Sơ Rosalind Arokiaswami IJS, nhà truyền giáo ở Myanmar, kể về thời điểm quyết định trong hành trình đức tin khi sơ quyết định “sẵn sàng hiến mạng sống của mình cho mọi người, đặc biệt là cho người nghèo”.
Đây là trải nghiệm đầu tiên của tôi ở một đất nước xa lạ, nơi đã hứng chịu đại dịch Covid trong những năm gần đây, cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng 2 năm 2021, dẫn đến cuộc nội chiến vào tháng 5 và còn đang tiếp diễn. Biến cố mới nhất này đã gây ra nhiều cuộc biểu tình, phản đối và bất ổn lan rộng ở nhiều nơi trên cả nước, trong khi nhiều người phải chạy trốn vào rừng để cứu lấy mạng sống của mình. Nhiều dòng tu đang sinh sống và làm việc tại Myanmar đã công khai bày tỏ sự phản đối trước tình hình này. Chỉ cần nhớ lại sơ Ann Rose Twang và cử chỉ can đảm của sơ khi quỳ gối trước một người lính đang chỉa súng.
Về trải nghiệm đầu tiên của mình, tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Một mặt, là một người đến từ đất nước khác, tôi mang ơn chính quyền vì đã cho phép tôi làm việc ở đây. Tôi ý thức rằng thị thực của tôi có thể bị thu hồi và do đó tôi có nguy cơ bị đuổi về nước. Đồng thời, tôi hoàn toàn nhận thức được rằng tôi phải hết sức thận trọng trong lời ăn tiếng nói của mình vì có nguy cơ bị báo cáo với chính quyền.
Sau khi trải qua nỗ lực hòa nhập vào thực tế mới này và học một ngôn ngữ mà tôi hoàn toàn không biết, thì lại có một thử thách khác: Thiên Chúa đã thử thách xem tôi có sẵn sàng chịu khổ với dân tộc mà chính Người đã giao phó cho tôi không.
Tôi phải khiêm tốn nói rằng tôi đã có, và vẫn có những giây phút nghi ngờ và lo lắng. Đôi khi tôi đã tự hỏi liệu tôi có đủ kiên nhẫn và trên hết là đức tin tín thác vào Chúa, Đấng sẽ không làm chúng ta thất vọng. Tình huống này là một thử thách thực sự đối với đức tin của tôi. Chân phước Barré đã nói rằng: “Ngay cả khi mọi sự dường như chống lại mọi hy vọng, hãy vẫn hy vọng nơi Chúa”. Câu hỏi đặt ra là liệu tôi có sẵn sàng tin tưởng những lời này của đấng sáng lập của mình hay không.
Chậm rãi nhưng chắc chắn, theo một cách mà tôi không biết, tôi nhận ra cách Chúa đặt tôi vào những tình huống mà Người muốn tôi bày tỏ sự trung thành với Người. Đối mặt với những tình huống mà tôi chưa từng trải qua trước đây và tự mình lo liệu mọi việc, tôi nhận ra rằng “tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa” chính là sự an toàn duy nhất của chúng ta”. Đây chính là thời khắc quyết định trong hành trình ĐỨC TIN của tôi để khám phá rằng “mình không thể quay lại nữa”. Kể từ lúc đó, tôi quyết định sẵn sàng cống hiến cuộc sống của mình cho mọi người, đặc biệt là cho những người nghèo. Với nhận thức này (tôi có thể nói là giác ngộ), theo cách không thể giải thích được và được quan phòng, tôi cảm thấy trong lòng một sự bình an và thanh thản điều mà tôi chưa từng trải qua trước đây.
Vì vậy, nhìn vào tình hình ở Myanmar, không có gì đảm bảo rằng cuộc sống của tôi được an toàn. Quân đội, không thể ngăn chặn sự phản đối của dân chúng và các cuộc tuần hành phản đối của người dân, đã bắt đầu bắn vào đám đông biểu tình. Nhiều người trẻ đã mất mạng. Nhiều phụ nữ trẻ bị giết và hãm hiếp không thương tiếc. Một số đông người vẫn đang chạy trốn và nhiều ngôi nhà của họ đã bị thiêu rụi.
