“Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta. Ngài là món quà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Ngài là cố vấn kỳ diệu, người cha muôn thuở, thủ lãnh hoà bình” (Is 9,5). Thiên Chúa giáng sinh đã chia sẻ phận người như chúng ta và ở giữa chúng ta (Ga 1,14).
Chúng ta đã nếm cảm niềm vui của mùa Giáng Sinh, mùa của các người con Chúa thể hiện yêu thương. Mùa làm cho các tâm hồn nơi sa mạc nở hoa. Mùa làm cho những bàn tay rã rời của các em khuyết tật trở nên mạnh mẽ, làm cho người mù, người què, câm điếc dạt dào niềm vui (x. Is 35,1-10).
Linh mục Giuse Đặng Chí San đã viết cảm nhận sau những lần dâng lễ, ban bí tích giúp các bệnh nhân HIV tại các trung tâm: “Tôi vẫn thầm lặng cám ơn các anh chị em tu sĩ hiện diện lặng thầm ở vùng đất tận cùng này, cũng như tôi vẫn cám ơn tất cả các tu sĩ mình gặp nơi này nơi khác. Họ cũng rất người, cũng ‘xào xạc’, trăn trở vật lộn với niềm vui nỗi khổ, cũng mệt mỏi rã rời sau một đêm trực thức trắng với bệnh nhân. Nhưng điều lạ lùng là họ cứ được ‘thánh hiến trong sự thật’ và nguyện xin được ‘thánh hiến người khác trong sự thật’ (Ga 17,19). Đặc biệt là các chị nữ tu, cứ âm thầm như men như muối, lọt thỏm giữa mấy trăm nhân viên ở đây.
Ngày nào đi làm về, các anh chị lại âm thầm ngồi thật lâu trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Sáng nay, Chúa nhật đầu tháng, các anh chị lại ngồi âm thầm lặng lẽ vào sa mạc suốt buổi với Giêsu! Tôi chiêm ngắm các anh chị trong nhà nguyện cũng như đã chiêm ngắm các bạn nhiễm HIV trong giờ thánh lễ cũng như trong phòng cấp cứu. Họ đều là ‘những người nghèo’, ‘những kẻ bé mọn’ (Mt 11,25-27). Có những người nghèo cứ nhiệt tâm như thế… đem tin mừng vào tận cùng trái đất.
Họ xác tín rằng Thiên Chúa đã yêu thương họ, nên dù là ‘vô danh nam hay vô danh nữ, vô danh tội lỗi, vô danh đói nghèo, vô danh cô đơn’… sở dĩ tôi gọi họ là vô danh vì chẳng ai nhớ đến họ, chẳng ai nhắc đến họ, chẳng ai ghi tên họ vào sổ thành tích… nhưng tôi thầm nghĩ họ rất là mãn nguyện vì họ đã được gọi tên, được ấp ủ trong trái tim của Chúa Giêsu”. (Báo CGDT số 1987, tr.69).
I. NHỮNG TÍN HIỆU CỦA NIỀM VUI
1. “Thấy ánh sáng, chúng ta sống rồi!”
Hồi trung tuần tháng 12 năm 2014 có một sự kiện làm cho cả nước phải quan tâm. Công trường xây dựng thuỷ điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) đang đào một đường hầm xuyên qua một quả đồi dài khoảng 700m, làm đường dẫn nước từ hồ chứa xuống nhà máy phát điện. Đào từ hai phía miệng hầm, một bên được 600m, một bên được 30m, còn lại khoảng 70m chưa kịp đào.
Ngày 16 tháng 12 năm 2014, hầm bị sập tại nơi cánh cửa hầm khoảng 560m, bít lối ra của 12 công nhân đang đào hầm. Tội nghiệp 12 con người sống trong đêm tối lo sợ. Nước từ dưới đất dâng lên, nước từ trên cao đổ xuống, thiếu không khí, thiếu thức ăn và nhất là sống trong lo sợ. 82 giờ khủng khiếp và đen tối đó (7g sáng ngày 16/12 đến 16g20 ngày 19/12). Họ sống trong lo âu tột cùng. Họ đã trải qua 82 giờ nghẹt thở, lo âu và có lúc tuyệt vọng, cố giữ sự sinh tồn trong lằn ranh sống và chết.
