Nhớ (1): Chuyện về trường Dũng Lạc của Tổng Giáo Phận Hà Nội đang bị nhà nước chiếm dụng bất hợp pháp

Ngày 5 tháng 11 năm 2018, Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đã gửi “Đơn Kiến Nghị Khẩn Cấp” do Hồng Y Nguyễn văn Nhơn và Giám Mục Chu văn Minh ký, yêu cầu thành phố Hà Nội đình chỉ việc ngang nhiên xây dựng trên đất của tòa Tổng Giám mục. Khu đất này chính là khu trường Dũng Lạc trước kia.

Tin xấu này làm nhiều người bất bình. Tôi là học sinh trường Dũng Lạc trong bốn niên khóa từ năm 1950 đến 1954, từ Đệ Thất đến Đệ Tứ, nên xót xa cho mái trường xưa, mái trường mà ít ngày trước đây tôi thẫn thờ nhớ khi cô cháu tôi từ Việt Nam qua chơi, đã mang qua cho tôi cuốn học bạ bốn năm tại trường Dũng Lạc. Cuốn sổ mỏng, vàng ố, chỉ có 16 trang, ghi lại thành tích học tập của tôi trong bốn năm học Trung Học Đệ Nhất Cấp này. Học bạ được in tại nhà in Tiến Long, 25 phố Nhà Chung, Hà Nội. Phố Nhà Chung, con phố ngắn nhưng rất thân thuộc với học trò Dũng Lạc. Từ cổng trường ra, quẹo phải, là đã nhập vào bóng mát của phố, nơi có một trường của các sơ, có ca sĩ Tâm Vấn theo học, con gái túa ra từng đàn trong giờ ra về trùng với giờ tan trường của chúng tôi. Chúng tôi thường dùng con đường này để tới đường Tràng Tiền, quẹo trái ra Bờ Hồ đón tàu điện về nhà. Nhưng trước khi ra tới phố Nhà Chung, chúng tôi còn phải vấn vương với vỉa hè rộng lớn trước cửa trường. Nơi đây là thiên đàng nhỏ của học sinh Dũng Lạc. Có thịt bò khô, bánh tôm, kem cây. Lại có ngôi quán nhỏ của anh chàng Đại Quấy, bán đủ thứ hầm bà lằng, thứ nào trông cũng quyến rũ. Có bánh mì thịt ngon ơi là ngon của chàng Lý Toét. Đại Quấy và Lý Toét là những xước danh chúng tôi đặt cho hai anh chàng vui tính bán hàng trước cửa trường.

Có lẽ ít người biết trường Dũng Lạc ở Hà Nội. Đây là một trường tư thục công giáo, nằm sát bên hông nhà thờ Lớn Hà Nội, nhưng học sinh không hẳn toàn là công giáo. Rất nhiều bạn học của tôi không phải là dân Chúa. Họ theo học vì đây là một tư thục có rất nhiều giáo sư danh tiếng giảng dậy. Tôi đã được học các giáo sư Lê văn Hòe, Nguyễn Uyển Diễm môn Việt văn, giáo sư Bùi Phượng Chì, Nguyễn Đôn Dương môn lý hóa, giáo sư Nguyễn Gia Tường môn vạn vật, hai anh em giáo sư Lê Bá Kông và Lê Bá Khanh môn Anh văn, giáo sư Lê Xuân Bản môn Pháp văn, giáo sư Chung Quân môn Âm Nhạc.

Trong cuốn học bạ vừa tìm thấy lại của tôi, chữ ký của Hiệu Trưởng là cha Nguyễn Huy Mai. Cha là một khuôn mặt trí thức khả kính của Hà Nội. Tốt nghiệp Cử Nhân Văn Chương và Cử Nhân Thần Học tại Đại học Sorbonne, Paris, cha hồi hương về Hà nội vào năm 1947, lúc 34 tuổi. Được bổ nhiệm Phó Xứ nhà thờ chính tòa Hà Nội, cha hoạt động hăng say trong giới thanh niên học sinh và trong lãnh vực giáo dục. Cha thành lập trường Dũng Lạc và giữ chức Hiệu Trưởng đầu tiên. Năm 1952, cha được bổ nhiệm Chánh Xứ nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, Giám Đốc tiểu chủng viện Pio XII, và Tuyên Úy phong trào Thanh Sinh Công. Năm 1954, cha cùng bổn đạo di cư vào Nam, gia nhập giáo phận Kontum. Năm 1967, Vatican thiết lập tân giáo phận Buôn Mê Thuột và cha được vinh thăng Giám Mục tiên khởi của giáo xứ này. Cha qua đời vào ngày 4/8/1990, thọ 77 tuổi.

