Quyết nghị về Lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên

DSC_4072

Thái Hà (27.01.2017) – Trong những ngày Tết Nguyên Đán, những người con, người cháu không chỉ được mời gọi thể hiện chữ hiếu đối với ông bà, cha mẹ khi các ngài còn sống, mà hướng đến những vị đã khuất. Do đó, cách đặc biệt, Giáo hội Công Giáo Việt Nam dành ngày Mồng Hai Tết Nguyên Đấn để cầu nguyện cho các bậc tổ tiên, nhất là những vị đã qua đời.

Xin giới thiệu với quý vị và các bạn Quyết nghị về lễ nghi tôn kính ông bà tổ tiên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vào năm 1974. Trong nghị quyết đề cập cách rõ ràng, cụ thể đến một số điều chúng ta sẽ làm trong ngày Tết Nguyên đán để bày tỏ chữ hiếu đối với những người đã qua đời:

——————-

Quyết nghị về Lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên

Chúng tôi, các Giám mục chủ tọa khóa hội thảo VII về Truyền Bá Phúc Âm toàn quốc, tại Nha Trang ngày 12-14 tháng 11 năm 1974, đồng chấp thuận cho phổ biến việc thi hành trong toàn quốc, những quyết nghị của Ủy Ban Giám mục về Truyền Bá Phúc Âm ngày 14.6.1965, về các lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên, như sau:

“Để đồng bào lương dân dễ dàng chấp nhận Tin Mừng, hội nghị nhận định: Những cử chỉ thái độ, lễ nghi (sau này) có tính cách thế tục lịch sự xã giao để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các Tổ Tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, nên được thi hành và tham dự cách chủ động” (Thông cáo Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 14.06.1974).

1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như hồn bạch.

2. Việc đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.

3. Ngày giỗ cũng là ngày “kỵ nhật” được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng mã, và giảm thiểu cùng canh cải những lễ vật biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn Ông Bà, như dâng hoa trái, hương đèn.

4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm “Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên” trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với Ông Bà.

5. Trong tang lễ được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương nghiêng mình trước thi hài người quá cố.

 6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là phúc thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải là mê tín như đối với các “yêu thần, tà thần”.

Trong trường hợp thi hành các việc trên đây sợ có sự hiểu lầm nên khéo léo giải thích qua những lời phân ưu khích lệ, thông cảm… Đối với giáo dân, cần phải giải thích cho hiểu việc tôn kính Tổ Tiên và các vị anh hùng liệt sĩ theo phong tục địa phương, là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn kính liên quan đến tín ngưỡng, vì chính Chúa cũng truyền phải “thảo kính cha mẹ”, đó là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa.

Tại Nha Trang, ngày 14.11.1974

Ký tên:

– Philiphê Nguyễn Kim Điền, TGM Huế

– Giuse Trần Văn Thiện, GM Mỹ Tho

– Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, GM Vĩnh Long

– Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, GM Cần Thơ

– Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, GM Nha Trang

– Phêrô Nguyễn Huy Mai, GM Ban Mê Thuột

– Phaolô Huỳnh Đông Các, GM Quy Nhơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.