Đức Kitô ban cho Giáo Hội Người.

Trong ánh sáng này, chúng ta nhớ lại chương 8 Hiến Chế Giáo Hội. Chú giải quan điểm của Thánh Luca, văn kiện này của Công Đồng Vatican II nói với chúng ta: “Sau một giai đoạn lâu dài chờ đợi, thời gian được viên mãn nơi ngài, Nữ Tử cao quí của Sion, và kế hoạch cứu độ mới được thực hiện.” Ở mốc điểm quan trọng này của lịch sử, Đức Ma-ri-a là chỗ kết nối giữa Cựu Ước và Tân Ước. Mẹ đại diện cho sự chấm dứt của cộng đoàn It-ra-en đợi chờ Đấng Thiên Sai và đại diện cho sự khởi đầu của Giáo Hội Đức Kitô mới được khai sinh. Mẹ vừa là sự thể hiện cuối cùng và hoàn hảo của con cái Thiên Chúa sinh bởi Abraham dưới cơ chế Cựu Ước, vừa là sự thể hiện đầu tiên và tuyệt đỉnh của con cái mới của Thiên Chúa được khai sinh bởi Đức Kitô. Nơi Đức Ma-ri-a, chúng ta nhận ra các lời hứa, các điều báo trước, các lời ngôn sứ của Hội Thánh trong Cựu Ước được hoàn thành. Với Mẹ, chúng ta cũng nhìn thấy Giáo Hội của Tân Ước bắt đầu, không nhăn nheo tì tích, trong sự sung mãn của ân sủng Thánh Thần.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY  05-12.

Is 29,17-24; Mt 9,27-31.

LỜI SUY NIỆM: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không? Họ đáp: Thưa Ngài, chúng tôi tin”

Khát vọng của hai người mù, là làm sao họ được thấy, họ đã kiên trì đi theo sau Chúa Giêsu suốt đoạn đường từ khi gặp được Người, kêu khẩn Người cho đến khi đối diện với đòi hỏi của Người. Họ đã đáp trả một cách dứt khoát: “Thưa Ngài, chúng tôi tin” Họ đã được Chúa chữa lành, để được thấy rõ mọi vật chung quanh.

Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống của chúng con, chúng con cũng đang còn mù rất nhiều lãnh vực. Xin Chúa chữa lành cho mọi thành viên trong gia đình chúng con những chứng tật mù, đặc biệt những khi đứng trước những đòi hỏi của đức ái.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

05 Tháng Mười Hai

Thiện Nguyện

Hôm nay là ngày quốc tế những người thiện nguyện, được Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1985 và cử hành lần đầu tiên ngày 05 tháng 12 năm 1986. Ngày quốc tế những người thiện nguyện vừa là một tưởng thưởng và biết ơn đối với không biết bao nhiêu người đang âm thầm phục vụ không công những người đồng loại của mình, vừa là một lời gọi dấn thân phục vụ.

Hiện nay, trên khắp thế giới có khoảng 35 cơ quan thiện nguyện chiêu mộ và gửi người đi khắp nơi để phục vụ trong mọi lãnh vực: từ một cán sự y tá phục vụ trong rừng già Phi Châu, đến các chuyên viên làm việc trong các dự án phát triển tại các nước thuộc thế giới đệ tam, từ một thanh niên thiếu nữ âm thầm làm việc tại các nước nghèo đến các chuyên viên tổ chức các cuộc lạc quyên: tất cả đều được thúc đẩy bởi một ý chí: đó là phục vụ người anh em.

Ngày quốc tế những người thiện nguyện cũng là một bài ca dành cho một nhân loại đã đạt được một bước tiến dài trong sự trưởng thành. Bên cạnh những bước dật lùi vì chiến tranh, vì hủy hoại lẫn nhau, nhân loại vẫn cố gắng tiến bước trong khát vọng và những nỗ lực nhân đạo. Bước tiến ấy còn tiếp tục là nhờ ở tinh thần thiện nguyện, ý chí phục vụ

Ngày quốc tế thiện nguyện hôm nay không phải là phụ trương của những ngày quốc tế khác rải rác trong suốt năm như ngày Hòa Bình thế giới, ngày sức khỏe, ngày thực phẩm, ngày Giới Trẻ, ngày Môi Sinh, ngày Nhi Ðồng, ngày Phụ Nữ v.v… Ngày hôm nay là khẳng định của một ý niệm nền tảng cho tất cả mọi ngày quốc tế khác: ý niệm đó chính là tự nguyện phục vụ.

Ngày quốc tế những người thiện nguyện hôm nay không chỉ là ngày tưởng thưởng và biết ơn đối với những người thiện nguyện. Ngày hôm nay là ngày của mỗi người chúng ta, bởi vì chúng ta chỉ có thể sống trọn ơn gọi làm người khi chúng ta biết tự nguyện sống cho người khác.