Trong thời gian làm Hiệu trưởng trường Dũng Lạc, cha Mai còn kiêm nhiệm nhiều chức khác nên cha rất bận, ít có mặt tại trường. Công việc tại trường được giao cho cha Hiệu Phó Trịnh văn Căn. Cha Căn là “bạn” tôi nên tôi hay vào chơi với cha trong văn phòng nhà trường. Nói là bạn cho oai chứ thực ra tôi là đầu sai của cha khi cha còn làm Phó Xứ nhà thờ Hàm Long. Trong khuôn viên nhà thờ Hàm Long có trường tiểu học Trần văn Thưởng mà tôi theo học. Thầy giáo dạy lớp Nhất của tôi là thầy Phạm Việt Tuyền, lúc đó còn là sinh viên Văn Khoa. Tôi vừa là học sinh của trường nhà thờ, vừa giúp lễ, vừa hát trong ca đoàn. Ngày đó giờ của tôi ở nhà thờ nhiều hơn ở nhà, tôi không đi tu kể cũng lạ. Thực ra ngày đó tôi chẳng bao giờ có tư tưởng đi tu trong đầu. Có tên bạn cùng lớp đi tu, tôi còn cản không cho. Ngoài đời vui vậy, sao lại tự nhốt mình trong chủng viện cho phí đời trai! Cha Trịnh văn Căn là con trai duy nhất trong gia đình, tưởng là ở đời, lấy vợ, giữ việc nối dõi tông đường, vậy mà lại đi tu.

Hồi đó học sinh được nghỉ học ngày thứ năm. Đó là ngày tôi cùng vài tên bạn được cha Căn chọn tới phòng cha ngồi chép sách cha viết ra thành nhiều bản. Cha là người thích dịch và viết sách. Tình thân giữa cha con của cha và tôi chỉ kéo dài được một năm. Năm 1951, cha chính xứ Hàm Long là linh mục Trịnh Như Khuê được thụ phong Giám Mục, cai quản địa phận Hà Nội. Cha Phó xứ Hàm Long Trịnh văn Căn đi theo cha xứ Trịnh Như Khuê để làm thư ký của tòa Giám Mục, kiêm nhiệm Phó xứ Nhà thờ Lớn, Hiệu Phó trường Dũng Lạc. Vậy là cha con tôi “đoàn tụ” tại trường Dũng Lạc.

Năm 1952, cha Căn làm chánh xứ nhà thờ Chính Tòa Hà Nội thay thế cha Nguyễn Huy Mai khi cha Mai được bổ nhiệm chức Giám Đốc tiểu chủng viện Pio XII. Năm 1959, cha Căn còn kiêm nhiệm Chánh Xứ Kẻ Sét. Xứ Kẻ Sét, tên chữ là Thịnh Liệt, là đất tổ của gia đình tôi. Sao đất tổ tiên của tôi lại lắm tên đến thế! Ngoài Kẻ Sét, Thịnh Liệt, còn có tên Giáp Bát hay nôm na là Làng Tám. Làng tổ của tôi trước kia thuộc tỉnh Hà Đông, sau thuộc ngoại thành Hà Nội, nay là thuộc Hà Nội. Cái tên Kẻ Sét đã đi vào dân gian. Chắc dân Bắc kỳ đều biết câu: “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”. Đầm Sét nằm ở Kẻ Sét làng tôi. Vậy là “tình thân” giữa tôi và cha Căn được thắt thêm một nút, tuy tôi đã di cư vào Nam từ năm 1954.