Trong bối cảnh này, không có gì đảm bảo rằng tôi có thể gìn giữ mạng sống của mình. Tôi có thể chết trong một vụ nổ bom hoặc chỉ với một viên đạn. Nghe có vẻ rất đáng sợ nhưng đây là thực tế mà chúng tôi đang phải đối mặt. Nếu đó là thánh ý Thiên Chúa dành cho tôi, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng: như Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình vì đàn chiên của Người, tôi cũng sẵn sàng hiến dâng mạng sống mình cho những người tôi đang sống cùng.
Do quân đội đàn áp, nhiều người đã mất việc làm và không có khả năng hỗ trợ gia đình của họ. Những người buôn bán vô lương tâm đã lợi dụng tình hình và nâng giá thực phẩm. Phần lớn dân số đang trên bờ vực của nạn đói. Nếu tình trạng này tiếp diễn, kết cục sẽ ngày càng thảm khốc và người nghèo sẽ là người chịu thiệt hại nặng nề nhất. Thật đau đớn và xót xa khi thấy nhiều người chết đói vì thiếu lương thực.
Trước tình hình này, đại đa số dân chúng coi sự hiện diện của các sơ là một phúc lành. Họ đánh giá cao sự hiện diện của chúng tôi và sự hỗ trợ của chúng tôi. Họ biết rằng có một người mà họ có thể tìm đến bất cứ lúc nào, để trút bỏ những lo lắng, muộn phiền, thất vọng và đau khổ về tinh thần của họ. Chúng tôi không thể hỗ trợ họ về mặt tài chính, và họ biết điều đó. Tuy nhiên, nhìn chúng tôi và sự hiện diện của chúng tôi đã là một phúc lành. Trong văn hóa Á châu, cảm nghĩ này thường có trong các tín đồ Phật giáo, Công giáo và thậm chí cả những người theo Ấn giáo. Chính tại đây, tôi đã hiểu được trực giác ngôn sứ của Chân phước Barre khi ngài yêu cầu các giáo viên của mình sống cùng và giữa những người nghèo và xác định hoàn cảnh của họ. “Hãy ở bên họ”. Đây là tất cả những gì được mong đợi ở chúng tôi. Đồng thời, tôi nhận ra rằng chúng tôi được loan truyền Tin Mừng bởi những người mà chúng tôi sống cùng. Thông thường, họ là những người thầy tốt nhất cho chúng tôi và tôi có thể học hỏi được rất nhiều điều từ họ.
Điều này đã trở thành hiện thực khi vào cuối tháng 6 năm 2021, tôi đến Yangon để gia hạn visa và hộ chiếu của mình. Tôi không chắc rằng thị thực của mình có thể được gia hạn hay không. Trước khi lên đường đến Yangon, tôi đã nói với mọi người rằng hãy nhớ đến tôi trong những lời cầu nguyện của họ. Phản ứng tự nhiên của họ khiến lòng tôi xúc động. Họ nói với tôi: “Sơ đừng lo lắng, mọi thứ sẽ ổn và sơ sẽ nhận được visa. Chúa sẽ không để sơ thất vọng. Người muốn sơ ở lại với chúng tôi. Người biết lòng của chúng ta.” Tôi nhận ra họ đang dạy tôi đức tin. Tuy nghèo, đơn sơ và ít học, nhưng họ có một đức tin mạnh mẽ hơn tôi. Bây giờ tôi hiểu rằng nếu Thiên Chúa muốn tôi tiếp tục phục vụ dân Người, Người sẽ làm những gì cần thiết. Tôi không có gì phải lo lắng ngoài việc thường xuyên cầu xin Người gia tăng Đức tin của tôi.
Sr. Rosalind Arokiaswami IJS