Từ đầu những năm 2000 thỉnh thoảng tôi có gặp ngài trong những lần đến trụ sở của Nhóm Các giờ kinh Phụng vụ (CGKPV) để mua Kinh Thánh giúp cha Trịnh Ngọc Hiên ở Hà Nội.
Hầu như năm nào cũng mua một vài lần, có khi ít vài trăm bản, có khi nhiều cả chục nghìn bản Kinh Thánh và các loại sách khác rồi vận chuyển về Hà Nội bằng tầu hoả. Lúc đấy cha Trịnh Ngọc Hiên làm Trưởng Ban Giáo lý của Giáo phận Hà Nội. Ngài còn mua giúp các vùng sâu vùng xa khác nữa ở Miền Bắc!
Ban đầu tôi có hỏi cha Trần Ngọc Thao là Bề trên của tôi trong tu viện DCCT Sài Gòn và cũng là Trưởng Nhóm CGKPV, để xem có được giảm giá ít nhiều không, nhưng ngài nói: “Mình không rành việc này. Cha Nguyễn Ngọc Tỉnh mới là người điều hành. Cụ thể thế nào Khải cứ đến gặp ngài”.
Từ đó, dần dần giữa cha Pascal và tôi trở nên thân thiết hơn, ngay cả sau này khi tôi đã trở về Hà Nội phục vụ, mỗi dịp vào Sài Gòn tôi đều ghé thăm ngài. Cũng có một vài lần ngài mời tôi ăn cơm riêng với ngài hoặc với cả Nhóm. Mỗi lần nói về Nhóm CGKPV, tôi thường nghe ngài nói: “Chúng tôi là một đội banh”.
Tôi nhận ra nếu Nhóm CGKPV là một đội banh thì cha Pascal là một cầu thủ xuất sắc trong đội banh này, vì ngài có một tâm hồn cao thượng, một trí tuệ sắc sảo, có sự hiểu biết văn hoá đạo đời sâu rộng, có khả năng nghiên cứu khoa học vững chắc mà những người trẻ lớn lên trong nền giáo dục XHCN sau này thường rất yếu.
Tôi nhận ra ngài vừa là “đội trưởng” và vừa là “đầy tớ” của mọi người trong đội banh kia: ngài chính là người tổ chức và điều hành các hoạt động của Nhóm. Ngoài bổn phận nghiên cứu và dịch thuật như các thành viên khác, ngài còn là quản gia lo đối nội đối ngoại; lo liên lạc, ăn uống, đi lại cho tất cả; lo xin các phép tắc đạo đời để xuất bản các tác phẩm. Nhiều vụ gian nan, ê chề và cay đắng!
Tôi nhận ra ngài là người đứng mũi chịu sào trước những khó khăn thử thách xảy đến với Nhóm. Cha Thao kể với tôi “Cha Tỉnh lỳ đòn lắm! Ngài không ngại hy sinh và không sợ va chạm”. Còn chính cha Pascal thì nói với tôi: “Trước những khó khăn và sóng gió, mình sẵn sàng đứng ra “chịu trận” và “chịu tội” hết để cho các anh chị em khác trong Nhóm được thuận lợi làm việc trong Giáo Hội và xã hội.”
Tôi nhận ra rằng ngài còn là “phát ngôn viên” của Nhóm. Cùng với cha Đỗ Xuân Quế, OP, ngài là một trong hai người tích cực viết về Nhóm và về một số vấn đề nóng bỏng của xã hội và Giáo Hội. Ngài nói với tôi rằng các bài viết kia thường được các thành viên trong Nhóm đọc và góp ý trước nhất và vì thế một cách nào đó thể hiện quan điểm của cả Nhóm.
Bao quát tất cả, tôi nhận ra dường như chính là “ông bầu” của “đội banh” kia. Làm sao để Nhóm CGKPV có trụ sở làm việc chung? Làm sao để mỗi thành viên có điều kiện thuận lợi nhất, có phương tiện cần thiết nhất để nghiên cứu và cống hiến cho Giáo Hội ở mức cao nhất? Làm sao để Kinh Thánh được xuất bản với chi phí thấp nhất và với chất lượng tốt nhất để có thể đến được tay nhiều người nhất? Hầu như tất cả đều do một tay ngài lo cả!