Năm 1954, hiệp định Geneve được ký kết, giáo dân ùn ùn di cư vào Nam. Khoảng 100 linh mục trong tổng số 180 linh mục của địa phận Hà nội theo giáo dân vào Nam. Cha Căn ở lại. Và cha trở thành một khuôn mặt lớn trong tình thế mới khi quan hệ giữa Vatican và nhà cầm quyền mới ở miền Bắc bị rạn nứt trầm trọng. Năm 1959, cha Căn được bổ nhiệm giữ chức Chánh Xứ nhà thờ Chánh Tòa Hà Nội. Giáo dân ngày đó coi cha như một người dẫn dắt giáo hội công giáo ở miền Bắc Việt Nam và giúp giáo dân vượt qua những khó khăn trong những ngày miền Bắc đổi chủ.

Tháng 2 năm 1963, cha Căn được thụ phong Giám Mục, làm phó cho cha Khuê, với quyền kế vị. Năm đó cha mới 42 tuổi. Năm 1975, Giám Mục Trịnh Như Khuê được Vatican phong tước hiệu Hồng Y. Năm 1978, Hồng Y Trịnh Như Khuê qua Roma bầu tân Giáo Hoàng kế vị Giáo Hoàng Paul VI mới qua đời. Chuyến đi phải kéo dài vì vị tân Giáo Hoàng được bầu là Giáo Hoàng Jean Paul I đã bất ngờ từ trần chỉ 33 ngày sau khi lên ngôi. Hồng Y Khuê phải ở lại Roma để bầu lần thứ hai. Đó là Giáo Hoàng Jean Paul II. Bầu xong, Hồng Y Khuê về nước. Sáng hôm sau Ngài vẫn dâng lễ bình thường, nhưng đến tối bị nhồi máu cơ tim và đột ngột qua đời. Giám Mục Căn lên kế vị. Chỉ một năm sau, Giám Mục Căn được vinh thăng Hồng Y và trở thành vị Hồng Y thứ hai của Việt Nam khi ông chỉ mới 58 tuổi. Nhân đây, có lẽ tôi phải nhắc tới vị Hồng Y thứ ba. Đó là Hồng Y Phạm Đình Tụng được phong tước Hồng Y năm 1994. Khi Cha chính xứ Hàm Long Trịnh Như Khuê được thăng Giám Mục thì linh mục kế vị ông trong chức Chánh Xứ Hàm Long chính là cha Phạm Đình Tụng. Vậy là ba Hồng y đầu tiên của Việt Nam đều trải qua những ngày phục vụ tại nhà thờ Hàm Long. Có lẽ ba vị chỉ giống nhau có vậy. Về vóc dáng họ hoàn toàn khác nhau. Cha Khuê trắng trẻo, mập mạp, trông rất uy nghi bệ vệ. Ngày đó, thấy cha là tôi kính nhi viễn chi. Chúng tôi không gần cha như gần cha phó Trịnh văn Căn. Cha Căn cao lớn, da ngăm ngăm đen, luôn có nụ cười hiền hậu trên môi và đặc biệt rất yêu thích lũ con nít chúng tôi. Phòng cha lúc nào cũng có bánh kẹo. Lũ nhóc chúng tôi bám theo cha, chẳng phải chỉ vì bánh kẹo, mà còn vì cha dễ chơi. Khi cha bỏ xứ Hàm Long, theo cha Khuê, chúng tôi như hụt hẫng. Cha Phạm Đình Tụng có chiều cao khiêm nhường, bộ vó rất tỉnh lẻ, da đen hơn cha Căn. Cha rất đạo mạo và khá biệt lập với chúng tôi. Ngồi nhớ lại, tôi không thấy có kỷ niệm đáng nhớ nào với cha Tụng. Tuy Hồng Y Phạm Đình Tụng không ăn nhậu chi tới trường Dũng Lạc nhưng tôi vẫn mới Ngài vô đây vì tôi muốn khoe là tôi là chỗ thân tình với cả ba vị Hồng y tiên khởi của Việt Nam từ khi các Ngài còn…hàn vi! Hồng y Phạm Đình Tụng trao quyền cai quản giáo phận Hà Nội cho Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt vào ngày 7/5/2003 vì già yếu. Ông lâm bệnh nặng từ năm 2006 và từ trần vào ngày 2/2/2009.
Trong ba vị Hồng Y quen biết, tôi khoái nhất Hồng Y Trịnh văn Căn. Tuy tính tình khả ái nhưng ngài rất cương quyết. Những ngày lãnh trách nhiệm dẫn dắt giáo hội miền Bắc trong hoàn cảnh khó khăn, ngài đã nhiều lần cứng rắn đối đầu với chế độ. Lớn nhất có lẽ là vụ phong thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam.