Ông Phạm Việt Nam là thủ lãnh của nhóm 12 người bị nạn đã chia sẻ: hai điều khiến cho mọi người trong chúng tôi phải hoang mang đến tuyệt vọng là sợ nưỡc từ dưới dâng lên cao khiến họ chết đuối hoặc mái hầm sụp đổ làm mồ chôn cả đám. Chị Đặng Thị Hồng Ngọc – 26 tuổi vẫn không khỏi bàng hoàng trong lòng đất lạnh vì ngập nước. Mỗi giờ qua đi trong hầm tôi có cảm giác nó dài như cả một năm. Tôi còn một cháu nhỏ mới 4 tuổi. Tôi đi theo chồng phục vụ trong công trình thuỷ điện này tôi đã cầu nguyện và mơ ước mình được cứu sống để trở về với con.
Khi đường hầm đã được khai thông do đội cứu hộ đã làm việc liên lỉ với tất cả các phương tiện mà ngành cứu hộ cung cấp, ông trưởng nhóm Phạm Việt Nam đã la to lên: “Đã thấy ánh sáng, chúng ta sống rồi!”. Toàn thể cộng đồng đã cùng phập phồng lo sợ, nay thở phào. Hoan hô sự cố gắng tột cùng của các anh em trong đội cứu hộ.
2. Những người vốn thù địch trở nên bạn hữu và anh em
Hai thương binh: một binh sĩ người Pháp, một binh sĩ người Đức, cả hai đều bị trọng thương đang hấp hối. Họ nằm cạnh nhau và hết sức đau đớn.
Bỗng nhiên người lính Pháp cử động. Anh gượng thò tay vào túi áo, rút ra một thánh giá nhỏ bằng bạc. Anh cung kính đưa lên hôn, rồi giọng mạnh mẽ, anh đọc lên: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc…”.
Nghe anh này đọc kinh, người lính Đức nằm kề bên đang im lìm thoi thóp, giương mắt ra nhìn, rồi xoay đầu qua phía anh binh sĩ Pháp, không chút oán hận, anh đọc tiếp kinh Kính mừng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…”.
Hai người lại nhìn nhau và hiểu nhau. Rồi với một cử chỉ bác ái cao cả, anh binh sĩ Pháp đưa ảnh chuộc tội của mình cho anh binh sĩ Đức hôn. Và cuối cùng hai người bắt tay nhau, nhắm mắt và tắt hơi thở.
Một luồng gió lạnh thổi thoáng qua trên thể xác hai con người đang cứng dần. Họ ra đi, nhưng lòng họ thanh thản vì cùng chung một niềm tin, là anh em của nhau (báo La Croix, trích theo: suy nghĩ và cầu nguyện của linh mục Nguyễn Văn Thảnh, trang 55).
3. Việc hoà giải giữa hai dân tộc Hoa Kỳ và Cuba
Trong thời điểm cuối năm 2014, báo chí thế giới đã loan tin: “Toà thánh thành công trong việc làm trung gian hoà giải giữa Hoa Kỳ và Cuba. Trong suốt 18 tháng qua, Toà thánh đã âm thầm mở nhiều cuộc họp tại Vatican. Kết quả là sự ‘tan băng’ giữa hai quốc gia vẫn còn thù địch từ cuộc chiến tranh lạnh đã xích gần lại nhau.”
