Ám ảnh “Sao đỏ”
Năm học mới 2019-2020 vừa chính thức khai giảng vào ngày 5/9 thì ngay ngày hôm sau 6/9, các trang mạng xã hội lan truyền bức ảnh hai học sinh đang đứng – một trai, một gái – đeo băng “SAO ĐỎ” trên cánh tay. Học sinh gái đang chống nạnh; học sinh trai đang chỉ vào mặt một học sinh khác đang ngồi ngay tại sân trường bày biện rất nhiều hàng ghế (có lẽ trong ngày khai giảng). Bức ảnh lập tức khơi lại ký ức buồn vui của rất nhiều người từng ngồi dưới mái trường XHCN sau năm 1975 ở miền Nam Việt Nam.
Một giáo sư từng giảng dạy ở Việt Nam, Giáo sư Phạm Minh Hoàng, cho biết ông sửng sốt khi nhìn thấy bức ảnh này, hình ảnh mà ông liên tưởng trong các cuộc cải cách ruộng đất từ 50 năm trước ở miền Bắc Việt Nam. Ông cho rằng những hình ảnh như thế nếu có thì chỉ xảy ra với người lớn trong các tổ chức đoàn, đảng, chứ không thể với các em học sinh. Tuy vậy ông nhận xét rằng lối kiểm soát tư tưởng và hành động của học sinh không chỉ xảy ra ở các trường tiểu học hay trung học, mà nó xảy ra ở cả bậc đại học theo một hình thức khác:
“Thời ở Việt Nam tôi làm việc trong lãnh vực giáo dục, tôi thấy trên đại học không có hình thức sao đỏ. Tôi chưa hề thấy một em học sinh nào đeo băng đỏ. Nhưng trên đại học họ kiểm soát một cách tinh vi hơn. Tất cả mọi trường đại học đều có cơ sở đảng. Văn phòng Bí thư đảng ủy thường thường nằm bên cạnh phòng Hiệu trưởng. Có những trường đại học, ông Hiệu trưởng là Bí thư đảng ủy luôn. Ở dưới thì có phòng công tác chính trị, phòng này quyền hạn rất lớn.”
Trước ngày khai giảng, trên trang web trường THCS Lê Văn Tám ở Quận Bình Thạnh, TPHCM đã có chương trình “Tập huấn cho Cán bộ lớp, Sao đỏ – Năm học 2019 – 2020” với thành phần tham dự và chương trình chi tiết với mục đích “Nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức, kĩ năng cần thiết khi làm nhiệm vụ lớp trưởng, lớp phó, sao đỏ”.
Cô giáo Huỳnh Thị Xuân Mai, một giáo viên trung học, trải qua mấy mươi năm đứng lớp, bị ép nghỉ việc vì lên tiếng cho sự thật, nói về đội Sao đỏ hiện nay:
“Hồi đầu nó là đội “Cờ đỏ”, sau này nó biến tướng thành “Sao đỏ”. Đội sao đỏ này trực tiếp do tổng phụ trách quản lý, mà tổng phụ trách là giáo viên đảng viên. Nó tệ là do nó chạy theo thành tích. Đội Sao đỏ lập ra để theo dõi các bạn học cùng lớp.
Mấy em Sao đỏ chấm điểm các bạn trong tổ, trong lớp, rồi lớp này chấm lớp khác. Nhưng các em chấm không trung thực. Có những cái tiêu cực xảy ra, chẳng hạn như một em Sao đỏ có thể dùng quyền lực của mình để bắt bạn mình phải hối lộ, có thể là tiền để không bị ghi tội.”
Ông Minh Đức, một phụ huynh có hai con đang học tiểu học và trung học nhận định việc hoạt động của đội Sao đỏ trong các trường học ở Việt Nam là mầm mống của việc kiểm soát và bị kiểm soát đối với người dân từ bao lâu nay. Chính quyền muốn tạo cho các em học sinh thói quen chấp nhận việc này từ trong môi trường học đường:
“Cộng sản họ luôn muốn kiểm soát quần chúng tất cả mọi hành vi, thậm chí cả về tư tưởng. Nếu có ai hoặc có điều gì trái chiều với họ thì tùy mức độ, họ sẽ “uốn nắn” lại. Chủ trương là tập cho người dân quen dần đến mức mặc nhiên chấp nhận việc bị kiểm soát là tất yếu. Đây là một sự lạm dụng quyền lực.”
