Nhớ thầy Placido Diễn: Thẳng thắn cho người ta nể, tử tế cho người ta thương

Chân dung thầy Placido Diễn, DCCT

Đấy là câu châm ngôn sống và là câu cửa miệng của Thầy Placido Diễn.

Tôi ở Roma, tuy không cùng nhà với Thầy để hiểu biết nhiều về Thầy, nhưng cũng không quá xa để không thấy được một số những nhân đức của Thầy.

Thầy ở Nhà Mẹ và làm việc tại Văn phòng Trung ương của Dòng Chúa Cứu Thế, nằm gần Đền thờ Đức Bà Cả. Còn tôi sống trong Tu viện San Gioacchino, gần Đền thờ Thánh Phêrô, cách nhau khoảng 5 km.

Ngày tôi đến Roma thì thầy là người dẫn tôi đến Tu viện San Gioacchino, giới thiệu tôi với các cha các thầy ở đấy và giúp tôi sắp đặt phòng ở.

Trước khi rời khỏi phòng tôi, Thầy dặn: “ANH Ở VỚI NGƯỜI Ý, ANH PHẢI SỐNG THẲNG THẮN CHO NGƯỜI TA NỂ, TỬ TẾ CHO NGƯỜI TA THƯƠNG.”

Thầy sống thẳng thắn và trung thực. Không bao giờ làm điều gì ra ngoài đòi buộc của lương tri. Thích hay không thích cái gì thầy nói ngay. Ai có gì lệch lạc trong lối sống thầy nói ngay. Ai làm sai việc gì thầy nói ngay. Việc nào chưa đạt thầy chỉ ngay.

Tôi có cảm tưởng đối với thầy sự hoàn thiện trong công việc và trong lối sống của mỗi con người mới là điều quan trọng nhất.

Vườn cây ở Curia. Tác phẩm của Thầy Placido

Thầy tử tế. Rất tử tế. Thầy tôi chưa bao giờ thấy hay nghe ai nói thầy làm một điều gì tổn hại đến bất cứ ai. Thầy sống chỉ để phục vụ và giúp đỡ người khác. Phục vụ hết sức nhiệt thành và quảng đại khi người khác cần.

Mỗi khi có anh em DCCT Việt Nam nào sang Roma là Thầy chuẩn bị cho một món quà gì đó thiết thực cho cuộc sống ở đây.

Lúc tôi mới sang, Thầy xin phép cha Bề trên Nhà nơi tôi ở để lắp đặt cho tôi một cái Tivi bé ở góc bàn làm việc, hướng dẫn tôi cách sử dụng và các chương trình cần xem. Thầy nói phải chịu khó nghe Tivi thì mới mau hiểu tiếng Ý.

Thấy cụ già gần 80 mà tự mình hy sinh thời gian, tiền bạc và công sức đi phục vụ một thằng bé là tôi, tôi rất cảm phục.

Xong thấy cái ghế gỗ trong phòng tôi không thích hợp cho việc học tập, Thầy nói sẽ kiếm cho tôi cái khác, ngồi khỏi đau lưng.

Tuần sau tôi được Thầy tặng một cái ghế văn phòng do Thầy kiếm đâu đó rồi sửa lại. Ghế ngồi làm việc rất thoải mái. Tôi rất thích và tôi còn dùng đến hôm nay.

***

Tôi nghe Thầy kể, ngày trước ở Việt Nam Thầy có đi lính cho Quân đội Quốc gia mấy năm. Trong thời gian ấy thầy làm quản lý của đơn vị, lo cấp phát lương và lo chuyện ăn uống của các anh em quân nhân.

Thầy nói thời đấy các linh mục tu sĩ cũng đều phải đi nghĩa vụ quân sự ít là mấy năm.

Khi xuất ngũ, từ năm 1959 Thầy được gửi sang Roma phục vụ và sống ở đây từ đó đến nay. Vì thời gian ở Việt Nam rất ít, nên Thầy không bao giờ tham gia bỏ phiếu bầu cử các chức vụ trong Tỉnh Dòng.

Thầy nói mình không sống với anh em và không biết cụ thể từng anh em thế nào thì mình không bầu cử. Điều này cũng xuất phát từ nguyên tắc sống thẳng thắn, luôn hành động theo lương tri của Thầy.

Đến Roma, mấy năm đầu Thầy phục vụ tại Nhà thờ Thánh Alfonso – Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp; sau đó Thầy được mời làm việc tại Curia, phụ trách việc thống kê.

Thầy là thành viên kỳ cựu nhất trong Curia nên Thầy biết nhiều việc trước sau trong Dòng; vì thế ngay cả các cha Bề Trên Tổng Quyền, đôi khi có do dự gì thì cũng thường tham khảo ý kiến của thầy trước khi quyết định.

Công việc thống kê thầy theo sát từng ngày. Trên toàn thế giới và ở từng quốc gia, từng ngày, DCCT có bao nhiêu anh em, có anh nào khấn dòng hay chịu chức, có anh em nào xuất tu, có anh em nào qua đời, thầy đều cập nhật.

