Sau những tháng ngày chuẩn bị trong niềm háo hức và mong mỏi, sáng thứ Bảy 13.7.2019, 56 “thủy thủ” ngành Nghĩa sĩ đã cùng nhau “Ra khơi” với Chúa Kitô. Xứ đoàn đã tổ chức nhiều kỳ Sa mạc huấn luyện nhưng dành cho các em thiếu nhi thì lại là lần đầu tiên.
Vì Sa mạc bắt đầu vào ngày thứ Bảy nên trong Thánh lễ khai mạc, Cha Tuyên úy và tất cả mọi người đã cùng nhau phó thác kỳ sa mạc trong tay Đức Mẹ để qua lời chuyển cầu của Mẹ, Thiên Chúa sẽ làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp. Sau Thánh lễ là nghi thức khai mạc Sa mạc huấn luyện. Ngắn gọn, trang trọng nhưng đầy cảm xúc là những từ để nói về nghi thức này. Trong ít phút, qua câu chuyện dưới cờ của Cha Tuyên úy, qua nghi thức thượng cờ đầy xúc động, các sa mạc sinh thực sự đã bắt nhịp được với tinh thần của sa mạc huấn luyện. Với ý lực sống “Cầu nguyện”, trong buổi sáng các sa mạc sinh đồng thời phải thực hiện việc dựng trại, nấu ăn và sưởi Thánh thể. Đôi chút lóng ngóng trong việc cầm búa đóng cọc trên nền đất pha sỏi, đôi chút bỡ ngỡ trong việc kiếm củi, đôi chút lo âu khi lần đầu tiên nấu cơm bằng bếp dã chiến. Tất cả đã tạo nên sự hấp dẫn ngay từ những hoạt động đầu tiên của sa mạc huấn luyện. Mặc dù vậy, các sa mạc sinh cũng không quên ý lực sống của buổi sa mạc do đó, bên nhà chầu vẫn có những chiếc áo sa mạc đang âm thầm lặng lẽ để cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh thể.
Bữa cơm trưa đầu tiên nơi đất trại dù diễn ra khá muộn nhưng tràn ngập tiếng cười. Canh hơi mặn, cơm hơi khê, rau hơi nồng… khiến cho bữa cơm không được ngon miệng như ở nhà. Nhưng chính bữa cơm ấy đã khiến các sa mạc sinh biết chia sẻ với nhau và đặc biệt là biết trân quý những bữa ăn với bố mẹ ở nhà.
Bước sang buổi chiều, với ý lực sống “Hy sinh”, các sa mạc sinh được kêu gọi biết hy sinh cái tôi cá nhân, biết hy sinh vì đồng đội để cùng bước vào Hành trình sa mạc với chủ đề “Theo dấu chân Chúa Giêsu”. Hành trình sa mạc được xây dựng dựa trên nền tảng cuộc thương khó của Chúa Giêsu theo cách trình bày của 5 sự thương. Qua những thử thách ở các điểm trạm, các sa mạc sinh đã cùng cầu nguyện, cùng chịu đánh đòn, cùng chịu đội mão gai, cùng vác thánh giá và cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu – thủ lãnh tối cao của thiếu nhi thánh thể. Hành trình sa mạc không chỉ giúp các em học về Kinh Thánh, sống lại với những đau khổ của Chúa mà còn giúp các em khám phá và nhận ra những khả năng của bản thân và mọi người xung quanh. Khi mặt trời đã ngả bóng, thời khắc này chính là giây phút ít tiếng cười nhất nhưng cũng là giây phút lắng đọng nhất của hành trình sa mạc, các đội vác thánh giá lên đỉnh đồi. Đây là trạm cuối do Cha Tuyên úy làm trưởng trạm. Khi xưa Chúa Giêsu chịu đóng đinh để giao hòa Thiên Chúa với con người thì nay các sa mạc sinh đã đóng đinh những tội lỗi, những thiếu sót của bản thân lên tấm giấy sau đó đóng đinh lên thánh giá Chúa. Sau lời tạ lỗi với Thiên Chúa, các sa mạc sinh cũng có cơ hội làm hòa với những người xung quanh mình. Giây phút nhìn nhận những yếu đuối của bản thân để xin lỗi Chúa và xin lỗi nhau thực sự rất khó khăn nhưng lại đặc biệt cần thiết với mỗi Kitô hữu.