Chúa Giêsu là mẫu mực của thiện nguyện… Là Thiên Chúa, Ngài đã đến trong thế gian để mặc lấy thân phận nghèo hèn của con người. Trở nên con người, Ngài đã không sống giữa chốn giàu sang phú quý, nhưng đến với những con người nghèo hèn nhất trong xã hội. Ngài đã phục vụ và phục vụ cho đến chết. Ngài đã đến để làm cho bộ mặt thế giới này trở nên nhân bản hơn. Cùng với Ngài, hàng hàng lớp lớp những con người dấn thân phục vụ tha nhân đã tô điểm cho bộ mặt thế giới được thêm tươi tốt hơn. Quả thực, một thế giới không có những người sống và chết cho tha nhân là một thế giới không có nhân tính… Chúng ta hãy tưởng tượng một thế giới không có những thánh Phanxicô thành Assisi, không có những Mahatma Gandhi, không có những Albert Schweitzer, không có những Têrêxa Calcutta, không có những hội viên của Hội Chữ Thập Ðỏ… một thế giới như thế quả thực là một thế giới buồn thảm. Một thế giới không có những bàn tay đưa ra để chia sẻ, để san sẻ, để đỡ nâng, một thế giới không có những tấm lòng tử tế: một thế giới như thế quả thực là một thế giới của chết chóc…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu Tuần I MV

Bài đọc: Isa 29:17-24; Mt 9:27-31.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải kiên nhẫn trước khi đạt được điều hy vọng.

Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến. Giáo Hội muốn các tín hữu mong đợi không chỉ môt ngày hay chỉ ít giờ trước Thánh Lễ Nửa Đêm; nhưng là cả 4 tuần lễ. Tại sao cần một thời gian dài chuẩn bị như thế? Lý do là để con người có dịp đọc lại lịch sử ơn cứu độ qua Lời Chúa, hồi tâm và suy xét cuộc đời mình để nhìn ra sự khác biệt giữa một người có Chúa và một người không có Chúa; những gì được hưởng và những gì bị thua thiệt. Một khi nhìn ra những điều đó, con người sẽ nhận thấy sự cần thiết của Thiên Chúa trong cuộc đời; và sẽ nhiệt thành chuẩn bị để có được Chúa trong cuộc đời. Các Bài đọc hôm nay giúp con người nhận ra sự cần thiết đó. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah cho dân thấy những lợi ích con người sẽ được hưởng khi Đức Chúa can thiệp vào đời sống của dân Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu không phải chỉ chữa lành người mù, nhưng giúp các ông nhận ra lợi ích của việc đặt trọn vẹn niềm tin và hy vọng nơi Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thị kiến về Ngày Đấng Thiên Sai sẽ đến.

1.1/ Những lợi ích Đấng Thiên Sai sẽ mang đến cho dân Ngài:

(1) Con người thu thập mùa màng hoa trái: “Chỉ còn chút nữa, chút ít nữa thôi, núi Liban sẽ lại thành vườn cây ăn trái, và vườn cây ăn trái sẽ sum sê như một cánh rừng.”

(2) Mọi bệnh nhân sẽ được chữa lành: “Ngày ấy, kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy.”

(3) Kẻ nghèo hèn sẽ được sống: “Nhờ Đức Chúa, những kẻ hèn mọn sẽ ngày thêm phấn khởi, và vì Đức Thánh của Israel, những người nghèo túng sẽ nhảy múa tưng bừng.”

(4) Ác nhân sẽ bị tiêu diệt: “Thật vậy, loài bạo chúa đã không còn nữa, quân ngạo mạn sẽ phải tiêu vong, và mọi kẻ rắp tâm làm điều ác ắt sẽ bị diệt trừ: đó là những kẻ dùng lời nói làm cho người ta bị kết tội, và cho người xử án tại cửa công phải mắc bẫy; chúng dùng những lời lẽ vô căn cứ mà làm cho người công chính bị gạt ra ngoài.”

1.2/ Nhà Israel sẽ nhận ra quyền năng Thiên Chúa và biết kính sợ Ngài: Sở dĩ Thiên Chúa để quân ngọai bang giầy xéo Israel là vì họ đã không còn kính sợ và nghe theo Lời Chúa; nhưng nếu họ biết ăn năn trở lại, họ sẽ nhìn thấy quyền năng Thiên Chúa được tỏ hiện trên quân thù. Tiên Tri xác quyết một khi đã được Thiên Chúa chăm sóc, họ sẽ không còn bị nhục nhã xấu hổ với quân thù: “Từ nay Jacob sẽ không còn phải xấu hổ, từ nay nó sẽ không còn bẽ mặt thẹn thùng, vì khi Jacob nhìn thấy nơi nó những công trình tay Ta đã làm, nó sẽ tuyên xưng danh Ta là thánh, sẽ tuyên xưng Đấng Thánh của Jacob là thánh, và sẽ kính uý Thiên Chúa của Israel. Những người tâm trí lầm lạc sẽ có được sự hiểu biết, và những kẻ ương ngạnh sẽ chấp nhận lời răn dạy.”

