Phát biểu tại buổi khai mạc hội nghị lần thứ 98 của Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam (USG) hôm thứ Tư 23/11, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh nhấn mạnh rằng “cần phải thúc đẩy xã hội để cứu thế hệ mới khỏi chiến tranh”, và “hoà bình không chỉ là không có xung đột nhưng còn là giải pháp hòa bình cho các tranh chấp giữa các quốc gia, nhằm bảo vệ quyền con người và các dân tộc, kể cả quyền tự do lương tâm và tôn giáo”.
“Tất cả là anh chị em: chúng ta được mời gọi trở thành những người kiến tạo hoà bình” là chủ đề Hội nghị của Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam diễn ra trong ba ngày, từ ngày 23 đến 25/11. Cuộc gặp gỡ chú ý đặc biệt đến số 225 của Thông điệp Fratelli tutti: “Nhiều nơi trên thế giới cần có những lộ trình hòa bình để hàn gắn các vết thương. Cũng cần có những người kiến tạo hòa bình đầy khôn ngoan và táo bạo, sẵn sàng thực hiện các tiến trình chữa lành và tìm gặp lại nhau”.
Theo Đức Tổng Giám Mục Gallagher, đây là một sự dấn thân mỗi ngày của Giáo hội. Yêu cầu nền tảng về đối thoại cho hoà bình đã bắt đầu từ thời Thánh giáo hoàng Phaolô VI và vẫn được thực hiện cho đến ngày nay. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô, khi đề cập đến tình hình địa chính trị hiện tại, đã nói về một cuộc xung đột của thế giới thứ ba đang diễn ra và chỉ ra châu Âu bị xáo trộn trước một cuộc chiến đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoại trưởng Toà Thánh nhấn mạnh: “Hòa bình trước hết là từ chối hoàn toàn chiến tranh và tìm kiếm đối thoại bằng bất cứ giá nào, giúp tạo bầu khí tin cậy, đảm bảo con đường hướng tới tương lai. Hoà bình không chỉ là không có xung đột nhưng còn là giải pháp hòa bình cho các tranh chấp giữa các quốc gia, nhằm bảo vệ quyền con người và các dân tộc, kể cả quyền tự do lương tâm và tôn giáo”.
Theo Đức Tổng Giám Mục Gallagher để thúc đẩy bầu khí tin cậy và đối thoại giữa các quốc gia và dân tộc, không ai bị phụ thuộc người khác thì sự liên đới phải là điểm chính cho quan hệ và đối thoại giữa các quốc gia. Theo nghĩa này, chính sách ngoại giao của Tòa Thánh cam kết thúc đẩy một hình thức quan hệ mới giữa các quốc gia, tập trung vào đối thoại và giải trừ quân bị cũng như một con đường sư phạm về giáo dục hòa bình, với việc đào tạo một con người toàn diện dấn thân vì công ích.
Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Toà Thánh còn nhấn mạnh “cần thúc đẩy xã hội để cứu thế hệ mới khỏi chiến tranh”, và “điều cần thiết là con người có thể cảm thấy chắc chắn về con người và một quốc gia chắc chắn về một quốc gia khác. Chỉ bằng cách này, con đường hòa bình mới khả thi”. (SIR 23/11/2022)
Ngọc Yến – Vatican News