Những mẩu chuyện đêm khuya…

Thái Hà (20.06.2016) – Một lần tôi đến khám bệnh tại Viện Y Học Dân Tộc, bác sĩ Lê Thúy Tươi biết tôi là một Linh Mục DCCT, sau khi khám về Tim Mạch cho tôi xong, bà cười cười đố tôi: “Linh Mục có biết có một nơi rất tốt để Linh Mục tập thể dục mỗi ngày không?” Tôi còn đang ngẩn ra không trả lời được, thì bà bảo: “Ồ, Linh Mục không biết mình lại có cả một cái sân rất rộng, rất đẹp, rất mát và rất thiêng liêng nữa, để mỗi ngày có thể đi bách bộ giảm cân, điều hòa khí lực, đó chính là… sân Nhà Thờ Kỳ Đồng của Linh Mục đấy!” Thế mới biết nhiều người ngoài Công Giáo, vẫn luôn có cái nhìn đầy thiện ý, họ khám phá những giá trị nội tại mà dân có Đạo mình có thể lại vô tâm vô tình không để ý mà trân trọng giữ gìn.

Hang đá Đức Mẹ trong sân nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng, Sài Gòn
Hang đá Đức Mẹ trong sân nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng, Sài Gòn

Từ dạo ấy, gần như hằng đêm, khoảng 12g khuya, tôi đều rảo ba bốn vòng quanh sân Nhà Thờ, vừa để “bách bộ giảm cân” vừa để lần chuỗi Mai Khôi với Mẹ Maria. Và thật sự Mẹ đã cho tôi, trong những lúc “điều hòa khí lực” hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng như thế, tôi được nghiệm sinh rất nhiều điều sâu xa dễ thương về Mẹ, về cuộc đời.

Gần như hằng đêm, tôi bắt gặp bên ngoài cổng Nhà Thờ có bóng người dựng chiếc xe Honda cũ kỹ tập tàng một bên, đứng khoanh tay cố gắng hướng mắt nhìn về Hang Đá Đức Mẹ để cầu nguyện. Không biết họ xin gì, nói gì cùng Mẹ, nhưng rõ ràng là trung thành và tha thiết lắm. Tôi cảm được nơi họ một Lòng Tin mạnh mẽ của một đứa con chắc là đang gặp một chuyện buồn, một nỗi lo, một niềm cô đơn, một cơn sợ hãi nào đó kéo dài không dứt, mà thật khuya, cuối ngày rồi, kết thúc tất cả những tất bật quay quắt của cuộc sống, lại phải bằng mọi giá tìm gặp Mẹ để được Mẹ ủi an nâng đỡ…

Tôi có một cám dỗ tiến ra phía cổng, bắt chuyện hỏi han con người ấy, thế nhưng… lại thôi, tôi sợ mình sẽ phá vỡ mất sợi tơ duyên mỏng manh dịu dàng ấy giữa họ và Mẹ Maria. Ắt là họ đã muốn tránh cho xa cái ồn ào xô bồ ban ngày, cái nhộn nhạo bon chen của các mối tương quan cuộc sống thường nhật, để đến với Mẹ Maria vẫn đang hoàn toàn thinh lặng, đứng đó, cao cao trên hang đá, cách họ đến gần trăm thước. Một mình họ với Mẹ, thế thôi!

Đến một lúc, khi đi từ sân sau vòng trở lại phía sân trước Nhà Thờ, tôi không còn thấy người đàn ông ấy nữa. Chắc ông ta đã lên xe lẳng lặng ra về. Đêm sau và đêm sau nữa, chắc chắn tôi sẽ vẫn còn gặp lại cái dáng buồn buồn, nghèo nghèo, thương thương làm sao ấy… Lại có nhiều đêm, tôi lần chuỗi mà cứ bị chia trí vì tiếng ồn ào của đám đàn ông nhậu xỉn trong quán hải sản rất “hoành tráng” bên kia đường. Họ ra khỏi quán rồi mà chưa chịu lên xe hơi hoặc trèo lên xe máy dựng bên này đường, trên lề sát tường Nhà Thờ. Họ nói chuyện vung vít, chửi thề văng tục, la lối om sòm hoặc lè nhè cà khịa với nhau, có khi đùa giỡn cợt nhả với các cô gái “em út” của họ. Rõ ràng là một cánh lắm tiền nhiều của, nhiều phần là cán bộ, kết thúc một ngày “công tác” của họ bằng một độ nhậu xa xỉ tưng bừng.

Tôi trở ra phía cổng Nhà Thờ cho tạm khuất tiếng ồn, và tôi lại có dịp gặp được một cảnh tượng thấm thía. Dưới ánh đèn đường vàng vọt của ngã tư Bà Huyện Thanh Quan – Kỳ Đồng, bên này là một anh xe ôm ngồi trên yên Honda chờ mong có ai cần xe ôm, bên kia, phía tiệm thuốc Tây, một cô gái điếm đang đứng sát cột đèn chờ khách khuya. Cả hai con người ấy đều có cái dáng cam chịu, thấy tội tội, thật sự cô độc giữa một thành phố đã bắt đầu tạm ngủ yên. Không rõ ẩn phía sau món tiền nhỏ họ có thể kiếm được đêm nay là ai, người mẹ già, người cha bệnh tật, vợ và các con nheo nhóc, hay đứa em tuổi đi học… Cô gái điếm lẻ loi này chắc là đã phải chạy giạt từ phía đường Nguyễn Thông, Tú Xương sang bên Kỳ Đồng này với hy vọng không bị canh tranh gay gắt với các cô khác, may ra đêm hôm khuya khoắt có ai có “nhu cầu” chăng?

Tôi chạnh lòng nhớ trong Nhà Dòng mình có ông Chân Phước Sarnelli giữa thế kỷ 18, ân cần tận tụy viết thư ngỏ lời khuyên cánh đàn ông quen thói ăn chơi, vì Chúa, vì lương tâm, vì tôn trọng phẩm giá đồng loại, mà thôi đừng tiếp tục đày đọa vầy vò các cô gái “ăn sương” ở thành Napoli. Cha đã trở thành Tông Đồ cho các cô gái điếm, làm mọi cách để giúp các cô hoàn lương, hồi hương, học Giáo Lý, cầu nguyện trong các “Nhà Nguyện về đêm”, trở thành các tín hữu nhiệt thành và được nhận làm con gái của Mẹ Maria giàu lòng xót thương… Vậy mà, bây giờ thế hệ DCCT chúng tôi, ở Việt Nam, ở Sàigòn này, anh em chúng tôi vẫn cứ còn đứng đó, bên này tường rào của Tu Viện và Nhà Thờ, sợ hãi, ngần ngại, thấy ghê ghê, không dám liều bước sang bên kia, gặp gỡ những mảnh đời đáng thương ấy.

Linh đạo Nhà Dòng thật đẹp, thật cao quý, nhưng chúng tôi vẫn cứ còn mãi xa xa, ngoài tầm dấn thân! Tôi cúi đầu hổ thẹn, rảo bước nhanh sang hướng khác, không dám nhìn thêm, không dám nghĩ lâu về những con người rõ ràng bị bỏ rơi ấy… Thế rồi cũng hết tràng chuỗi, tôi vòng về phía sân sau của Nhà Thờ, đọc thầm: “Lạy Đức Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bàu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời…”

Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT.

Nguồn: Ephata 697

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.