#GNsP (10.06.2018) – Việc xuống đường bày tỏ chính kiến cách ôn hoà là chuyện rất đỗi bình thường tại các quốc gia tiến bộ. Nơi nào tôn trọng quyền căn bản của người dân, bao giờ cũng coi việc người dân xuống biểu tình cách ôn hoà là quyền căn bản. Có lẽ, các nhà làm luật cũng lường trước, việc xuống đường biểu tình là hành động cuối cùng, và dường như cũng là duy nhất để cùng nhau bày tỏ chính kiến trước những vấn đề khác nhau, nhất là những vấn đề liên quan đến cộng đồng, dân tộc.
Luật pháp Việt Nam cũng đã quy định người dân có quyền xuống đường biểu tình. Tại điều 25 Hiến pháp năm 2013 thì công dân Việt Nam “có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình, việc thực hiện quyền này theo quy định của pháp luật”. Cản trở những quyền này thậm chí còn quy tội phạm hình sự. Điều 167 bộ luật hình sự năm 2015 nêu rõ “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực cản trở công dân thực hiện quyền “tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình của công dân đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.”
Như vậy, rõ ràng, khi soạn thảo Hiến pháp và bộ luật hình sự, nhà cầm quyền cũng đã đi vào xu thế của thế giới tự do và thấy rằng, việc biểu tình là công cụ cần thiết đối với người dân để bày tỏ chính kiến của mình.
Dẫu vậy, nhà cầm quyền Việt Nam chưa cụ thể việc biểu tình qua luật biểu tình. Nhiều lần luật biểu tình đã bị trì hoã. Nhưng như vậy không có nghĩa là không được biểu tình. Khi chưa có luật biểu tình thì quyền biểu tình của công dân không mất, nghĩa là người dân xuống đường biểu tình là quyền mà đã được Hiến pháp quy định cách rõ ràng, nếu có luật biểu tình thì chắc chắn luật này cũng không được đi ngược hiến pháp mà tước quyền biểu tình của người dân.
Hiến pháp và tinh thần là vậy, nhưng tại sao lại có sự trấn áp biểu tình?
Những cuộc biểu tình năm 2011, 2014 chống Trung Quốc với đường lưỡi bò và việc đưa dàn khoan HD 981 vào thềm lục địa Việt Nam, các cuộc biểu tình chống Formosa xả thải chất độc xuống biển Miền Trung năm 2016 và nhiều cuộc biểu tình của bà con dân oan mất đất đai, bị xử oan sai diễn ra hàng năm…đều bị ngăn cản, đánh đập, bắt bớ.
Sáng nay, Chúa Nhật 10.06.2018, tại các tỉnh, thành phố khắp cả nước người dân dù không quá đông, nhưng cũng đã xuống đường biểu tình. Người dân bày tỏ chính kiến của mình về luật đặc khu, về luật an ninh mạng có thể được thông qua sẽ tạo mối an nguy cho quê hương đất nước, sẽ vi phạm quyền thông tin cơ bản của người dân.
Trước việc xuống đường của người dân, an ninh chìm nổi đã rải khắp các ngõ hẻm theo dõi, xách nhiễu, ngăn cản người dân không cho người dân xuống đường. VTV1 còn đưa tin ‘bắt được 2 đối tượng xúi giục dân biểu tình’ và ‘phát hiện ai xúi giục biểu tình hãy báo cho cơ quan an ninh’. Những anh chị em tại Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang…và nhiều tỉnh thành khác xuống đường đã và đang bị bắt bớ, đưa lên xe bus mà đưa đi.
Tại sao một việc làm hết sức bình thường của người dân nơi các nước, điều mà chính nhà cầm quyền cũng đã công nhận qua Hiến pháp và bộ luật hình sự lại trở nên nghiêm trọng đối với nhà cầm quyền? Nhà cầm quyền coi việc người dân biểu tình như thù địch, như tội phạm chứ không phải việc bày tỏ chính kiến rất đỗi bình thường?
Lẽ ra, nhà cầm quyền phải tự hào và nên tự hào vì người dân của mình trước hành động biểu tình ôn hoà ấy. Người dân đã không làm ngơ, không thờ ơ đối với vận mạng của dân tộc, trước những quyền cơ bản của con người – điều sẽ làm cho đất nước trở nên tiến bộ, phát triển thực sự. Lẽ ra công an, an ninh phải là những người giữ gìn trật tự, bảo vệ để quyền biểu tình của người dân không bị vi phạm thì họ lại trở thành lực lượng rình rập, bắt bớ, đánh đập, câu lưu người dân khi người dân xuống đường biểu tình.
Lực lượng an ninh, nhà cầm quyền hãy coi lại lối hành xử của mình, kẻo lại là nhóm người vi phạm Hiến pháp, pháp luật, chống lại sự tiến bộ của nhân loại. Và như vậy sẽ trở thành nhóm người phản động đích thực.
Hướng Việt
Sài Gòn, Chúa Nhật 10.06.2018