Thái Hà (06.02.2016) – “Tự do tôn giáo là một ân huệ của Thiên Chúa, là quyền của con người phải được tôn trọng.”
Đó là lời của Đức cha Joseph E. Kurtz, Tổng Giám mục (TGM) Giáo phận Louisville, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, nói trong chuyến thăm giáo phận Vinh từ chiều ngày 29 đến trưa ngày 30/1/2017.
Trong bài giảng hôm 30/1, Đức cha Kurtz nói tiếp: “[Tự do tôn giáo] khi được thể hiện đúng và tốt, nó sẽ mang lại cho chúng ta một dân tộc biết hy sinh cho nhau và tiếp tục truyền bá đức tin của mình cho các thế hệ kế tiếp.”
Ngài cũng kêu gọi các Kitô hữu “cam kết vun trồng và chăm sóc” môi trường sống, theo lời nhắc nhở của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thông điệp Laudato Si.
Đức cha Kurtz nói: “cần xây dựng một hệ sinh thái cho con người, trong đó chúng ta vừa chăm sóc cho công trình tạo dựng của Thiên Chúa, nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta và đồng thời chăm sóc cho những người sinh sống trên trái đất này.”
Trong chiều ngày 29/1, dưới sự hướng dẫn của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Đức TGM Joseph E. Kurtz cùng phái đoàn đã đi thăm Đại Chủng viên Vinh Thanh, Dòng Mến Thánh Giá Vinh, Phòng khám Đa Khoa TGM Xã Đoài và Trung tâm Khuyết tật 19/3.
Sáng ngày 30/1/2017, Đức TGM Joseph E. Kurtz và Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã ký kết bản thỏa thuận hỗ trợ đào tạo nhân sự giữa 2 giáo phận. Sau đó, Đức TGM Joseph E. Kurtz đã cùng Đức cha Phaolô dâng thánh lễ ngày Mùng 3 Tết tại Linh địa Trại Gáo.
Lúc 13h00, phái đoàn TGM Xã Đoài đã tiễn Đức TGM Joshep E. Kurtz ra sân bay Vinh, kết thúc chuyến viếng thăm tại Giáo phận Vinh.
Giáo phận Vinh, gồm 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, là nơi có tiếng nói mạnh mẽ trong nhiều vấn đề xã hội, trong đó có thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra. Đức Giám mục của giáo phận đã bị nhiều tờ báo nhà nước chỉ trích vì vấn đề này.
Trước đó hôm 25/1, phái đoàn của Đức cha Kurtz đã đến thăm Học viện Công giáo Việt Nam tại Sài Gòn.
Tại Việt Nam, tự do tôn giáo còn có nhiều hạn chế. Phái viên Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo, ông Heiner Bielefeldt năm 2014 từng nhận định, mặc dù Việt Nam đã có “một số chuyển biến tích cực” về tự do tôn giáo, những ông tin rằng “vi phạm nghiêm trọng…là thực tế” ở Việt Nam.
Ông Bielefeldt đưa ra kết luận này trong tuyên bố báo chí, sau chuyến thăm Việt Nam kéo dài 11 ngày từ 21 đến 31/7/2014.
###
TOÀN VĂN BÀI GIẢNG TRONG THÁNH LỄ MỒNG 3 TẾT TẠI LINH ĐỊA TRẠI GÁO
CỦA ĐỨC TGM JOSEPH E. KURTZ
Tôi hân hoan gởi lời chào mừng nồng nhiệt nhất tới cộng đoàn dân Chúa Giáo phận Vinh, đại diện cho trên 540 ngàn người Công Giáo thuộc một giáo phận rộng lớn, bao gồm 3 tỉnh của Việt Nam là Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Tôi xin đặc biệt cảm ơn Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, đã có lời chào mừng và chúc lành cho tôi trong ngày mồng 3 Tết.
Tôi cũng xin có lời cám ơn Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, nguyên Giám Mục Giáo phận Vinh; Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám mục Phụ tá; Linh mục Đoàn Giáo phận Vinh; quý Tu sĩ nam nữ; các Chủng sinh; cùng toàn thể anh chị em. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả quý vị và quý quyến!
Thật là một niềm vui lớn lao cho tôi được chào đón tất cả quý vị đến tham dự thánh lễ và cầu xin Chúa ban phước lành cho chúng ta. Là một người Công giáo, khi nói “Xin Chúa chúc lành cho anh chị em,” tôi có ý nhấn mạnh rằng, tôi chúc anh chị em những điều tốt đẹp nhất.
Trong buổi cử hành mang đậm văn hóa truyền thống như Tết Nguyên Đán của anh chị em, lời nguyện xin ơn trên ban phước lành đã có từ ngàn xưa, như mong ước mùa màng cây quả tốt tươi và phong phú trong năm mới, mong rằng mọi người sẽ được sống trong hòa bình và thuận hảo, mong muốn tất cả sẽ phát triển trong trưởng thành – không chỉ tìm kiếm lợi ích của riêng mình, mà là lợi ích của tất cả – lợi ích chung.
Khi tôi xin Chúa là nguồn gốc của ơn phúc, tôi xin nhiều hơn. Lời nguyện xin của tôi không chỉ là một mong ước, mà còn là một lời khẩn cầu một quà tặng. Tôi khiêm tốn nài xin Chúa ở lại với anh chị em và với tôi, và xin Người cung cấp cho chúng ta những gì cần thiết cho những lời cầu nguyện, như: cho mùa màng bội thu trong năm mới; cho an bình và hòa thuận; cho lợi ích của mỗi cá nhân và mỗi gia đình; cho sự tôn trọng nhau để cùng phát triển.
Tôi đến từ Hoa Kỳ, từ bang Kentucky và từ thành phố Louisville, nơi tôi nhận trách nhiệm Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Louisville – một giáo phận được thành lập năm 1808, cách nay 209 với hơn 200 ngàn giáo dân Công giáo.
Tôi đến đây với lòng nhiệt thành và niềm vui lớn lao. Tôi mang những lời cầu nguyện của rất nhiều gia đình người Việt đã chọn Hoa Kỳ là quê hương mới, nhưng trong lòng họ vẫn tràn đầy sự trìu mến, nhớ thương quê cha đất tổ của họ, gia đình họ và những người thân yêu của họ tại Việt Nam. Và hôm nay, tôi và Cha Antôn vinh hạnh mang lời chào mừng của họ đến với anh chị em ở đây.
Tôi đến thăm anh chị em với tư cách là nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ và mang theo lời chào mừng và sự hiệp nhất với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Chúng tôi cũng đến Việt Nam trong sự hiệp thông – trong niềm VUI MỪNG để cùng anh chị em bắt đầu năm mới âm lịch, và với lòng TRI N để cùng anh chị em cảm tạ ơn Chúa.
Các bài đọc Thánh Kinh hướng dẫn chúng ta trong thánh lễ. Đầu tiên từ Sách Sáng Thế, chúng ta suy niệm về Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Chúng ta nghe Chúa nói với người đàn ông đầu tiên với hai lệnh truyền là “Hãy nuôi dưỡng và chăm sóc” trái đất.
Hôm nay chúng ta nguyện xin Chúa cho chúng ta có thể làm cả hai việc Chúa muốn. Chúng ta tìm cơ hội để vun trồng trái đất – sử dụng tất cả những biệt tài và khả năng của chúng ta trong công việc hàng ngày. Việc vun trồng trái đất này sẽ giúp tất cả chúng ta thịnh vượng phát triển, giúp đỡ lẫn nhau, giúp cho mỗi gia đình, và cho những người nghèo túng đang cần đến lòng hảo tâm của chúng ta. Chúng ta vun trồng cho trái đất, và đồng thời chúng ta cũng chăm sóc cho trái đất.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp Laudato Si – Ngợi khen Chúa, đã nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái cho con người: trong đó chúng ta vừa chăm sóc cho công trình tạo dựng của Thiên Chúa, nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta và đồng thời chăm sóc cho những người sinh sống trên trái đất này. Với Adam và Eva, chúng ta cam kết vừa vun trồng và vừa chăm sóc cho trái đất.
Bài đọc 2, trích thư thứ 2 của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, kêu gọi chúng ta bước xa hơn một bước: chúng ta phải luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Đấng “… làm cho mọi ân sủng trở nên dồi dào.” Và chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đang cảm tạ Thiên Chúa đúng khi chúng ta nhìn thấy trong lòng chúng ta những dấu hiệu rõ ràng của sự tạ ơn. Dấu hiệu này là một trái tim quảng đại.
Thánh Phaolô đã cảm ơn các Kitô hữu Côrintô vì lòng biết ơn của họ làm cho họ quảng đại với nhau. Người nói, “Chúng tôi đang làm phong phú lòng quảng đại của anh chị em.” Trong năm mới này, xin cho tâm hồn chúng ta được đầy tràn lòng quảng đại.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta những lời thực sự quen thuộc của kinh “Lạy Cha” – lời cầu nguyện đặc biệt mà chính Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ. Anh chị em đã thuộc lời kinh nầy. Anh chị em đã cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha lúc còn trẻ. Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.
Chúng ta được biết rằng trong sa mạc, dân Chúa chọn được ăn manna mỗi ngày. Tuy nhiên, họ chỉ có thể thu thập đủ cho mỗi ngày. Họ không thể tham lam, nhưng việc thu thập dạy họ chia sẻ với nhau và cùng nhau cầu nguyện cho lương thực hàng ngày. Chúng ta muốn có món quà đó.
Cuối cùng, lời cầu nguyện của Chúa nhắc nhở chúng ta tha thứ cho nhau như chúng ta cũng xin Chúa tha thứ cho chúng ta. Thánh lễ tân niên hôm nay sẽ không trọn vẹn nếu chúng ta vẫn còn mang trong lòng sự oán giận và tổn thương. Không, ngày đầu năm mới là một thời gian để gạt ra một bên những oán giận và tổn thương nầy – hãy tìm cơ hội để tha thứ, bắt đầu từ năm nay, với trái tim ngay lành và tinh khiết, chỉ với ước mong được phục vụ một cách vị tha.
Có rất nhiều người Việt tốt lành đã phải đối diện với những khổ đau và anh chị em đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày vì đức tin. Anh chị em đã có niềm tin sâu đậm trong trái tim của anh chị em. Và anh chị em đã có những gương sáng của các thánh tử đạo là những vị đã can đảm làm chứng cho đức tin của mình, cho dù phải trải qua bao nhiêu gian nan và thử thách trong tâm hồn cũng như thể xác.
Chúng tôi, những người sống ở Hoa Kỳ, ngưỡng mộ đức tin vững mạnh của anh chị em và chúng tôi khâm phục những hy sinh cống hiến chính mình cho sự thật và tình yêu của anh chị em. Khi tôn vinh Thánh Andre Dũng Lạc cùng với 117 thánh tử đạo Việt Nam, chúng tôi chân thành cảm ơn sự tận tâm, tận lực của anh chị em để bảo vệ đức tin. Tự do tôn giáo là một ân huệ của Thiên Chúa, là quyền của con người phải được tôn trọng, và khi được thể hiện đúng và tốt, nó sẽ mang lại cho chúng ta một dân tộc biết hy sinh cho nhau và tiếp tục truyền bá đức tin của mình cho các thế hệ kế tiếp.
Thật là một tập quán tốt đẹp và nhân bản khi chúng ta đến với nhau vào những ngày đầu năm mới – như hôm nay là ngày mồng 3 Tết. Chúng ta đến đây để tạ ơn Chúa về những ân sủng Người đã ban cho chúng ta. Chúng ta đến đây để tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ là người đã sinh thành và dưỡng dục chúng ta; chúng ta cảm tạ Chúa vì Người đã cho chúng ta đôi tay lao tác – làm cho đời sống được phát triển, thịnh vượng và con người biết chăm sóc cho nhau và vun tưới cho mẹ trái đất của chúng ta. Và như Thánh Phaolô đã nhắc nhở, lòng biết ơn của chúng ta cần tỏa rạng tinh thần quảng đại, bao dung.
Xin Thiên Chúa yêu thương anh chị em; Xin Thiên Chúa chúc lành cho Giáo phận Vinh thân thương của anh chị em!
Linh Địa Trại Gáo, Giáo phận Vinh, ngày 30 tháng 01 năm 2017
Tổng Giám Mục Joseph E. Kurtz
Tổng Giáo phận Louisville, Hoa Kỳ
Nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (12/11/2013-12/11/2016)
Giuse Nguyễn Trung Hiếu chuyển ngữ
Nguồn tư liệu: http://giaophanvinh.net/