Tham dự Hội nghị “Ngoại giao Toà Thánh và văn hoá gặp gỡ”, do Hiệp hội Bác ái Chính trị tổ chức ngày 19/6, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh đưa ra một loạt những sự kiện trong Kinh Thánh, và nhấn mạnh đó là mẫu gương để các nhà ngoại giao Toà Thánh suy tư cho sứ vụ của mình.
Đức Tổng Giám Mục Gallagher khẳng định trong bài tham luận: “Văn hóa gặp gỡ làm nền tảng cho ơn gọi truyền giáo mà các đại diện giáo hoàng, cùng với các cộng tác viên, sống trong sứ vụ của họ ở các quốc gia khác nhau trên thế giới”.
Ngoại trưởng Toà Thánh đề cập đến một số sự kiện trong Kinh Thánh là nguồn cảm hứng suy tư về ngoại giao của Toà Thánh: Cuộc gặp gỡ giữa Abraham và tư tế Menkixêđê (St 14,17-20), một mẫu gương về tình bạn giữa các dân tộc từ thời xa xưa, cùng những câu chuyện khác; Chúa Giêsu với những sự kiện: chữa lành cho người đầy tớ của viên đại đội trưởng (Mt 8,5-13) và con cái của một phụ nữ người Hy Lạp (Mc 7,24-30), dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10, 25-37), cuộc trò chuyện bên giếng nước với người phụ nữ Samari (Ga 4, 1-42) và cuộc đối thoại với Philatô (Ga 18, 33-40).
Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh, các cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu luôn mang tính cá vị, và vì vậy đây cũng là mẫu gương cho các cuộc gặp gỡ của các nhà ngoại giao Tòa Thánh, những người không phải công chức nhưng là những mục tử.
Theo ngài, sách Công vụ Tông đồ với Lễ Ngũ Tuần thể hiện rõ nhất văn hoá gặp gỡ. Theo đó, sự chắc chắn của Kitô giáo là con người có thể hiểu nhau và hiệp nhất trong cộng đoàn huynh đệ và tương trợ. Văn hóa gặp gỡ cũng được tìm thấy trong các thư của Thánh Phaolô và trong sách Khải Huyền, kể lại cuộc gặp gỡ cuối cùng của nhân loại trước Thiên Chúa và nhắc lại tầm quan trọng của việc làm chứng. Đức Tổng Giám Mục nói: “Thực tế, để thúc đẩy nền văn hóa gặp gỡ, nhà ngoại giao của Tòa Thánh cũng phải là chứng nhân đích thực của Tin Mừng, một người kiến tạo hòa bình không mệt mỏi và một tông đồ nhiệt thành của hòa giải”.
Ngọc Yến – Vatican News