Romania đánh dấu Ngày quốc gia đầu tiên tôn vinh các Kitô hữu bị bách hại

Hôm Chúa nhật 16/8, quốc gia Romania đa số theo Chính thống giáo đã đánh dấu Ngày Quốc gia đầu tiên Nhận thức về Bạo lực chống lại các Kitô hữu, một động thái nhằm tôn vinh các vị Tử đạo Romania và đồng thời nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp chống lại các Kitô hữu trên toàn cầu.

Vào tháng 6, chính phủ Romania đã thông qua một đạo luật do Daniel Gheorghe, một thành viên của Hạ viện Romania, đưa ra, chọn ngày 16 tháng 8 là Ngày Quốc gia Nhận thức về Bạo lực chống lại các Kitô hữu.

Trong một giải thích kèm theo tin tức trên, Gheorghe cho biết ông đã soạn thảo luật để thông báo cho công chúng, đặc biệt là những người trẻ tuổi, về vai trò của Kitô giáo trong lịch sử Romania và đồng thời làm nổi bật bản chất và mức độ của cuộc đàn áp Kitô giáo trong thời hiện đại.

Việc lựa chọn ngày 16 tháng 8 trùng với ngày lễ Chính thống giáo tưởng nhớ các Thánh Tử đạo Brâncoveanu – Hoàng tử Constantine Brâncoveanu, bốn người con trai và một trong những cố vấn của mình – được Giáo hội Chính thống Romania tuyên Thánh vào năm 1992.

Truyền thống cho rằng Hoàng tử Brâncoveanu, người cai trị Wallachia vào thời điểm đó, cùng với các con trai là Constantin, Radu, Ştefan và Matei, và viên thủ quỹ Ianache Vacarescu đã bị bắt giữ khi người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman Hồi giáo xâm lược Romania vào năm 1714 và đưa đến Istanbul.

Sau đó, họ bị tra tấn và, vào ngày 15 tháng 8 – sinh nhật lần thứ 60 của Hoàng tử Brâncoveanu và Lễ Đức Mẹ An giấc trong lịch phụng vụ Chính thống giáo – họ bị điệu đến trước mặt Sultan Ahmed III của Thổ Nhĩ Kỳ và nói rằng nếu họ từ bỏ đức tin Kitô giáo và chuyển sang Hồi giáo, hoàng thân quốc thích của Hoàng tử Brâncoveanu sẽ sống sót. Họ từ chối và từng người bị chặt đầu, và xác họ bị ném xuống eo biển Bosphorus. Người ta nói rằng các ngư phủ Kitô giáo sau đó đã vớt xác của họ và chôn cất tại một Tu viện gần thành phố.

Trong một tuyên bố vào ngày 13 tháng 8, Tòa Thượng phụ Chính thống Romania, do Đức Thượng phụ Daniel đứng đầu, đã lên tiếng đánh giá cao động thái này, đồng thời cho biết rằng các Thánh tử đạo Brâncoveanu “đã minh chứng rằng sự tử đạo là bằng chứng tột bậc của tình yêu đối với Chúa Kitô trong lịch sử Kitô giáo Romania”.

“Đó chính là lý do tại sao việc công bố ngày kỷ niệm quốc gia cho sự tử đạo của họ phải là cơ hội để chúng ta nhận thức rõ hơn về tình trạng bạo lực ngày nay chống lại các tín đồ Kitô giáo”,  Đức Thượng phụ Daniel nói, đồng thời lưu ý rằng tình trạng bạo lực này “diễn ra các hình thức ngược đãi khác nhau ngày nay, từ ‘chủ nghĩa bài Kitô giáo’ của các ý thức hệ mới cho đến những vụ hành quyết được ghi hình đối với những người phạm tội duy nhất đó là trở thành Kitô hữu”.

“Trong bối cảnh này, Tòa Thượng phụ Romania ủng hộ việc phục hồi việc tưởng niệm các vị Anh hùng Tử đạo Kitô giáo và đồng thời bảo vệ và thúc đẩy tự do tôn giáo như một quyền cơ bản của mỗi con người”, tuyên bố tiếp tục.

Theo một báo cáo năm 2019 do chính phủ Vương quốc Anh ủy quyền, các Kitô hữu hiện là nhóm tôn giáo bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới, chiếm khoảng 80% các vụ bạo lực và phân biệt đối xử có động cơ tôn giáo.

Vào tháng 5 năm 2019, ngay trước chuyến viếng thăm kéo dài 3 ngày tới Romania, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã công nhận sự tử đạo của 7 Giám mục thuộc Giáo hội Công giáo Romania theo nghi thức Đông phương, những người đã chết trong một chiến dịch càn quét chống tôn giáo sâu rộng ở Romania thời cộng sản.

Một trong số các Giám mục – Đức Cha Iuliu Hossu Địa phận Gherla – đã được Đức Giáo hoàng Phaolô VI bổ nhiệm Hồng y “in pectore”, có nghĩa là “trong thâm tâm”, với việc công bố tên tuổi của ngài được giữ bí mật cho đến năm 1973. Đức Cha Hossu được trả tự do vào năm 1955 và suốt phần đời còn lại Ngài bị quản thúc tại gia, và qua đời năm 1970, hưởng thọ 85 tuổi.

Theo một nghiên cứu vào năm 2018 do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện, Romania là quốc gia sùng đạo nhất ở châu Âu xét về tầm quan trọng của tôn giáo đối với người dân trong cuộc sống hàng ngày, việc thực hành tôn giáo thường xuyên và đời sống cầu nguyện, cũng như sự xác quyết về đức tin của họ.

Vào Chúa nhật, ngày 16 tháng 8, một số tòa nhà và tượng đài kỷ niệm quan trọng sẽ được chiếu sáng với những ánh điện màu đỏ để đánh dấu Ngày Quốc gia Nhận thức về Bạo lực chống lại các Kitô hữu mới, bao gồm Nhà thờ kínhThánh George ở Bucharest, được thiết lập bởi Hoàng tử Brâncoveanu, cũng như tòa nhà Quốc hội Romania, Khải hoàn môn và Cung điện Mogosoaia, cũng được xây dựng bởi Hoàng tử Brâncoveanu.

Các sự kiện khác liên quan đến ngày kỷ niệm sẽ được phép nhận tài trợ từ chính phủ và chính quyền địa phương, cũng như các tổ chức phi chính phủ muốn hỗ trợ về mặt hậu cần và tài chính.

Minh Tuệ (theo Crux)

nguồn: dcct.org