Hiện nay trong các trường từ bậc tiểu học đến trung học đều có đội Sao đỏ. Nhiệm vụ của đội này là theo dõi và chấm điểm mọi hoạt động của học sinh, từ việc đeo khăn quàng đỏ, giờ giấc vào lớp cho đến trang phục, cư xử…
Ngoài việc chấm điểm các bạn cùng lớp, đội Sao đỏ còn có nhiệm vụ chấm điểm lớp khác. Những điểm số này là cơ sở để đánh giá thi đua của từng lớp. Kết quả thi đua của lớp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lương, thưởng của giáo viên, khiến giáo viên cũng ngán Sao đỏ và tìm cách dạy học trò lớp mình cách đối phó với Sao đỏ lớp khác.
Ảnh hưởng đến trẻ ra sao?
Đội Sao đỏ trong các trường học được trao rất nhiều quyền lực trong tay. Các em được giao việc như những “công an viên” trong nhà trường như luôn đi canh, đi bắt những học sinh vi phạm.
Theo giáo sư Phạm Minh Hoàng thì điều khủng khiếp nhất là các em nhỏ hoàn toàn không có ý thức gì về chính trị khi dùng quyền của mình để kiểm soát người khác. Ông nói thêm:
“Một đứa bé mà đã có quyền được chỉ vào mặt các bạn khác, rồi giao cho các có quyền đi kiểm tra, thậm chí có thể trừng phạt các em khác và cho ý kiến của mình lên thầy cô chủ nhiệm thì nó đưa đến việc, mà tôi xin lỗi xài chữ hơi hạ cấp, đó là “chó săn” từ hồi nhỏ. Tất cả những cái đó nó nhiễm vào đầu óc các em, các em sẽ trở thành những con người sống để kiểm tra, canh chừng đời sống, thậm chí tư tưởng người khác.”
Đó là giáo sư Hoàng nói về các em trong đội Sao đỏ. Còn với các em học sinh bị theo dõi, kiểm soát thì giáo sư lo ngại các em học sinh sẽ không còn được hưởng đời sống của học sinh khi mà lúc nào cũng lo lắng chuyện bị những người bạn mình, những người cùng “đánh đinh đánh đáo” mỗi ngày, có thể báo cáo những việc mình làm cho thầy cô.
Cô giáo Xuân Mai thì nói thẳng rằng sự tồn tại của đội Sao đỏ mang tính phản giáo dục, bởi thay vì dạy cho các em học sinh phải vô tư, phải ngây thơ, trong sáng, hòa đồng, thân thiện và thương yêu bạn bè, thì lại dạy các em thành những đứa trẻ chuyên đi rình rập bạn bè như “mật vụ, mật thám”.
Cô cho biết cũng có nhiều phụ huynh và giáo viên phản đối việc này nhưng mọi việc vẫn không thay đổi, bởi đảng cộng sản muốn đào tạo ra một thế hệ như thế!
“Sao đỏ ảnh hưởng đến nhân cách của các em. Nó giáo dục cho học sinh tính xấu là bắt nạt bạn, dùng quyền lực bắt bạn cống nạp tiền. Những em nhút nhát thì trở thành hèn vì bị bạn bắt nạt mà không dám nói.
Đảng muốn đào tạo các em học sinh từ lúc nhỏ có những mầm mống xấu. Những em đó được coi như lực lượng hậu bị cho những người cộng sản, bởi chế độ cộng sản phải có những người cộng sản, mà những người cộng sản là những người rình rập đồng đội mình, đồng nghiệp mình rồi tranh giành quyền lực, cấu xé nhau…”
Liên quan việc tồn tại các đội Sao đỏ như hiện nay, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già có bài viết trên facebook cá nhân, trong đó có đoạn:
“Đừng biến con trẻ hoặc hèn nhát, vụng trộm hoặc côn đồ, bạo lực để giải quyết mọi vấn đề, để rồi từ đó làm cho cả cuộc đời những đứa trẻ này quen thói đi rình mò, lén lút, nhỏ mọn, trịch thượng, ngạo mạn, tự huyễn hoặc về quyền lực một cách vô lối hoặc du côn, thù vặt, dùng nắm đấm đối với bất cứ ai đụng vào mình.
Đừng cướp tuổi thơ trong sáng của con trẻ nữa!
Đừng biến con trẻ thành “công cụ cai trị” nữa!”
nguồn: rfa.org