Tôi rất cảm phục các thành viên trong Nhóm CGKPV. Tôi thấy trong số các nhóm hội chuyên môn khác nhau xuất hiện từ xưa đến nay trong Giáo Hội Việt Nam, chỉ có CGKPV là nhóm làm việc chung bền bỉ nhất, khoa học nhất, hiệu quả nhất, có giá trị chứng tá nhất và góp phần xây dựng Giáo Hội và xã hội Việt Nam nhiều nhất.
Các tác phẩm dịch thuật của Nhóm, đặc biệt là bản dịch Kinh Thánh, cùng với chất lượng khoa học, còn có chiều sâu tâm linh mà khó có bản dịch nào sánh nổi vì các thành viên của Nhóm đã làm việc không chỉ bằng khả năng chuyên môn mà còn bằng tình huynh đệ và bằng lời cầu nguyện giữa những khó khăn và thử thách gay gắt thời sau 1975.
Và tất nhiên, người hy sinh nhiều nhất và góp phần quan trọng nhất cho những thành công trên đây của Nhóm CGKPV là cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh.
Vì vậy tôi nghĩ mọi người trong Giáo Hội Việt Nam, cách nào đó ít nhiều đều phải mang ơn ngài, đặc biệt là những ai đã và đang dùng bản dịch Kinh Thánh của Nhóm, những ai đã và đang đọc Kinh Phụng Vụ, những ai đã và đang tham dự Thánh Lễ, những ai đang đọc các sách chú giải Kinh Thánh do Nhóm xuất bản!
Tuy nhiên, cha Pascal không chỉ là một nhà quản lý, tổ chức, nghiên cứu, dịch thuật và phổ biến Lời Chúa mà ngài còn là một trong những linh mục hiếm hoi có tiếng nói ngôn sứ trong Giáo Hội Việt Nam.
Qua những lần gặp gỡ và trò chuyện với ngài, tôi nhận ra rằng người nghiên cứu Lời Chúa đến một mức nào đó, khi Lời Chúa đã thấm vào máu thịt mình, thì họ không thể nhắm mắt bưng tai và bịt miệng trước các thực tại đang diễn ra chung quanh mình cho dù có phải trả giá bằng những hy sinh cách này cách khác.
Cha Pascal là người như vậy và vì thế ngài tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý và sự thật ở Thái Hà và các nơi khác trên đất nước Việt Nam.
Khi vụ Thái Hà xảy ra, ngài nói với tôi, ngài không ra thăm và làm lễ ở Thái Hà được như cha Đỗ Xuân Quế, OP, nhưng từ Sài Gòn, thấy có thể làm được điều gì sinh ích cho Thái Hà thì ngài sẽ làm theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
Thế là ngài đã viết nhiều bài hậu thuẫn các nạn nhân Thái Hà-Toà Khâm Sứ. Ngài cũng sưu tập thông tin các sự kiện diễn ra từng ngày liên quan đến Thái Hà-Toà Khâm Sứ. Ngày trước khi rời Việt Nam, tôi có đến thăm ngài và ngài chỉ cho tôi xem bộ sự tập kia của ngài mà có lẽ chiếm đến nửa mét trên kệ sách nơi ngài làm việc ở Trụ sở của Nhóm CGKPV.
Ngài còn tham gia giảng thuyết một số buổi cầu nguyện cho công lý và hoà bình ở nhà thờ DCCT Sài Gòn và viết nhiều bài liên quan đến những vấn đề khác nhau trong Giáo Hội và đất nước. Một số bài viết của ngài từ giữa năm 2010 về trước đã được tập hợp lại xuất bản thành cuốn sách có tựa đề là “Thắp một ngọn nến cho Thái Hà”.