Từng ngày, có bao nhiêu thỉnh sinh, tập sinh, bao nhiêu sinh viên, bao nhiêu tu sĩ, linh mục, bao nhiêu tu viện hoặc cộng đoàn thầy đều rõ.

Ai cần thong tin về bất cứ phương diện nào liên quan đến nhân sự của DCCT từ năm 1732 đến nay, hỏi thầy, chỉ trong chốc lát, thầy in ra cho biết ngay.

Thầy xem lịch làm việc của Cha Bề Trên Tổng quyền và các cha trong Hội đồng Quản trị TW và trước khi các ngài đi kinh lý nước nào thì thầy đã chuẩn bị mỗi thành viên trong đoàn kinh lý một cặp hồ sơ với đầy đủ các tư liệu và thông tin cần thiết về từng lãnh vực.

Ngoài ta thấy cũng lo trang trí phòng ốc và nhà nguyện Curia, làm vườn, tiếp phẩm và dọn đồ ăn cho các cha các thầy trong Curia.

Thầy lo cung cấp đầy đủ như thứ đồ ăn thức uống cần thiết tùy theo nhu cầu và tình trạng sức khỏe của từng anh em làm việc trong Curia.

Trong bữa ăn, Thầy đẩy xe dọn đồ ăn phục vụ các cha các thầy đáng tuổi con cháu mình. Thầy phục vụ từng người xong rồi mới ngồi vào bàn.

Trong bất cứ công việc nào thầy cũng tìm cách làm sao cho việc được thực hiện ở mức tốt nhất theo cách hợp lý nhất.

Tôi có cảm tưởng công việc thầy làm vượt qua kỹ năng thành kỹ xảo. Vì vậy tuy tuổi cao nhưng một mình thầy vẫn có thể chu toàn công việc mà bình thường ít nhất cũng phải có hai người biết việc mới xong.

Thầy say mê với công việc khiêm hạ của mình và tự hào về những việc nhỏ bé mình làm.

Trông lối sống và cung cách làm việc của thầy tôi hiểu ra rằng để được hạnh phúc và sống có ý nghĩa ở đời thì cần phải quan niệm thế nào về làm việc và cần phải làm việc với cung cách nào.

Trong Curia Thầy như người mẹ lo lắng và chăm sóc cho tất cả. Từ Cha Bề trên Tổng quyền đến các thầy trẻ làm việc chung ở đấy.

Vì thế tôi không lạ gì khi thầy Cường nhắn tin cho biết sáng nay Cha Bề Trên Tổng Quyền khóc chảy nước mắt khi đứng trước linh cữu ngài.

Thầy coi Nhà Dòng là nhà của Thầy và mọi người chung quanh là anh em và Thầy hy sinh cho họ.

Chẳng hạn mùa hè ai cũng tìm cách trốn chạy cái nắng nóng hầm hập của Roma, nhưng thầy thì không. Thầy hy sinh ở lại Curia gánh vác các công việc cho các anh em khác.

Khi mọi người đi nghỉ hè về lại hết, Thầy mới đi và khi ấy thì trời đã vào mùa thu.

Nói là đi nghỉ, nhưng chỉ là thay đổi nơi chốn phục vụ.

Thầy đến sống với cha Đỉnh ở ngoại ô Paris cho có tình anh em, làm vườn và cuốn chả giò cho ngài. Thầy làm cả nghìn chiếc bỏ tủ đá, đủ cho Cha Đỉnh đãi khách cả năm.

Thầy nói cha Đỉnh có thói quen tốt là mỗi đôi tân hôn đều được mời đến ăn một bữa cơm chung với ngài và đều được mời ăn món chả giò do Thầy làm.

Khi cha Đỉnh qua đời thì mỗi kỳ hè Thầy về vùng ngoại ô Strasbourg, bên Pháp làm vườn cho người cháu họ.

Tôi thấy Thầy vui sau thiên hạ và lấy cái vui của thiên hạ làm cái vui của mình. Thầy chỉ nghĩ đến người khác.

Không bao giờ muốn làm phiền người khác hay trở thành gánh nặng cho người khác.

***
Thời trước những năm 1994, khi các linh mục tu sĩ chủng sinh Việt Nam chưa được sang Roma du học, thì thầy là một trong vài người Việt hiếm hoi ở Roma, thường giúp đỡ và phục vụ các đức giám mục và linh mục từ Việt Nam và các nước mỗi khi các ngài đến Roma có công việc gì.

Thầy và anh em DCCT ở Roma dịp tết 2020.

Chính tôi đã nghe Đức cha Bùi Chu Tạo, Giám mục Phát Diệm khen Thầy và nói về sự giúp đỡ của thầy mỗi lần ngài sang Roma.

Năm 1980, Đức cha Bùi Chu Tạo sang Roma lần đầu và mang về Việt Nam cả hàng nghìn bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để phát cho giáo dân cũng là do Thầy Placido chuẩn bị.