Ngày 17/12/2014, cả hai vị tổng thống Hoa Kỳ và Cuba đã đồng thời công bố bước đầu của biến cố tan băng này, thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường hoá giữa hai quốc gia. Tổng thống Obama công bố sự kiện này vào buổi trưa. Tổng thống Raul Castrol đã gửi một thông điệp tới quốc dân trên hệ thống truyền hình của Cuba. Trong suốt quá trình 53 năm hai quốc gia sống trong bầu khí “chiến tranh lạnh” (1961). Mọi liên lạc giữa hai quốc gia này đều qua toà đại sứ nước bạn. Hôm 17/12/2014, dân chúng Cuba đón nhận tin này với niềm háo hức và vui mừng khôn tả. Trường học ngưng giảng dạy để theo dõi và lắng nghe tin tức quan trọng này. Chuông nhà thờ Habana đã đổ hồi đón mừng sự kiện lịch sử này. Một kỷ nguyên mới hoà giải đã mở ra. Người ta ca ngợi Đức Giáo Hoàng Phanxicô và toà thánh với ước mong làm trung gian hoà giải, tạo điều kiện cho hai dân tộc xích lại gần nhau. 53 năm sống trong tâm thức thù nghịch, bây giờ họ đã trở thành anh em láng giềng thân thiết của nhau.
4. Khát vọng hòa bình
Ngày 6.8.1945, trái bom nguyên tử đầu tiên đã thả xuống Hirosima, đã gây ra thảm họa hơn nửa triệu người chết. Bé Sadako Sasaki mới 2 tuổi, cách chỗ bom nổ hai cây số, bé không bị sao. Mãi 12 năm sau, chất phóng xạ mới có tác dụng. Em đang chạy thì bị đột quỵ. Và người ta phát hiện Sadako bị ung thư máu. Chizuko, một bạn gái của Sadako cũng ở bệnh viện. Cô mang theo một xấp giấy gấp ngay một con hạc theo phương pháp xếp giấy Origami. Hạc là một loại chim thần ở Nhật, sống thọ nghìn năm. Người ta nói, hễ ai gấp được 1.000 con hạc giấy thì chắc chắn được chữa lành.
Cô bé Sadako đáng thương quyết định cố gắng gấp cho bằng được 1.000 hạc giấy. Cuối cùng cô cũng gấp được đủ số 1.000 nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Cô quyết định gấp 1.000 con nữa, mặc dầu cô cảm thấy sức lực đã suy kiệt. Mọi người đều kinh ngạc trước sự can đảm và lòng tin mạnh mẽ của cô. Ngày 25.10.1957, Sadako đã nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ vĩnh viễn giữa người thân yêu và giữa hàng ngàn cánh hạc trắng xóa vây quanh bên giường bệnh.
Câu chuyện chưa dừng lại ở đây. 39 bạn học cùng với Sadako đã thành lập câu lạc bộ hạc giấy và bắt đầu quyên một số tiền lớn để dựng một đài kỷ niệm mang tên “Tượng đài Hòa Bình” của thiếu nhi nằm ngay bên Công viên Hòa Bình ở trung tâm Thành phố Hirôshima, đúng nơi quả bom đã nổ tung năm 1945. Dưới chân tượng đài, người ta đọc được hàng chữ: “Tiếng kêu và lời cầu nguyện của chúng em chính là : Hãy xây dựng hòa bình trên thế giới này”.
II. THẾ GIỚI VẪN SỐNG TRONG LO ÂU
1. Bước qua thiên niên kỷ thứ 3, thế giới vẫn sống trong sự sợ hãi
Hòa bình vẫn là một khát vọng khôn nguôi của cả loài người. Năm 1945, thế giới thoát khỏi đại chiến thứ hai thì cuộc nổi dậy của các dân tộc nhược tiểu chống lại các quốc gia đô hộ họ, nhất là chiến tranh lạnh giữa các siêu cường quốc: Tư bản và Cộng sản. Năm 1989, với nhiều nỗ lực, từ nhiều phía, có sự đóng góp tích cực của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: bức tường ngăn cách giữa đông và tây đã sụp đổ, cộng đồng các quốc gia Đông Âu cùng hoà mình với các nước ở Tây Âu.
