Thái Hà (30.03.2016) – Theo tổng kết của WHO được báo chí đăng lại, mỗi năm, Việt Nam có thêm 200.000 người mắc ung thư và trong số đó 70.000 phải chết. Theo tỉ lên dân số, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về tỉ lệ mắc và chết vì ung thư. Nguyên nhân chính đến từ thực phẩm nhiễm độc. Người Việt đầu độc nhau.
Hai câu hỏi, đúng ra là hai câu than thở thường nghe: “Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau?” và “Người Việt bắt đầu độc ác với nhau từ lúc nào?”
Thật ra, người Việt cũng giống như bất cứ giống dân nào trên thế giới, khi sinh ra có cả tốt lẫn xấu trong người chứ không chỉ biết độc ác với nhau mà thôi. Chính các điều kiện xã hội, cơ chế chính trị đã khơi mầm tội ác và ngăn chận những mầm tốt được sản sinh.
Nhật Bản là một ví dụ. Trước 1946, Nhật không phải là một nước hiền hậu, nhân bản như ngày nay. Bước chân của đạo quân Nhật đi qua cũng để lại những điêu tàn, thảm khốc không khác gì vó ngựa của đạo quân Mông Cổ đi qua trong nhiều trăm năm trước. Chính sách chinh phục và cai trị tàn bạo của Nhật đối với dân tộc Triều Tiên chẳng hạn là một bằng chứng tội ác khó mà quên. Ăn cướp tài sản của người dân trong vùng bị quân đội Nhật chiếm là hành vi phổ biến. Nạn đói tại Việt Nam năm 1945 với hàng triệu đồng bào miền Bắc chết một phần là do chính sách ác độc tịch thu thóc để nuôi ngựa của quân đội Nhật.
Thế nhưng điều kiện xã hội thay đổi sau hiến pháp dân chủ 1946, đã làm cho con người Nhật tốt hơn, thương yêu nhau hơn, kính trọng nhau hơn và tôn trọng luật pháp mà chính họ đặt ra chứ không do ai gán ghép. Phần nhập đề của Hiến Pháp Nhật 1946 khẳng định Nhật Bản dứt khoát từ bỏ quá khứ và xây dựng một Nhật Bản dân chủ thịnh vượng do dân và vì dân.
Trong giải túc cầu thế giới trên sân vận động Johannesburg ở Nam Phi 2010, khi tàn trận đấu, các hàng ghế đầy rác rến, lon, ly v.v. ngoại trừ khu người Nhật. Họ đứng lên và dọn rác của mình trước khi ra về dù đang rất buồn vì hôm đó đội Nhật thua. Nước Nhật là một quốc gia được cả thế giới kính trọng không phải chỉ về mặt kinh tế mà nhất là văn hóa.
Những hiện tượng bất nhân, độc ác đang thấy tại Việt Nam chỉ là quả chứ không phải là cây và do đó hái dăm trái thối hay thậm chí hái hết trái trên cây đi nữa sang mùa khác chúng sẽ được sinh ra.
Tội ác sẽ không bao giờ xóa được khi các nguyên nhân gây ra tội ác vẫn còn tồn tại.
Người Việt sẽ không bao giờ bằng người Nhật? Tại sao không. Người Việt có khả năng vươn lên như bất cứ dân tộc, quốc gia nào trên thế giới nếu có cơ hội, và cơ hội đó không do ai ban phát mà phải tự tạo cho chính mình.
Trần Trung Đạo