“Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi…”

Mấy ngày nay thế giới truyền thông quốc tế lên cơn sốt về cuộc gặp gỡ Liên Triều, những nghi ngờ về một dàn xếp hòa bình ở bán đảo Triều Tiên đang dần tan biến khi Tổng Thống Moon Jae In của Nam Hàn có cuộc thăm viếng Bình Nhưỡng ở Bắc Hàn.

Từ những hình ảnh đầy cảm động khi Kim Jong Un, người lãnh đạo phía Bắc bước những bước vội vàng đến tận chân máy bay để ôm chầm lấy Tổng Thống phía Nam, khác hẳn một Kim Jong Un xưa nay với những bước nghênh ngang, kiêu hãnh và gương mặt độc ác, ẩn giấu đầy những vụ thanh toán dã man ngay cả với chính những người thân trong gia đình của mình. Cái cách đi bên nhau thân thiện làm tảng băng lạnh lẽo của ngờ vực tan chảy theo tiếng nhạc đón chào. Có ai ngờ dòng người ra hai bên đường chào đón phất cờ và hô to những lời chúc mừng phái đoàn Nam Hàn, cái đám đông phản ứng cuồng nhiệt khác hẳn cái cách mà người ta thường thấy trên màn hình về một Bắc Hàn, hô đồng loạt, khóc đồng loạt, vỗ tay đồng loạt, cười đồng loạt, … cái gì cũng đồng loạt theo chỉ đạo, chúng ta không thấy điều đó trong cuộc tiếp rước này.

Tràn ngập những hình ảnh hội họp, tiệc mừng, lúc nào cũng thấy họ cuốn quýt bên nhau, những nụ cười rạng rỡ, những cái bắt tay thân mật, những ánh mắt nhìn thẳng vào nhau không tránh né, những cử chỉ đôi khi phá lệ các nghi thức ngoại giao. Rồi theo tôi, hình ảnh làm tôi xúc động và gần như phá tan những điều lo ngại về một dàn xếp giả hình là hình ảnh họ leo lên đỉnh núi Bạch Đầu Sơn (Paektusan). “Họ đã dậy từ sớm đi chuyên cơ từ Bình Nhưỡng đến Samjiyon, sau đó đi chung xe đến chân núi để cùng đi lên đỉnh núi Bạch Đầu (cao 2.744m, cao nhất bán đảo Triều Tiên), nơi có miệng núi lửa bây giờ là hồ băng Thiên Trì. Và trên đỉnh Bạch Đầu Sơn đặc biệt linh thiêng này, họ cùng nắm tay giơ cao hoan hỉ.

Huyền sử khai quốc của Triều Tiên bắt đầu từ dãy núi này, ghi đây là nơi sinh của Đàn Quân – vị vua đầu tiên sáng lập vương quốc Vương Kiệm, Triều Tiên xưa, và đây cũng được xem là nơi cha của Kim Jong Un là Kim Jung Il ra đời. Chính Un trước khi ra những quyết định quan trọng đều đến viếng Bạch Đầu Sơn, và ngọn núi này cũng chính là nơi ông Moon mong mỏi được đến trong lần quy cố hương lịch sử này.” (Trích FB Nguyễn Tường Uy)
https://www.facebook.com/nguyentruonguy1)

Tôi không giấu giếm rằng tôi rất nghi ngờ người CS, tôi lớn lên ở Miền Nam, chứng kiến quá nhiều những cuộc lừa đảo của CS. Biến cố Mậu Thân chẳng hạn, hai miền bắt tay hòa bình ngưng tiếng súng để dân chúng được ăn Tết, nhưng ngay trong đêm giao thừa, tiếng súng đã nổ vang đồng loạt tấn công các thành phố phía Nam, và cuộc chiến chỉ tạm yên khi đã có đến hàng chục ngàn sinh mạng phải chết trong những ngày thiêng liêng nhất của dân tộc, riêng Huế thôi thì số người dân phải chết đã lên trên năm ngàn, một người của phía tự xưng là CM, đã viết hồi ký kể rằng bước chân của ông ta đi trên cửa Đông Ba ngập trong máu mà trong đêm tối ông ta cứ tưởng là bùn! Thật khốn nạn!

Sau năm 75, gia đình tôi đã quay quắt mỏi mòn khi những người anh của tôi nghe lời phe thắng cuộc lên đường đi học cải tạo “một tháng”, cái một tháng của họ kéo dài cho anh tôi trên 10 năm. Những ngày ấy làm sao quên được, tối hôm nay còn ra rả thông báo “không đổi tiền”, còn bắt những người “loan tin thất thiệt đổi tiền”, sáng bừng mắt dậy ai ở đâu ở nguyên đó, lệnh đổi tiền được ban ra! Hai lần lừa đảo, toàn bộ gia sản thành mớ giấy lộn tiêu tan! Bao nhiêu lần thông báo không tăng gia xăng, một loạt bắt những người loan tin thất thiệt, thông báo chưa ráo mực, xăng tăng giá ngay… Đừng trách chúng tôi không tin.

Nhưng hôm nay qua những hình ảnh tôi được xem, những thông tin tôi được đọc, những ngờ vực tan dần. Tan hết hay chưa tôi không dám khẳng định vì tôi cần thời gian, 63 năm chứng kiến sự gian dối, 63 năm của sự lớn lên nơi một đứa trẻ thì cần bao nhiều thời gian để xóa mờ? Nỗi xúc động nơi tôi vì nhìn người ta mà bỗng dưng thương cho thân phận đất nưóc mình, trên mạng xã hội nhiều người đã bày tỏ điều này, tôi đi tìm lý giải cho thân phận khốn nạn của dân tộc mình, bài đọc hai trong lễ Chúa Nhật 25 Thường Niên đã trả lời cho chúng ta.

“Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa… Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính.

Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau.

Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc (Gc 3, 16 – 4, 3).

Tôi thấy tôi trong đó, điểm nào cũng có, ít là trong nỗi buồn không sống nguyện cầu, có nguyện cầu mà không thanh ý, nguyện cầu mà sống lãng phí những gì Chúa ban để thỏa mãn hưởng thụ khi những anh em minh đói kém! Nếu tôi không thay đổi thì mãi vẫn chỉ là “Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi”. Chẳng có hòa bình đâu!

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 21.9.2018
Tựa đề trích từ bài hát “Hương xưa” của Cung Tiến
http://www.hathaykhongbanghayhat.org/?q=node/3683

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.