Thái Hà (05.04.2017) – Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập ngày Quốc tế các Trẻ em không được ra đời vào ngày 25/03, ngày Lễ Truyền Tin. Vị cố giáo hoàng tin rằng đây sẽ là cách “để loan truyền nền văn hoá sự sống, nhằm đảm bảo sự tôn trọng phẩm giá con người trong mọi tình huống.”
Và có một con người vĩ đại khác là Tống Phước Phúc, một người Việt Nam hy sinh cuộc đời để trao lại nhân phẩm cho các thai nhi.
Ông không chỉ dành suốt 16 năm qua để thu gom hàng ngàn bào thai bị phá bỏ, bị ruồng rẫy, mà còn là người cưu mang vô vàn trẻ em bị bỏ rơi sau khi sinh, cũng như chăm lo nơi ở cho hơn 35 bà mẹ mà ông khuyến khích giữ lại con thay vì phá thai.
Ông Phúc nảy sinh ý định này sau khi đưa vợ mình đi sinh ở bệnh viện. Khi rời khỏi bệnh viện, ông thấy một bào thai bị bỏ mặc ở gốc cây. Ông đã nhặt bào thai ấy, đưa về nhà và chôn cất thai nhi đó trong một ngôi mộ nhỏ.
Từ đó, người thợ xây 60 tuổi này, gần như đêm nào cũng đến bệnh viện và đã thu gom được hơn 11.000 bào thai và chôn cất các em trong mỗi ngôi mộ nhỏ – là những ô vuông hơn 15 cm2 ở vườn sau nhà.
Động lực thúc đẩy ông làm việc này, là muốn nhìn trẻ em được tận hưởng cuộc sống, được đi học và có nhiều cơ hội. Khi nhắc đến vô số những bào thai nhi, ông nói: “Những đứa trẻ này đã mất đi đặc quyền đó. Nhưng ít ra tôi cũng có thể cho các em một ngôi mộ.”
Nhưng không dừng lại ở việc chôn cất, ông còn viết tên thánh cho các thai nhi tại nơi an nghỉ của các em, chẳng hạn như Phaolô hay Maria.
Ông Phúc còn hy vọng rằng, việc làm của ông sẽ giúp người Việt Nam nhận thức rõ hơn về vấn đề nạo phá thai ngày càng tăng với con số đáng báo động. Việt Nam đang đứng đầu châu Á với hơn một triệu ca nạo phá thai mỗi năm.
Theo thống kê có rất nhiều lí do khác nhau dẫn đến nạo phá thai, nhưng những nguyên nhân hàng đầu là quan hệ trước hôn nhân và ngừa thai không an toàn. Khi đứng nhìn nghĩa trang thai nhi, ông Phúc hy vọng “các phụ nữ trẻ sẽ nhìn vào đây, và biết dừng lại những hành động dẫn đến cảnh tượng này”.
Điều đặc biệt hơn nữa là ông Phúc cũng thuyết phục được các bà mẹ giữ lại con mình, thay vì phá đi, giúp họ chăm sóc cho trẻ sơ sinh trong một trại trẻ mồ côi nhỏ, cho tới khi họ có thể tự chịu trách nhiệm đời mình.
Ông cũng nuôi dưỡng hơn 100 trẻ em bị bỏ rơi tại trại mồ côi của mình, với chi phí tài chính khổng lồ mà ông đã kêu gọi từ thiện và qua việc chăn nuôi lợn gà để giúp bổ sung thu nhập.
Ông quả là một con người vĩ đại, bởi ông không chỉ nhận thức được phẩm giá của con người, mà còn biến điều đó trở thành mục đích của đời mình.
Anna Huê dịch từ Aleteia