Trước chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha vào giữa tháng 9 tới đây, Đức cha Yevgeniy Zinkovskiy, Giám mục phụ tá của Karaganda và là giám mục bản xứ đầu tiên của Kazakhstan đã cho biết về phản ứng tích cực từ người dân của đất nước Trung Á này.
Đức cha Zinkovskiy nói: “Không có từ ngữ nào có thể diễn tả được niềm vui của toàn thể cộng đồng Công giáo ở Kazakhstan trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến đất nước chúng tôi. Điều làm chúng tôi vui mừng nhất là ngay cả những công dân không Công giáo của đất nước cũng đón nhận tin tức về chuyến viếng thăm với sự hứng khởi. Dấu hiệu tích cực đầu tiên là các nhà chức trách của Karaganda đã đề nghị giúp chúng tôi tổ chức chuyến đi từ thành phố của chúng tôi đến Nur-Sultan, nơi Đức Thánh Cha sẽ ở lại ba ngày. Dấu hiệu tích cực thứ hai là khi nhiều nhà báo hỏi những người trên đường về việc họ nghĩ gì về chuyến thăm của Đức Phanxicô, câu trả lời là họ đều rất vui khi một người quan trọng như vậy của Chúa đến thăm người dân Kazakhstan”.
Mục đích của chuyến viếng thăm là Đại hội đại biểu các tôn giáo truyền thống và thế giới lần thứ 7, sẽ diễn ra vào ngày 14 và 15/9 tại thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan. Theo chương trình chính thức của Tòa Thánh, Đức Phanxicô sẽ đến Kazakhstan vào chiều ngày 13/9. Tại đây, ngài sẽ được nhà chức trách nước này tiếp đón và ngài sẽ có bài phát biểu chính thức đầu tiên trong số 5 bài của chuyến viếng thăm này. Trong những ngày tiếp theo, Đức Thánh Cha sẽ tham dự chương trình của Đại hội, với những giây phút dành riêng cho cộng đoàn Công giáo địa phương và một Thánh lễ tại Quảng trường Expo, cũng như một cuộc gặp gỡ với các Giám mục, tu sĩ, chủng sinh và các cộng tác viên mục vụ, diễn ra tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Lời mời chính thức thăm Kazakhstan đã được Chủ tịch Thượng viện Kazakhstan Maulen Ashimbayev gởi đến Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 6/11 năm ngoái trong buổi yết kiến Đức Thánh Cha tại Vatican. Nhân dịp này, Chủ tịch Thượng viện đã cảm ơn sự hỗ trợ của Tòa thánh cho Kazakhstan trong những năm qua.
Đại hội đại biểu các tôn giáo truyền thống và thế giới lần thứ nhất do cựu Tổng thống Nazarbayev triệu tập vào hai ngày 23 và 24/09/2003 tại Astana (nay là Nur-Sultan). Nhân dịp này, các đại biểu từ 17 cơ quan và tổ chức tôn giáo và giáo phái trên khắp thế giới đã gặp gỡ với mục đích phục hồi đối thoại và tự do tôn giáo ở trung tâm Trung Á, một khu vực nằm gần tâm điểm của các cuộc xung đột tôn giáo – sắc tộc sau ngày 11/09/2001. Đại hội được lấy cảm hứng từ những tuyên bố của các nhà tổ chức “Ngày Cầu nguyện cho Hòa bình” trên thế giới đã được Đức Gioan Phaolô II triệu tập vào ngày 24/01/2002 tại Assisi để nêu bật sự đóng góp của các truyền thống tôn giáo khác nhau trong việc đối thoại và hiểu biết giữa các dân tộc và các quốc gia. (Fides, 8/8/2022)
Văn Yên, SJ – Vatican News