Thái Hà (08.02.2016) – Trong vườn nhỏ nhà tôi có treo một cái lồng mây rất đẹp, nuôi trong đó một con chim Sáo mỏ vàng. Hàng ngày cô giúp việc cho nó ăn và phun lên bộ lông vũ mượt mềm của nó những tia nước nhỏ mát mẻ, chắc nó thích lắm và cứ nhảy rinh rích trong lồng, trông thật vui nhộn.
Một lần cô giúp việc về quê, tôi cho Sáo ăn rồi quên không đóng cửa lồng cẩn thận. Sáo bay đi mất. Tôi thấy buồn trống vắng nhưng tự an ủi rằng : thôi, mình đã thả về Sáo về khung Trời của nó. Vài hôm sau tôi đã nguôi buồn nhớ con chim Sáo của tôi, đi ra vườn, đưa mắt như thói quen nhìn về chiếc lồng đã trống vắng, thì lạ chưa, trong đó có những 2 con chim Sáo. Con chim cũ của tôi đã rủ thêm được một cô Sáo khác vể ở cùng nó trong cái lồng quen thuộc. Trông chúng có vẻ rất mĩ mãn.
Tôi gọi cô giúp việc ra chỉ cho cô ấy thấy. Cô ấy hỉ hả bước tới đóng ngay cái lồng vào để hai con chim không bay đi được nữa, và hồ hởi nói: từ nay chúng ta đã có hai con ông ạ. Tôi buồn buồn bảo : thôi cô hãy để kệ chúng, và hãy bỏ cái cửa lồng kia đi để chúng được tự do mà đi hay ở, lúc nào chúng muốn.
Thực ra tôi không thấy còn thích nổi con chim Sáo của tôi nữa, nó thích cảnh ‘chim chậu cá lồng’ cho dù no đủ và yên ổn hơn bầu trời của nó. Nhưng chính tôi với sở thích ích kỉ của mình cũng có lỗi đấy chứ. Hơn nữa con Sáo của tôi nó đã cảm thấy ‘hạnh phúc’ với bạn tình của nó thì bầu trời mà tôi gán cho những ý nghĩa to lớn kia, biết đâu không còn mấy ý nghĩa với nó nữa chăng?
Có Hiền triết nói : ‘kẻ nào cảm thấy sung sướng trong nô lệ thì kẻ đó tồi tệ ngàn lần hơn những kẻ nô lệ’… Cũng bởi vậy mà tôi đã mở cửa lồng cho Sáo để tôi không phải chúng kiến thêm một điều ‘tồi tệ’ – Sáo à, từ nay hãy coi cái lồng đó là cái tổ của mày, nó có thể ở trên cành cây trong rừng, trên vách núi, hay trong khu vườn này, hãy sống như mày muốn nhé!
Chiến thắng vị kỷ – Cái tôi tầm thường
Tôi được dự 1 buổi giao lưu biểu dương những cá nhân tiêu biểu của một bệnh viện quân y. Có câu chuyện về 1 cô y tá trưởng, tôi xin được kể ra đây :
Khoa cô làm việc là khoa nội tiết. Theo sáng kiến của cô, Trưởng khoa cho triển khai chương trình “ Phòng bệnh kiểu mẫu” và do cô phụ trách.
Một ngày kia, có bệnh nhân mới đến. Anh ta thay bộ quần áo bệnh nhân xong bèn treo bộ quân phục của mình lên tường. Cô nhắc nhở : anh làm ơn gấp lại cho vào chiếc tủ cá nhân kia. Anh ta quay lại trừng mắt, giọng gắt lên : Cái gì, nhét vào cái tủ bé tẹo kia có mà làm nhàu bộ quân phục trung tá của tôi à? Tôi cứ treo ở đây. Dạ, nếu anh gấp cẩn thận lại thì cũng không nhàu đâu – cô nhỏ nhẹ. Tôi không gấp, tôi cứ treo ở đây…
Cô tiếp tục nhẹ nhàng bảo : tôi sẽ gấp gọn lại giúp anh và xin hứa không làm nhàu nó. Sau mỗi câu nói cô tiến về phía anh một bước, tay chìa ra thiện chí…
Cuối cùng người quân nhân – bệnh nhân kia cũng đành để cô gấp lại bộ quân phục cho mình. Gấp xong, để vào tủ cô mỉm cười : thưa anh, anh thấy thế nào, bộ quân phục của anh vẫn rất đẹp đấy chứ – cô đứng lên nhìn anh. Anh bệnh nhân – quân nhân không nói gì, lặng lẽ nhìn theo cô đang bước nhanh ra khỏi phòng.
Có một điều gì đó đã bừng tỉnh trong anh. Sau này trở lại tìm gặp cô y tá trưởng anh cảm ơn cô rằng : trong cuộc sống và công tác của anh đã có rất nhiều thay đổi tiến bộ từ cái hôm anh cảm nhận được từ điều cô đã làm. Người ta hỏi cô rằng cô vui vì đã giữ được quy chế của phòng bệnh? Đã làm cho anh bệnh nhân phải tuân thủ? Cô nói: Không phải thế, niềm vui ở chỗ người khác thấy điều mình làm là đúng, và giúp họ thấy nên làm điều đúng ở mọi chỗ mọi nơi.
Nguyễn Tất Thịnh
Nguồn: chungta.com