Trong một cuộc phỏng vấn gần đây của tạp chí Dòng Tên ở Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh cho thấy bức tranh toàn cảnh của tình hình quốc tế bất ổn, và những nỗ lực của ngành ngoại giao Toà Thánh để tiếng nói của mình được lắng nghe.
Trước hết, đối với Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Toà Thánh nói: “Việc trao đổi của chúng tôi với chính quyền Biden diễn ra thường xuyên, đặc biệt qua Đại sứ quán Hoa Kỳ cạnh Toà Thánh”. Một điều Toà Thánh quan tâm đó là Washington phải có cách tiếp cận tích cực hơn nữa đối với người di cư. Bởi vì, có những người di cư đã ở Hoa Kỳ nhiều năm sau đó lại bị trục xuất. Điều này thật xót xa. Về vấn đế này, Đức Tổng Giám Mục bày tỏ ủng hộ với Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ vì những nỗ lực đã làm cho người di cư.
Về quan hệ với Trung Quốc, Đức Tổng Giám Mục Gallagher cho biết với hiệp định được ký vào tháng 8/2018, đến nay đã có sáu Giám mục được bổ nhiệm. Nhưng Toà Thánh muốn có thêm kết quả, và có nhiều việc phải làm. Lẽ ra hiệp định có thể mang lại nhiều điều hơn nữa, nhưng do đại dịch phái đoàn hai bên không thể gặp nhau trực tiếp. Vì thế, trong thời gian tới Toà Thánh đang cố gắng có những lần gặp gỡ trực tiếp để làm cho hiệp định hoạt động tốt hơn.
Trong cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về cuộc chiến ở Ucraina, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhận xét rằng “Đây là điều gây đau khổ, lo lắng lớn nhất trong những thập kỷ qua. Vì nó kéo theo nhiều cuộc khủng hoảng khác: khủng hoảng chuỗi cung ứng, lương thực, đe doạ an ninh nói chung, tương lai của châu Âu”. Ngài ca ngợi sự kiên cường, quyết tâm và can đảm của người dân Ucraina, và nhìn nhận rằng hiện nay khó thực hiện cuộc đàm phán thực sự vì người dân Ucraina bị tổn thương quá sâu sắc.
Về các lĩnh vực căng thẳng khác, Ngoại trưởng Toà Thánh mong Nicaragua mau có sự ổn định chính trị, một sự bất ổn lớn đã dẫn đến việc Sứ thần Toà Thánh bị trục xuất, Toà Thánh lấy làm tiếc vì điều này. Việc khôi phục chế độ dân chủ là một mối quan tâm quan trọng khác, cũng như việc cải tổ hệ thống đa phương của Liên Hiệp Quốc.
Về chủ đề cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu, Đức Tổng Giám mục nhìn nhận “hành trình không dễ dàng”, nhưng ngài nhấn mạnh “có rất nhiều thiện chí và tin rằng chúng ta sẽ có thể tiếp tục quá trình khử cacbon, điều mà Toà Thánh đã cam kết vào năm 2050 và những cải thiện khác đối với môi trường”.
Ngọc Yến – Vatican News