Những bài viết của ngài, mới đọc tựa đề đã thấy thiết thực và hấp dẫn, chẳng hạn: “Giữa lòng dân tộc”, “Đồng hành với dân tộc, một cơ hội lớn”, “Đại bàng hay gà mái?”, “Một con ngựa đau”, “Tệ như ngôn sứ”, “Dấn thân vì người nghèo, vì tổ quốc”, “Trung Quốc: Giáo Hội tự trị-Việt Nam: Tôn giáo lễ hội”, “Lên núi nhặt thịt Chúa”, “Nỗi lòng người giáo dân Hà Nội”, “Tam Toà: chuyện nhỏ?
“Một vị lãnh đạo có tầm cỡ”, “Giám mục bị tù”, “Hiện tượng Cao Đình Thuyên”, “Đạo để làm gì?”, “Hội đồng Giám mục để làm gì?”, “Cứ phải nói, dù không biết nói”, “Đôi điều suy nghĩ nhân đọc thư Chúc Xuân Canh Dần 2010”, “Đọc “lên tiếng hay không lên tiếng””, “Ý nghĩa của một chữ ký”, “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi!” , “Tưởng nhớ cầu thủ Trần Phúc Nhân”, etc.
Đọc các bài viết cũng như nghe các bài giảng của ngài, người ta thấy cung giọng của một vị ngôn sứ. Một “tiếng nói đơn thành, mộc mạc, nhưng can đảm, cương trực và dứt khoát”, như lời của nhà văn Trần Phong Vũ nói trong phần giới thiệu các bài viết của ngài.
Ngài cho người ta thấy phải ứng xử thế nào theo lời Chúa dạy trong hoàn cảnh hiện tại; ngài tố cáo những tội ác của chính quyền và bày tỏ lòng thương cảm với các nạn nhân; ngài tôn vinh các giáo dân quả cảm và các mục tử chân chính, đồng thời cũng vạch trần những gì ngài nhận ra là trái với đạo lý nơi hàng giáo sĩ, giáo phẩm”.
Ngài giảng dạy lời Chúa cho chúng ta một cách dạn dĩ, rõ ràng và trung thực. Tiếng nói thẳng thắn của ngài khiến cho có những người trong đạo ngoài đời không thích và vì thế họ đã tìm cách bịt miệng ngài, nhưng những lời ngài đáng để chúng ta suy gẫm và thực hành Chúa.
Nó cũng cần thiết để mỗi người phản tỉnh và góp phần giữ cho Giáo Hội có thể đi đúng hướng và giữ được sự quân bình trong khi làm chứng cho Chúa giữa một xã hội mà bạo lực, dối trá và bất công trở thành những hiện tượng phổ biến lan tràn.
Không phải chỉ mấy chục năm làm việc trong Nhóm CGKPV mà thôi, nhưng chúng ta có thể nói rằng, trong suốt cả cuộc đời mình, cha Pascal đã khai thác tối đa nén bạc Chúa trao cho ngài, để có thể sinh lợi nhiều nhất cho Giáo Hội và cho người nghèo.
Tôi nghĩ ngài là môn đệ chân chính của Thánh Phanxicô Assisi. Ngài là món qua quý Chúa gửi đến cho Dòng Phanxicô, cho Giáo Hội Việt Nam và cho tất cả chúng ta, đặc biệt cho những người thấp cổ bé miệng.
Tôi cám ơn Chúa đã cho tôi gặp được cha Pascal. Tôi cũng cám ơn ngài đã đồng cảm và chia sẻ với chúng tôi trong những lúc chúng tôi lâm cảnh gian nan khốn khó.
Tôi cầu xin Chúa cho cha – một người đã suốt đời trung thành theo Chúa, đã vắt tim vắt óc để nghiên cứu Lời Chúa, đã rút ruột rút gan để rao giảng Lời Chúa, đã sẵn sàn chấp nhận hy sinh thử thách để làm chứng cho Chúa – được sớm hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Roma ngày 27-12-2023
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT