Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói: “Phép lạ này không xuất hiện từ không, nhưng từ những gì bạn có, dù nhỏ bé, mang đến cho Chúa. Chúa không đòi hỏi chúng ta những gì chúng ta không có, nhưng nếu mỗi người đặt vào tay Ngài những tấm bánh, những con cá nhỏ, Chúa sẽ làm cho phép lạ được tiếp diễn hôm nay, vì Ngài có quyền năng làm cho những cử chỉ yêu thương khiêm tốn của chúng ta trở thành quà tặng lớn lao cho người khác.” Đặt dấu lạ bánh của Đức Giêsu trong khung cảnh gần lễ Vượt Qua của người Do thái, Gioan khéo léo so sánh Đức Giêsu với Môsê trong thời khắc quan trọng của lịch sử.
Nếu Môsê đã đưa con cái Israel ra khỏi Ai Cập về đất hứa và phép lạ manna, Đức Giêsu sẽ là Môsê mới dẫn đưa dân Chúa trong một cuộc xuất hành mới, từ kiếp nô lệ sang tự do, từ đói khát đến no thỏa, từ cõi của sự chết để vào cõi sống. Nhìn đoàn người khát khao đến với mình, Đức Giêsu đặt các môn đồ vào tình huống khó xử, làm sao đề nuôi sống đám đông ấy, để cho các ông nhận thức được vấn đề, lượng giá được sức mình và gợi hướng tìm cách giải quyết khả thi.
Ngay cả những người đi theo Đức Giêsu hôm ấy, chắc cũng không nghĩ là sẽ có ngày, có lúc phải đói, phải đương đầu với chuyện no – đói, sống – chết. Môn đồ Philípphê thú nhận sự bất lực trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn này: “Có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” (Ga 6,7).
Tiền, các phương tiện vật chất chỉ là giải pháp tạm bợ, không phải là tối ưu, triệt để. Giải pháp môn đồ Anrê đưa ra còn thô thiển hơn: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu”. (Ga 6,9)
Hoàn cảnh bế tắc và bi đát này làm nổi bật sự đối kháng giữa sự bất lực của con người trước quyền năng của Thiên Chúa; ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa chứ không phải từ con người và những giải pháp của con người. Vì thế Gioan đã nhấn đến hành vi Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn rồi phân phát bánh và cá đã hóa nhiều cho đám đông, không cần sự giúp sức của các môn đồ.
Đức Giêsu không huy động người ta chung tay góp phần, nhưng Người cần cái mà họ đang có, dù nhỏ bé, để làm nên phép lạ. Một bữa ăn không phải là giải pháp cho một nhân loại đang đói, nhưng một phần ăn nhỏ bé một khi được trao cho Chúa, được đôi tay Chúa đón nhận, dâng lời tạ ơn và phân phát, nhân loại sẽ no thỏa và còn dư dật.
Có lẽ thế giới không nhận được phép lạ nuôi sống từ Chúa, vì người ta cố giữ những gì mình có, vứt đi những gì thừa thãi và bỏ mặc những người đang chết dần vì đói khát; có lẽ Chúa không muốn người ta chạy đến với Người, như vị thần giải quyết cái đói, bảo đảm cái no và giải quyết những khổ đau của phận người. Vì thế, Tin mừng Gioan không dùng từ phép lạ bánh hoá nhiều, nhấn đến việc giải quyết được cái đói, lấp đầy cái dạ dày trống rỗng, mà coi đó là “ dấu lạ”, là dấu chỉ cho một thực tại khác, lớn hơn và quan trọng hơn, giải quyết mọi chuyện triệt để hơn, là thứ Bánh Hằng Sống Đức Giêsu sẽ ban tặng.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT