GNsP (16.05.2019) – Sau chiến dịch cướp chiếm Nhà Dòng Mến Thánh Giá và Nhà thờ Thủ Thiêm, Sài Gòn bất thành, dưới sức ép dư luận trong và ngoài nước, cộng sản buộc phải thực hiện cái gọi là “không giải tỏa”. Nhưng lại thực hiện chủ trương mới: “giữ lại Nhà thờ và Nhà Dòng như một di tích lịch sử- văn hóa”.
Thế nào là di tích lịch sử- văn hóa?
Khoản 1 Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2001 qui định: “3. Di tích lịch sử – văn hoá là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học”.
“Tiêu chí” để được công nhận là di tích lịch sử- văn hóa, khoản 1 Điều 28 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi- bổ sung 2009) qui định: ““1. Di tích lịch sử – văn hóa phải có một trong các tiêu chí sau đây: a) Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử, văn hóa tiêu biểu của quốc gia hoặc của địa phương; b) Công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia hoặc của địa phương trong các thời kỳ lịch sử; c) Địa điểm khảo cổ có giá trị tiêu biểu; d) Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị tiêu biểu cho một hoặc nhiều giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật.”
Cần biết, tại “Danh sách các công trình, địa điểm đã được quyết định xếp hạng di tích trên địa bàn TP.HCM (đến hết tháng 5/2017)” hoàn toàn không có tên bất kỳ Nhà thờ, Nhà Dòng nào.
Còn trong “Danh mục kiểm kê di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 đến 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 923/QĐ-UBND ngày 7/3/2017 của UBND TP.HCM)”, các Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Nhà thờ Tân Định, Nhà thờ Huyện Sỹ, Nhà thờ Hạnh Thông Tây (Nhà thờ Thông Tây Hội), Nhà thờ Thánh Jeanne d’Ảrc, Nhà thờ Chợ Quán, Nhà thờ Cha Tam, Nhà thờ Thủ Đức, Nhà nguyện Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn, Nữ tu viện Thánh Phaolô (Tu viện Saint Paul), có tên trong “loại hình kiến trúc nghệ thuật”.
Cả hai danh sách này đều không có tên Nhà thờ và Nhà Dòng Thủ Thiêm. Điều này cho thấy, việc đề nghị công nhận di tích lịch sử- văn hóa, chỉ là biện pháp “tình thế”, sau khi nuốt không trôi Nhà thờ và Nhà Dòng Thủ Thiêm.
Sói thò một chân vào nhà!
Sau khi có thông tin “Chính quyền Việt Nam “vào cuộc” vụ hạ giải Nhà thờ Bùi Chu”, một người sử dụng mạng facebook đã viết “Vậy là con cái trong nhà đã vô tình cho sói đặt một chân vô nhà của mình rồi”.
Tại buổi họp giữa đại diện Sở VH-TT với đại diện Nhà Dòng, Nhà thờ Thủ Thiêm, Tòa TGM Sài Gòn về việc xét công nhận di tích, “Sở VH-TT đã giải thích khi được công nhận thì không mất gì…”?
Chưa bàn đến “ý đồ” chỉ muốn công nhận khu vực 1,2…, trên thực tế là “rất nhỏ, so với tổng thể 3,5 ha,”, cái mất ngay trước mắt, là nhà của mình, do mình làm chủ sở hữu, lại phải “làm đơn đề nghị xếp hạng”. Để sau khi được công nhận, việc mình muốn “bảo quản, tu bổ…” nhà của mình, phải “Lập quy hoạch, dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Nhà của mình nhưng có “quyền và nghĩa vụ” phải cho người khác vào “tham quan, nghiên cứu”. Câu chuyện Nhà thờ Chánh tòa (Nhà thờ đá)- Nha Trang- phải “đối phó” với khách du lịch Trung quốc vào tham quan, đã gây ồn ào dư luận một thời.
Chủ sở hữu nhà nhưng bị nghiêm cấm “a) Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của di tích; b) Làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, phá đá, đào bới, xây dựng trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích”. Như vậy, nếu muốn di dời- chỉ là Tượng Thánh- trong Nhà thờ, Nhà Dòng phải được phép của “cơ quan nhà nước có thẩm quyền”? Nói cho người khác biết, Nhà thờ, Nhà Dòng Thủ Thiêm đã từng phải “đấu tranh” với nhà cầm quyền cộng sản để tồn tại có “phải xin phép”, hoặc có bị xem là “giới thiệu sai lệch….”? Nếu xem các khu vực còn lại của Nhà Dòng là “môi trường cảnh quan”, thì các sinh hoạt của các Nữ tu sau này chẳng hạn, có bị nghiêm cấm vì lý do vu vơ “có hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích”?
Tại buổi họp, Cha Kiều Công Tùng- đại diện Tòa TGM- đã phát biểu “đợi Cha Xuân về, sẽ họp bàn và trả lời việc làm đơn đề nghị công nhận di tích lịch sử- văn hóa”. Cha Xuân, tức Cha Tổng đạị diện Ignaxio Hồ Văn Xuân, vị được Đức Cha Giám quản công bố “đề cử làm đại diện Tòa TGM để gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan, ban ngành liên hệ”.
BBT