Buổi tối là chương trình Lửa thiêng Thánh thể. Mặc dù bị giới hạn thời gian không quá 7 phút cho mỗi phần diễn nguyện nhưng các sa mạc sinh đã rất khéo léo khi giới thiệu về các vị thánh đã “Ra khơi” để làm chứng cho Chúa: Andre, Phêrô, Phaolô, Toma. Mỗi người mỗi vẻ, đều có những điểm mạnh, điểm yếu nhưng trên hết họ chung nhau ở tình yêu dành cho Chúa và tinh thần hăng say loan báo Tin Mừng. Đêm Lửa thiêng được khép lại trong thinh lặng với những giây phút bên Chúa Giêsu Thánh thể. Không gian mênh mang giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp, ánh trăng mờ ảo và ngọn lửa bập bùng đã tạo nên một không khí linh thiêng thực sự. Các sa mạc sinh cùng nhau quây quần bên Chúa Giêsu Thánh thể để cảm tạ và ngợi khen Chúa. Với ngọn nến trong tay, các sa mạc sinh cùng nhau cất lên lời hát “Xin giữ con, để con phụng sự Chúa, con phụng sự Chúa, trong suốt đời con…”
Sáng Chúa nhật, khi những vạt nắng ban mai kéo lên đỉnh đồi cũng là lúc các sa mạc sinh tập trung để cùng nhau dâng ngày cho Chúa. Sau khi đã trải qua buổi trại với ý lực sống cầu nguyện và hy sinh, sáng nay, các sa mạc sinh bước vào các hoạt động với tinh thần làm việc tông đồ. Mở đầu ngày sa mạc là phần thi đua tìm hiểu Kinh Thánh với hình thức loại trực tiếp. Các câu hỏi trong phần thi này đã giúp các sa mạc sinh ôn lại những kiến thức cơ bản về Kinh Thánh. Bên cạnh những câu hỏi đơn giản còn có những câu hỏi mang tính chất suy tư sâu sắc. Nối tiếp phần thi Kinh Thánh là phần sinh hoạt với những trò chơi được lấy ý tưởng từ chính tên của các đội: Nôê – Đại Hồng Thủy, Matta – phục vụ, Phêrô – vâng lời thầy con thả lưới, Gioan – Thiên Chúa là tình yêu. Với nền tảng ý tưởng từ Kinh Thánh và những biến tấu mới mẻ, các trò chơi không chỉ tăng tinh thần đoàn kết, sự khéo léo mà còn là những bài học về đời sống đức tin cũng như đời sống xã hội cho các sa mạc sinh. Chương trình buổi sáng khép lại với hoạt động mang tên “Làm việc tông đồ”. Trong hoạt động này, các sa mạc sinh đã phụ giúp quý cha, quý thầy trong Đan viện thu hoạch và sơ chế chè. Đây là hoạt động hết sức mới mẻ với những sa mạc sinh sống ở thành phố, thậm chí còn chưa từng nhìn thấy cây chè. Tuy nhiên, không vì thế mà các sa mạc sinh “đầu hàng” mà dường như càng làm cho những đôi tay vốn quen cầm bút trở nên nhịp nhàng hơn khi ngắt những búp chè xanh mơn mởn.
Buổi chiều cùng ngày là Thánh lễ Tạ ơn và nghi thức Bế mạc. Là một sự trùng hợp rất đặc biệt khi bài Tin Mừng trong Thánh lễ nói về câu chuyện người Samaritano nhân hậu. Đây là câu chuyện rất quen thuộc trong Kinh Thánh nhưng với mỗi sa mạc sinh trong giờ phút này lại trở nên thật ý nghĩa bởi câu chuyện được kết thúc bởi lời Chúa Giêsu “Hãy đi và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,37). Đó không chỉ là lời Chúa Giêsu nói với các nhà thông luật mà là lời nhắn nhủ với mỗi sa mạc sinh. Ngày hôm nay, các con đã gặp được ta, đã cảm nhận được lòng thương xót của ta. Vì thế các con hãy ra đi để làm cho thế giới này cũng gặp được Chúa và cảm nhận được lòng thương xót của Chúa.
Ban truyền thông Xứ đoàn TNTT Phêrô & Phaolô