Người ta mong ước thiên niên kỷ thứ ba nhân loại sẽ được sống trong một kỷ nguyên hoà bình, ai ngờ ngày 11.9.2001, tòa nhà tháp đôi bị sụp đổ do khủng bố, tại chính thủ đô của nước Mỹ, một quốc gia vẫn tự hào đất nước mình không có chiến tranh. Thế nhưng Hoa Kỳ, các quốc gia Bắc Mỹ và Âu Châu, họ phải sống trong sự lo âu, đe dọa. Chiến tranh khủng bố và tiêu diệt khủng bố ngày càng leo thang tại các quốc gia: Afghanistan, Pakistan, Irắc rồi đến vùng Trung Đông như một lò thuốc nổ.
Những sự kiện trong tháng cuối năm 2014 làm cho chúng ta suy nghĩ: Việc bắt con tin tại quán cà phê ở Sydney (Úc). Việc xả súng của taliban vào trường học ở Pakistan (142 em học sinh tử nạn). Tình hình một nhóm hồi giáo cực đoan “IS” đã đe doạ cả thế giới, họ đưa những cuộc hành quyết dã man lên trang mạng.
2. Nhìn vào thực trạng xã hội Việt Nam
Đất nước chúng ta sau 40 năm giải phóng đã thoát khỏi nạn nghèo đói, nhưng lại phải trả giá về tình trạng luân lý suy đồi : nền tảng gia đình đang bị rạn nứt với lối sống phi luân, gian trá, lừa đảo… đời sống tâm linh bị coi thường, cuộc sống bị mất phương hướng, rơi vào tình trạng bế tắc…
Và tất nhiên đời sống Giáo hội ít nhiều cũng bị ảnh hưởng do các trào lưu xã hội tràn vào. Người ta nói nhiều đến tệ nạn cá nhân chủ nghĩa, lối sống thực dụng đề cao tính hiệu năng trong công việc. Đời sống gia đình có nhiều căng thẳng, dẫn đến khủng hoảng có tính cách đa nguyên, khủng hoảng giữa già và trẻ (giữa cách nhìn và hiểu vấn đề của cha mẹ, con cái cũng khác nhau), khủng hoảng tuổi hoa niên, khủng hoảng tuổi trung niên và cả nơi những anh chị em lớn tuổi đang gặp nhiều khó khăn. Xin coi tập truyện “Tướng về hưu” của nhà năn Nguyễn Huy Thiệp cung cấp cho chúng ta thấy nền đạo đức trong cơn lốc thị trường, vụ thẩm mỹ viện Nguyễn Mạnh Tường…
Nhiều bạn trẻ đã chia sẻ: ước gì mình được sống và lớn lên trong bầu khí nhân ái, yêu thương, mọi người biết quan tâm đến nhau, cảm thông cho nhau và nâng đỡ nhau.
III. MỖI NGƯỜI KITÔ HỮU LÀ SỨ GIẢ HOÀ BÌNH
1. Bình an của Thiên Chúa
Đang khi các môn đệ sợ hãi đóng kín cửa, lời chào đầu tiên của Đấng Phục Sinh là :“Bình an cho anh em” (Ga 20,19). Ngài là cố vấn kỳ diệu, thủ lãnh hoà bình (x. Is 9,5). Ngài mong ước cho chúng ta được bình an: “Bình an dưới thế cho người Chúa đoái thương.” (Lc 2,14). Cũng như người Do Thái, họ gặp nhau bao giờ cũng là lời chúc bình an (đối với họ, chúc bình an rất thiêng liêng, có bình an là có tất cả), mọi người đều mong ước sự bình an của Chúa.
Niềm vui và sự bình an hệ tại sự hiện diện Chúa giữa dân Ngài (Lv 26, 12 ; Ez 37, 26). Thánh Gioan cũng minh chứng nguồn gốc và thực tại hòa bình hệ tại hòa bình của Chúa Giêsu. Khi các môn đệ buồn phiền vì sắp phải lìa xa Thầy, Đức Giêsu đã trấn an họ “Thầy để lại Bình an cho anh em, Thầy ban Bình an của Thầy cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14, 27). Chúa mời gọi mọi người “Phúc thay ai xây dựng Hòa bình vì họ sẽ gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 9).
a. Sống trong ân sủng của Chúa
Để có thể trở thành sứ giả của hòa bình thì chính mình phải sống trong bình an, người ta khám phá ra : con người chỉ được hưởng bình an khi có ân sủng của Chúa. “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28). Noi gương và tiếp bước với Đức Maria, người đã đem niềm vui cho gia đình Zacharia. Và luôn sống tâm tình ngợi khen tình thương Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng. Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1, 46-47).
