Từ Hà Nội, có các chuyến xe đi Cẩm Phả, Cửa Ông, Quảng Ninh. Đến ngã Ba Vân Đồn (Bãi Cháy) là điểm xuống của hành trình. Tới đây, bạn đón xe buýt địa phương đến biển “Cái Rồng” để đi cảng Cái Rồng. Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ trên tầu cao tốc, bạn đã có mặt tại đảo Thanh Lân hay đảo Cô Tô (cách đất liền khoảng 60km).
Đảo Thanh Lân rộng khoảng 27km là một trong 3 xã của huyện đảo Cô Tô. Đảo Cô Tô cũng có diện tích gần bằng đảo Thanh Lân. Tuy nhiên, đảo Cô Tô là có thị trấn Cô Tô, trung tâm hành chính của huyện đảo Cô Tô.
Đảo Thanh Lân có khoảng 2000 dân sinh sống, đảo Cô Tô có khoảng 3000. Phần lớn các gia đình nơi đây có nguồn gốc từ Hải Phòng, Nam Định và Thanh Hóa. Bà con trên đảo chủ yếu đi biển. Trong những năm gần đây, đã có khách du lịch ra đảo nhưng chưa nhiều như đảo Cô Tô.
Được biết, đảo Thanh Lân cũng như đảo Cô Tô, sau năm 1978, nhà nước cho người Trung Quốc hồi hương và vận động bà con người Việt nhiều nơi ra đây sống để giữ đảo. Trải qua nhiều năm tháng vất vả gian khổ, giờ đây đời sống của bà con trên đảo đã phát triển, nhất là từ khi trên đảo có điện lưới quốc gia vào năm 2013.
Trên đảo Thanh Lân có khoảng 600 người Công giáo. Trên đảo Cô Tô có hơn 400 người Công giáo. Người Công giáo trên đảo Thanh Lân cũng như Cô Tô phần lớn bà con từ Hải Hậu, thuộc Giáo phận Bùi Chu, tỉnh Nam Định.
Bà con trên đảo Thanh Lân cũng như Cô Tô đã kiên vững sống đức tin qua bao năm tháng không có linh mục chăm sóc mục vụ. Năm 2004 họ đạo Cô Tô được thành lập với hơn 300 nhân danh. Họ đạo Thanh Lân được thành lập năm 2009 với hơn 500 nhân danh. Hiện họ đạo Cô Tô đã có ngôi nhà thờ kiên cố được khánh thành vào năm 2013 do Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli.Hiện tại một ngôi nhà thờ lớn kiên cố cũng đang được xây dựng trên đảo Thanh Lân.
Họ đảo Thanh Lân và họ đảo Cô Tô thuộc Giáo xứ Cẩm Phả, Giáo phận Hải Phòng. Hiện do cha Toma Nguyễn Văn Vinh làm chánh xứ. Được biết, bà con trên hai hòn đảo này vẫn chưa được tham dự thánh lễ Phục Sinh do cha xứ đang đau bệnh trong những ngày Phục Sinh vừa qua.