Đầu năm 1985, trong một chuyến tới Roma, Hồng Y Trịnh văn Căn hỏi ý Đức Ông Trần văn Thụ, yêu cầu Đức Ông nhận trách nhiệm làm cáo thỉnh viên trong việc xin phong thánh cho 117 vị chân phước tử đạo ở Việt Nam. Đức Ông nhận lời. Hồng Y Căn trao ngay cho Đức Ông Thụ giấy ủy nhiệm. Về lại Việt Nam, Ngài báo cáo với chính quyền. Chính quyền yêu cầu nộp hồ sơ cá nhân của 117 vị này. Trong khi đó, một số tu sĩ và giáo dân cho rằng Hồng Y Căn không khôn ngoan và thận trọng trong việc xin phong thánh. Ngài bị chính anh em cô lập. Chính quyền yêu cầu Hồng Y Căn lập ra một hội đồng để chính quyền tiện tiếp xúc trong việc xin phong thánh này. Trong một cuộc thuyết trình của nhà nước trước hội đồng, thuyết trình viên đã bôi nhọ các chân phước tử đạo Việt Nam là những người bán nước, đầu trộm đuôi cướp, gian thương. Nghe các chân phước tử đạo bị hạ nhục, Hồng Y Căn quỳ xuống ôm mặt khóc và van nài: “Xin thôi, xin thôi! Ông không có quyền thóa mạ, bôi nhọ cha ông chúng tôi là những người chúng tôi yêu mến và kính trọng”. Hồng Y Căn tiếp tục khóc. Các giám mục lẳng lặng rút lui. Cuộc họp kết thúc. Sau này, Giám Mục Nguyễn văn Sang, khi đã về hưu, kể lại: vị đại diện chính quyền bữa đó bị trách cứ là “suýt nữa cụ Căn ngã xuống thì lúc đó con số phong hiển thánh sẽ là 118 vị chứ không phải 117 vị!”. Theo Giám mục Chu văn Minh thì vị đó chính là Mai Chí Thọ! Ngoài ra, các ông Trần Bạch Đằng, Nguyễn Khắc Viện và nhiều thành viên của Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam, một phong trào do chính quyền thành lập, viết nhiều bài báo chống đối việc phong thánh. Ông Viện cho việc phong thánh là một đòn hiểm cho sự đoàn kết dân tộc của Việt Nam. Báo “Công Giáo và Dân Tộc” của các cha thân với nhà cầm quyền cộng sản định phổ biến một thỉnh nguyện thư xin hoãn việc phong thánh để xin chữ ký của giáo dân nhưng Hồng Y Căn và hàng giáo phẩm chân chính đã phản đối.

Ngày 22 tháng 6 năm 1987, Tòa Thánh thông báo tới Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chấp thuận việc phong thánh. Lễ phong thánh sẽ được tổ chức vào ngày 19/6/1988. Chính phủ Việt Nam phản đối quyết định này vì, theo họ, chính sử Việt Nam ghi lại các vị tử đạo Việt Nam là tay sai cho chủ nghĩa thực dân. Họ lo ngại nhân dịp này, giáo dân sẽ biểu tình lớn. Hồng Y Căn phản bác lại, cho rằng việc phong thánh không có ý nghĩa chính trị. Ông viết tiếp: “Đây không chỉ là một vinh dự cho Giáo hội Việt Nam, đó là một vinh dự cho tất cả người dân Việt Nam”.

