Dưới đây là bài viết được đăng trên trang chuacuuthe trước đây, giờ không còn tồn lại nhưng đã được lưu lại ở một trang khác:
Người còn lại của gia đình có bốn linh mục DCCT
VRNs (27.10.2013) – Sài Gòn – Một hàng dài, mỗi ngày thứ bảy, xếp trước phòng nghỉ bệnh của cha Leo Lê Trung Nghĩa để xin được lãnh bí tích giao hòa.
Chúng tôi hỏi: “Tại sao cha già và bệnh tật nhiều như thế, mà cha vẫn giải tội cho mọi người?” Cha Leo Nghĩa trả lời: “Từ nhỏ, các cha Canada đã làm cho tôi ấn tượng việc giải tội. Rồi sau này khi đi giảng Đại Phúc, tôi lại thấy việc giải tội là rất quan trọng, nên không thể từ chối hối nhân được”.
Ngày 30.04.1975, toàn cõi Việt Nam bị cộng sản vô thần cai trị. Một tuần sau đó, ngày 08.05.1975, cha Leo Lê Trung Nghĩa chính thức nhận trách nhiệm Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.
Cha Leo Lê Trung Nghĩa sinh ngày 19.04.1927 tại Vĩnh Long, khấn Dòng ngày 02.08.1949 và lãnh sứ vụ linh mục ngày 11.07.1954. Sau khi dạy học tại Ðệ Tử Viện Vũng Tàu (1956-1960) và dự Nhà Tập II tại Ðà Lạt (1960-1961), từ năm 1961, cha hoạt động Đại Phúc tại Sài Gòn. Từ 1964-1968, ngài giữ các nhiệm vụ Quản lý Tỉnh, sau đó làm Bề Trên Nhà Sài Gòn cho đến tháng 04.1975. Ngài nhận nhiệm vụ Bề Trên Giám Tỉnh giữa lúc tương lai đất nước và nhà dòng đều mịt mờ.
Những biến cố đau thương đầu tiên của Tỉnh Dòng thời cha Leo Nghĩa là các cha thừa sai người Canada bị trục xuất. Tháng 07.1975, các cha Thomas Côté, Louis-Philippe Vaillancourt, Camille Dubé và Jean-Marie Labonté phải lên đường trở về cố hương. Tháng 06.1976, hai vị thừa sai Canada sau cùng là cha Eugène Larouche và cha Lucien Olivier cũng bị trục xuất. Ngay sau đó, một số linh mục Dòng Chúa Cứu Thế người Việt Nam bị đưa đi tù hoặc cải tạo. Tỉnh Dòng bị tước mất, hoặc vĩnh viễn hoặc tạm thời, một số các vị thừa sai nhiệt thành và tài ba.
Bên cạnh sự mất mát về nhân sự, Tỉnh Dòng còn mất nhiều cơ sở vật chất và các phương tiện hoạt động tông đồ. Tất cả các trường học và các cơ sở làm việc tông đồ trong lãnh vực giáo dục đều bị chiếm đoạt. Các cơ sở kinh tế như các đồn điền, các nhà máy, các trại chăn nuôi và các cơ sở khác đều bị cưỡng chiếm. Hầu hết các giáo điểm truyền giáo tại Fyan và Châu Ổ bị buộc phải ngưng hoạt động.
Đặc biệt, tu viện Thủ Ðức bao gồm trường đào tạo linh mục DCCT từ cấp thấp nhất (Đệ tử, Nhà tập, Học viện Triết học và Thần học) bị chiếm đoạt ngày 25.01.1978, Nhà Tiểu Ðệ Tử Vĩnh Long (năm 1978), Tu Viện Nha Trang (ngày 15.12.1978), Tu Viện Ðà Lạt (cuối năm 1979).
Trong lúc hàng loạt tu sĩ và linh mục trở thành “vô gia cư”, cha Leo Nghĩa và Hội đồng của ngài đã quyết định lập ngay các cộng đoàn đối nhân là Vĩnh Long, Hiệp Hòa, Thủ Ðức và Nhà Mai Thôn.