Đức Hồng Y, Joseph Tobin, Tổng Giám Mục New Jersey, khi còn làm Bề trên Tổng quyền DCCT cũng như còn làm Tổng Thư ký Bộ Tu sĩ ở Roma cũng thường chạy đến nhờ Thầy giúp đỡ trong trong các việc tay chân và sắm sửa các vật dụng thiết yếu nọ kia.

Hồi năm 1990- 1991 tôi cũng nghe cha Trương Văn Hành và Vũ Ngọc Bích hết lòng khen ngợi thầy về sự gương phục vụ của Thầy khi các ngài tới Roma chữa bệnh.

Tôi thấy Thầy lấy việc giúp đỡ được người khác làm vui và không từ nan bất cứ việc gì.

***
Tôi cũng cảm phục đời sống tu đức của thầy. Tôi thấy hiếm ai ăn uống giờ giấc và điều độ như thầy.

Mỗi bữa thầy ăn một chút vừa đủ. Ăn rất ít thịt. Không ai có thể mời được Thầy ăn uống quá mức thầy xét là cần hoặc những thứ mà Thầy không thích.

Mỗi lần ăn chung với Thầy, chúng tôi muốn món gì tùy thích, nhưng phải chuẩn bị cho Thầy một đĩa cơm nhỏ và một phần đậu phụ.

Vì ăn uống cũng như làm việc rất giờ giấc và điều độ, nên mấy chục năm nay, thầy nói Thầy không biết đến viên thuốc là gì và chưa bao giờ Thầy phải đi bệnh viện. Nếu có đến bác sĩ thì chỉ để cắt kính mắt và mua máy trợ thính.

Tôi thường thấy ngay cả các tu sĩ và linh mục nhiều khi cũng gây không ít những khó khăn hay khó xử cho người trên kẻ dưới và đồng nghiệp.

Tuy nhiên, với thầy Placido, thì điều này không đúng. Thầy không bao giờ là gánh nặng hay trở thành một vấn đề gì khiến người chung quanh phải khó xử.

Tôi nghe cha nhiều anh em DCCT làm việc ở Roma hay biết thầy đều nói thầy là người độc đáo trong Dòng Chúa Cứu Thế. Nhờ đời sống và gương phục vụ của Thầy mà các anh em DCCT ở các nước biết và yêu mến Việt Nam nhiều hơn.

***
Thầy cũng có nỗi buồn là không thể về Việt Nam thăm anh em DCCT và thân nhân ruột thịt. Sau năm 1975 Thầy đã 2 lần đến Tòa Đại sứ Việt Nam xin visa nhưng cả hai lần đều bị từ chối.

Cũng vì điều này mà mấy đời Cha Bề Trên Tổng Quyền gần đây đều nghĩ không biết lúc thầy già yếu bệnh tật và không còn làm việc được nữa, thì thầy sẽ ở đâu và ai sẽ chăm sóc thầy.

Nhưng nay thì Chúa đã cất đi nỗi lo đấy.

Thầy có thói quen hút thuốc. Đấy là tật xấu của thầy từ hồi đi lính mà chưa bỏ được. Mỗi lần hút phải ra ngoài sân vườn trước cửa Curia.

Thầy thường hút hết phần thuốc và cẩn thận bỏ phần đầu lọc vào tráp nhỏ để sau đó đổ vào thùng rác. Thầy không vứt bữa xuống đất như nhiều người khác.

Sáng nay, điều thuốc sau cùng còn dở dang. Anh em suy luận rằng, có lẽ lúc đang hút, thầy bị trụy tim và thầy bỏ điều thuốc hút dở kia vào tráp để về lại phòng nghỉ ngơi và khi đến cửa thì thầy gục xuống và ra đi mãi mãi.

Thầy thường nói Thầy không muốn đi bệnh viện và nhà dưỡng lão. Không muốn làm phiền đến ai. Thầy muốn được đau hôm nay chết hôm mai khi đến thời đến buổi Chúa gọi.

Nay thì thầy được toại nguyện.

***

Tôi buồn và thương tiếc Thầy về phương diện tình cảm. Tuy nhiên, trong đức tin tôi cũng mừng vì thấy Thầy đã sống một cuộc đời rất đẹp, rất hữu ích cho những người chung quanh.

Tôi thấy Thầy là một công dân có trách nhiệm của dân tộc và đất nước và là một tu sĩ chân chính của DCCT đã hết lòng phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội và Quê Hương cũng như phục vụ mọi người chung quanh.

Cha Bề Trên Tổng Quyền sáng nay nói: “Thầy là tấm gương tuyệt vời cho chúng ta. Cả cuộc đời thầy đã hết lòng vì sứ vụ và vì anh em.”

Tôi tin Thầy Placido là một món quà Chúa ban cho DCCT và cách riêng cho tôi. Thầy là một tấm gương cho tôi và Thầy đã góp phần làm nên cuộc đời của tôi.

Xin Chúa đón nhận linh hồn Thầy và xin Thầy cầu nguyện cho tôi được bền đỗ trong ơn gọi phục vụ như Thầy.

Philadelphia, Mississipi trưa 7 tháng 3 năm 2020.

Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải CSsR

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.