2/ Phúc Âm: Các anh tin thế nào thì được như vậy.

2.1/ Chúa thử 2 người mù: Trình thuật kể: “Đang khi Đức Giêsu ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: “Lạy Con Vua David, xin thương xót chúng tôi!” Khi Đức Giêsu về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần.” Tại sao Chúa Giêsu không chữa 2 người mù ngay khi còn trên đường, mà bắt họ chờ cho tới khi về đến nhà? Thời gian chờ đợi làm cho con người biết đánh giá đúng những gì mình cần; vì điều gì nhận được quá nhanh chóng và quá dễ dàng thường sẽ không giúp con người đánh giá đúng điều mình nhận được, và dễ dàng coi rẻ hay hoang phí quà tặng. Chẳng hạn, số tiền góp nhặt được do mồ hôi nước mắt làm ra sẽ làm con người cẩn thận trong việc tiêu xài hơn là số tiền được thừa hưởng.

2.2/ Tuyên xưng đức tin: Trước khi ban ơn như họ xin, Chúa Giêsu nói với họ: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa Ngài, chúng tôi tin.” Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy.” Mắt họ liền mở ra. Chúa Giêsu đến không chỉ để làm phép lạ, nhưng để khơi dậy niềm tin của con người vào Ngài. Rất nhiều người đến với Chúa chỉ vì để được phép lạ, mà quên đi Đấng có uy quyền làm phép lạ. Họ quên đi phép lạ họ được hưởng chỉ xảy ra một lần, nhưng cuộc đời họ còn cần biết bao những phép lạ khác nữa. Hơn nữa, họ đã không nhìn ra được tình yêu và bao nhiêu ơn lành của Thiên Chúa đã dành sẵn cho họ.

Tin Mừng Gioan chú trọng nhiều hơn đến những gì xảy ra sau phép lạ, nhất là những phản ứng khác nhau của con người.

2.3/ Bí mật của Đấng Thiên Sai: Trong Tin Mừng Marco, rất nhiều lần Chúa Giêsu muốn những người được chữa lành phải giữ “bí mật của Đấng Thiên Sai.” Trường hợp hôm nay là một ví dụ điển hình, Chúa Giêsu nghiêm giọng bảo họ: “Coi chừng, đừng cho ai biết!” Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng. Thông thường, những người nổi tiếng có thói quen muốn nhiều người biết đến mình; tại sao Chúa Giêsu muốn họ giữ bí mật phép lạ? Hơn nữa, ca tụng sự tốt lành của Thiên Chúa là điều cần nói ra để mọi người được biết, tại sao Chúa lại ngăn cản? Có ít nhất 2 lý do tại sao Chúa làm như thế:

(1) Lý do chính là vì Chúa không muốn con người quen thuộc với hình ảnh một Đấng Thiên Sai uy quyền, có sức mạnh làm được mọi sự, và sẽ giải phóng dân chúng, như truyền thống Do-Thái tin về Đấng Thiên Sai. Vì chẳng bao lâu nữa, Chúa sẽ phải chịu mọi cực hình trong Cuộc Thương Khó, và ngay cả chịu chết trên Thập Giá để chuộc tội cho con người. Khi nhìn thấy một Đấng Thiên Sai chịu mọi cực hình như thế, liệu họ còn tin nơi Ngài nữa không? Họ cần học để biết Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa qua con đường đau khổ.

(2) Một lý do nữa là Chúa không muốn con người đến với Chúa chỉ vì được ơn bởi phép lạ, nhưng muốn họ đến với người vì thành thật tin yêu. Tình yêu đặt căn bản trên lợi nhuận không phải là tình yêu thành thật. Ví dụ, không ai trong con người muốn người khác yêu mình vì có nhiều tiền, có quyền lực để ban ơn …, nhưng muốn họ yêu như mình là và trung thành đến cùng cho dù mình bị mất tất cả.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Hy vọng phải có thời gian chờ đợi để giúp con người nhận ra sự quan trọng của điều mình mong muốn. Nếu mọi sự được ban quá dễ dàng và nhanh chóng, chúng ta sẽ không đánh giá đúng được món quà nhận được và sẽ dễ dàng hoang phí nó.

– Món quà nhiều khi chỉ mang những giá trị bên ngòai, nhưng tình yêu của người cho còn có giá trị hơn bội phần. Rất nhiều lần trong cuộc đời, chúng ta đã không nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, cha mẹ, và tha nhân; mà chỉ để ý đến quà tặng.

– Thiên Chúa không muốn chúng ta đến với Ngài chỉ để xin ơn; một khi đã đạt được điều mong muốn là không nhớ gì đến Ngài nữa, và chạy theo đủ mọi thứ bụt thần chóng qua. Ngài muốn chúng ta đến với Ngài bằng một tình yêu chân thật, học hỏi để có khôn ngoan của Thiên Chúa, và biết sống thế nào để được hưởng hạnh phúc chân thật và bình an đời đời.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************