Những năm cuối thập niên 1970, nhiều tu sĩ linh mục DCCT cảm thấy xa lạ, ngỡ ngàng và không quen với một xã hội vừa hình thành. Xã hội mới đã đẩy một số tu sĩ vào một nếp sống xa lạ đối với nếp sống truyền thống của cộng đoàn tu trì. Nhiều cha, nhiều thầy và anh em sinh viên dự tập phải đương đầu với cuộc sống tự lực mưu sinh khó khăn, phải làm những nghề quá lao nhọc về thể xác cũng như tinh thần, từ đạp xích lô đến thợ mộc, hay đan mây tre lá. Các tu sĩ “vô gia cư” mỗi người mỗi phương, mỗi người đương đầu với những khó khăn và thử thách riêng. Từ 1975, Tỉnh Dòng bị cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài, kể cả với Trung Ương Hội Dòng tại Rôma.
Do những biến động lịch sử và do cách thức tổ chức xã hội trong xã hội xã hội chủ nghĩa, đã dần hình thành ba lối sống khác nhau của một cộng đoàn DCCT: (1) các cha các thầy sống chung dưới một mái nhà; (2) không sống chung dưới một mái nhà, nhưng thỉnh thoảng có thể sinh hoạt chung, hoặc còn liên lạc được với vị Ðặc Trách của cộng đoàn mà mình là thành viên; và (3) không có cộng đoàn, sống riêng rẽ và trực thuộc Tỉnh Dòng. Ngoài ra các cha bị tù đầy và cải tạo thì cứ tùy nghi vậy.
Trong mấy năm cuối thập niên 1970, các sinh hoạt chung của Tỉnh Dòng không thể tổ chức được, do đó cuộc bầu cử các chức vụ trong Tỉnh Dòng cũng bị buộc phải chậm trễ đến gần một năm. Ngày 05.11.1978, cha Leo Lê Trung Nghĩa tái đắc cử Bề Trên Giám Tỉnh (nhiệm kỳ II, 1978 -1981).
Thời cha Leo Lê Trung Nghĩa làm Giám Tỉnh, Nhà Hà Nội chỉ còn một mình cha Giuse Vũ Ngọc Bích. Nhà Huế trở nên trống trải, chỉ còn cha Micaen Nguyễn Ðình Lành và cha Phêrô Hoàng Diệp. Tại Châu Ổ, các giáo điểm phải ngưng hoạt động, vài cha tập trung về Nhà Châu Ổ. Tu Viện Nha Trang các tu sĩ phải dời sang ở trong một căn nhà nhỏ với diện tích sử dụng chỉ bằng 1/23 Tu Viện bị nhà nước cưỡng chiếm. Tu Viện Ðà Lạt và các cơ sở trực thuộc cũng do Nhà Nước chiếm đoạt, các tu sĩ, người ở nhà xứ, người ở ngôi nhà nhỏ dưới thung lũng. Cộng đoàn Fyan chỉ còn một cha và hai thầy, nhưng không được hoạt động tông đồ…
Ý thức về thời điểm đặc biệt này, nên từ tháng 06.1975 đến tháng 06.1976, trong vòng một năm, cha Leo Nghĩa và Hội đồng của ngài đã tổ chức ba lễ truyền chức linh mục cho 11 tu sĩ trẻ. Sau ngày tu viện Thủ Đức bị tịch thu, mọi hoạt động đào tạo chấm dứt. Tuy nhiên, sau cơn bàng hoàng, với biết bao trăn trở và suy nghĩ, quý cha, quý thầy trong Tỉnh Dòng cố gắng tìm một hướng đi mới cho công cuộc quan trọng này. Công Hội Tỉnh năm 1980, một đường hướng mới đã bắt đầu hình thành. Cấp I, Cấp II và Cấp III được thiết lập thay cho các tên gọi trước đây là Dự Tập, Tập Viện và Học Viện.
Trong giai đoạn 1975-1981, hoạt động tông đồ-mục vụ của các linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Công cuộc truyền giáo tại 4 trung tâm truyền giáo Fyan, Châu Ổ, Tây Nguyên và Cần Giờ tuy vẫn được tiếp tục duy trì, nhưng buộc phải thích nghi với hoàn cảnh mới, thậm chí hoàn toàn âm thầm, như hạt giống gieo vào lòng đất, phải tan biến đi mới hy vọng đơm bông kết trái. Các hoạt động tông đồ – bác ái, vào cuối những năm 1970, gần như phải ngưng lại: cha Lucien Olivier bị trục xuất; cha Louis Nguyễn Văn Quy sang Pháp, các cơ sở kinh tế không còn. Các phong trào Công Giáo ngưng sinh hoạt hoặc phải chuyển sang những hình thức mới, uyển chuyển hơn. Các hoạt động tông đồ bằng ngòi bút dần dần đi đến chỗ ngưng hẳn. Các hoạt động tuyên úy hoặc hoàn toàn không còn (như tuyên úy quân đội), hoặc chỉ được thực hiện hết sức kín đáo và âm thầm (như tuyên úy bệnh viện và dòng tu). Các trường học bị quốc hữu hóa. Những hoạt động tông đồ bằng các phương tiện truyền thông đại chúng như xuất bản, báo chí, truyền thanh và truyền hình bị cấm hoạt động.
Tuy vậy, vẫn có rất nhiều gam màu sáng đẹp nổi lên. Trước hết là xuất bản bản dịch Kinh Thánh trọn bộ của cố linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn, vào năm 1976. Đây là một đóng góp quan trọng bậc nhất cho Giáo Hội Việt Nam lúc ấy. Các giáo xứ thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, nhất là giáo xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn, đã theo mô hình “Saint-Bennon” của thánh Clement, công bố Tin Mừng cho biết bao con người đau khổ. Một số cha Dòng Chúa Cứu Thế đã nhận coi sóc nhiều giáo xứ tại các địa phận khác nhau.
Một trong những hoạt động tông đồ rất đáng chú ý trong thời kỳ này là việc dạy giáo lý. Ngoài Lớp giáo lý thiếu nhi tại Sài Gòn, hoạt động tông đồ này không thể được tổ chức quy mô, nhưng lại là một hoạt động cho thấy rõ các linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam có khả năng vượt trên những hoàn cảnh khó khăn để loan báo Tin Mừng. Nơi đâu có linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, nơi đó có lớp giáo lý, dù nhiều “lớp” chỉ có một học viên. Nhà tù, trại cải tạo, nhà máy, nông trường, đường phố, đồng ruộng, bệnh viện, tất cả đều có thể là nơi chốn để nói về Chúa, về ơn cứu độ. Một vài nơi thực hiện những sáng kiến thú vị. Thí dụ ở Nhà Huế, cha Hoàng Diệp tổ chức các buổi Dao Ca tại nhà thờ, thu hút anh chị em lương dân đến nghe, nhân đó nói về Chúa và về Tin Mừng cứu độ cho họ.
Nhưng trên tất cả, có một cách hoạt động thừa sai mà mọi thành viên Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đều tham gia, và tuyệt đại đa số đã cố gắng tham gia tích cực; đó là làm chứng bằng chính cuộc sống thánh hiến và cuộc sống dấn thân – phục vụ của mình.
Ngày 22.02.1981, cha Leo Lê Trung Nghĩa hoàn thành hai nhiệm kỳ Bề Trên Giám Tỉnh của ngài. Cha Giuse Trần Ngọc Thao đưa vai tiếp tục gánh vác trách nhiệm lãnh đạo rất nặng nề và quan trọng đó.
Cha Leo Nghĩa ở lại làm thành viên tu viện Sài Gòn và nhận trách nhiệm chăm sóc giáo xóm 2 thuộc giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ngài đảm nhiệm trách vụ này gần 20 năm, sau đó chuyển giao lại cho cha khác.
Hiện nay, 2013, sau nhiều lần bị tai biến mạch máu não, và ở tuổi 86, Nhà Dòng muốn cha hoàn toàn nghỉ ngơi, nhưng trong thực tế, rất nhiều linh mục đến xin ngài linh hướng và giải tội.
Ngày thứ bảy hàng tuần, ngay tại phòng nghỉ hưu của ngài, giáo dân vẫn xếp hàng để được lãnh ơn tha thứ từ ngài.
Gia đình cha Leo Lê Trung Nghĩa có tất cả bốn linh mục DCCT. Đầu tiên là cậu của ngài, cha Henry Bạch Văn Lộc (+), nguyên Bề trên giám tỉnh. Cha Felix Lê Văn Lang (+) và cha Phanxicô Xaviê Lê Thanh Châu (+) là anh và em ruột của ngài. Cả ba vị kia đã về với thánh Anphong và các thánh trong dòng bên Chúa Yêsu.
PV. VRNs