Tại trung tâm ung bướu, bệnh viện Nhân Ái (Thác Mơ) dành cho những bệnh nhân HIV giai đoạn cuối, người ta thấy những bệnh nhân lần chuỗi mân côi với nét mặt thanh thản, có những bệnh nhân HIV phụ chăm sóc các bạn đang bị liệt giường bại suội trong khu cấp cứu. Người ta ngạc nhiên hỏi lý do nào làm cho bạn bệnh tật như vậy mà vẫn tin tưởng lạc quan ?. Các bạn trả lời vui vẻ “vì con đã được biết Chúa, được vào đạo và con cảm thấy tâm hồn bình an, hạnh phúc”.
b. Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay… (Tv 132,1)
Niềm vui của người con cái Chúa là sống hiệp thông huynh đệ. Tập sống cho nhau, sống thuộc về nhau, đón nhận nhau trong tình thương của Chúa. Học đối thoại và lắng nghe nhau. Mình vì cộng đoàn, chứ cộng đoàn không vì mình. Bổn phận của mỗi người chúng ta là xây dựng cộng đoàn, đóng góp cho cộng đoàn và cầu nguyện cho nhau. (Nói đến đây, tôi nhớ vào năm 1965, khi Cha Dominique Pire O.P người Bỉ có công giúp cho các người Di dân (do hoàn cảnh chiến tranh) được ổn định, đã được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình. Ngài đã sử dụng số tiền thưởng để xây dựng một Đại học Hòa Bình, chuyên mở các khóa học chuyên đề như : Sống hiệp thông, đối thoại hòa bình, tôn trọng nhân phẩm, phát triển, tiếng gọi mới của hòa bình. Thực ra đây là một trung tâm gây ý thức và cổ võ cho hòa bình thế giới)
c. Xin là những nhịp cầu nối tiếp các bờ vui
Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong cuộc gặp gỡ các tập sinh và các chủng sinh (năm 2013 tại Rôma), ngài nhắn nhủ: Nét đẹp của đời tu là sống niềm vui. Người ta thấy nơi các tâm hồn những người dâng hiến là tinh thần hy sinh xả kỷ và nhất là nét mặt vui tươi, thánh thiện, bình an.
Xin Chúa Thánh Thần tình yêu ngự xuống và thổi sức sống cho mỗi cộng đoàn và cho mỗi người được tràn trào niềm vui trong tinh thần phục vụ. Chúa Thánh Thần là Đấng tác thánh, xin Ngài thổi Thần Khí trên mỗi người và làm cho chúng ta trở thành khí cụ bình an của Ngài.
Nơi nào có mâu thuẫn bất hòa,
Xin giúp con xây dựng tình thương.
Nơi nào có nản chí sờn lòng,
Xin giúp con gieo niềm hy vọng.
(Lời cầu kinh sáng thứ bảy, tuần II)
Lời nguyện kết thúc
Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Nữ Vương Hoà Bình
Xin gìn giữ nơi con: trái tim của trẻ thơ, tinh tuyền và trong ngần như dòng suối. Một trái tim hào hiệp, dám dấn thân như Mẹ đã đon đả lên đường giúp bà chị họ thân yêu của mình.
Một trái tim trung thành và quảng đại, không quên ơn và không báo oán.
Xin tạo cho con trái tim hiền từ và khiêm tốn, hân hoan xoá mình đi, để con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.
Một trái tim khắc khoải, dám trở thành nhịp cầu nối các bờ vui,
Và cuối cùng, xin Mẹ giúp con dám sống như Chúa, cũng như Chúa đã dám sống như con. Amen.