Vì bị giam lỏng tại tòa Tòa Tổng Giám Mục từ năm 1987, Hồng y Căn không hy vọng chính phủ Việt Nam cho ông qua Roma tham dự lễ phong thánh. Tuy nhiên Ngài cũng thành lập một phái đoàn và xin chính phủ cho phép xuất ngoại. Ngài cũng cảnh báo là không chấp nhận phái đoàn do chính phủ Việt Nam thành lập và cử đi. Cuối cùng không có phái đoàn Việt Nam nào được chính phủ cho phép qua Roma tham dự. Đây là lễ phong thánh lớn nhất trong lịch sử giáo hội công giáo La Mã với 117 vị được thụ phong, vượt con số 103 vị ở Hàn quốc được phong vào năm 1984.
Với công đầu trong việc vận động phong thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam, Hồng Y Căn cho gia đình tôi được một niềm vui khôn cùng. Trong số 117 vị này có thánh Martino Tạ Đức Thịnh, tiền bối của dòng họ tôi.

Thánh Martino Tạ Đức Thịnh sanh năm 1760 tại làng Kẻ Sét, lúc đó thuộc huyện Thanh Trì, Hà Đông. Năm ngài 18 tuổi, gia đình đi hỏi cho ngài một thiếu nữ thùy mị, duyên dáng và đạo hạnh, nhưng ngài xin hoãn lại. Cuối cùng, sau khi suy nghĩ kỹ càng, ngài quyết định đi tu. Ngài được thụ phong linh mục trong thời vua Cảnh Thịnh cấm đạo, được bổ nhiệm làm bí thư cho Đức Cha Jacob Longer, đã từng tháp tùng Đức Cha tới yết kiến vua Gia Long khi nhà vua về Thăng Long vào năm 1803. Năm 1840, có Tổng đốc Trịnh Quang Khanh là một cộng tác viên đắc lực của vua Minh Mạng trong việc bách hại đạo công giáo. Nghe tin tại Kẻ Báng có ba vị linh mục, ông mang một ngàn quân tới vây bắt. Hai cha trốn trong vách nhà là các cha Nguyễn Đình Nghi và Nguyễn Ngân bị vây bắt trong khi cha Thịnh già cả, nằm trên võng giả dạng là một ông già tai điếc đặc, lại không bị lộ diện. Nghe tin hai cha bạn bị bắt, cha Thịnh hiên ngang ra trình diện. Tồng Đốc Khanh bắt các ngài bước qua thánh giá nhưng không ai chịu bước. Họ bị đánh roi, giam cầm khổ cực, cuối cùng bị hành hình bằng cách chém đầu vào ngày 8/11/1840 tại pháp trường Bảy Mẫu. Khi đó linh mục Martino Tạ Đức Thịnh vừa chẵn 80 tuổi. Thi thể của Ngài được mai táng tại xứ Vũ Điện, sau được đưa về quê quán là Kẻ Sét. Giáo Hoàng Leo XIII suy tôn ba linh mục Giuse Nguyễn Đình Nghi, Phaolô Nguyễn Ngân và Martino Tạ Đức Thịnh lên bậc Chân Phước vào ngày 27/5/1900, trước khi ba vị hiển thánh vào năm 1988.

Trước khi gia đình tôi tản cư khỏi Hà Nội vào năm 1948, tại nhà vẫn có bàn thờ rất lộng lẫy với xương cụ thánh Thịnh. Vài tháng sau, khi hồi cư về, bàn thờ bị phá, xương thánh bị mất. Năm 2003, tôi có về lại làng Giáp Bát, tới nhà thờ làng, thấy có bàn thờ cụ thánh Thịnh bên cung thánh.

Cũng trong lần duy nhất trở về Hà Nội sau 49 năm rời xa này, tôi trở lại trường xưa. Tôi chỉ đứng bên ngoài nhìn vào trường Dũng Lạc. Cánh cửa sắt lớn, nơi ngày xưa chúng tôi đứng bên trong chìa tiền ra mua kem trong giờ ra chơi, vẫn còn đó. Tấm bảng lớn bên trên nay mang dòng chữ: “Trường PTCS Hoàn Kiếm – Tân Trào”. Trường đã mất tên. Cuộc bể dâu nào đã giết chết ngôi trường xưa của chúng tôi sau khi chúng tôi di cư vào Nam?

(còn tiếp)

11/2018

Song Thao

facebook Song Thao
Website: www.songthao.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.