Sau gần 100 năm, từ năm 1923, năm Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ra đời, mới có nhà thờ Ki-tô giáo đầu tiên được xây dựng hoàn toàn mới tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là nhà thờ kính thánh Ephrem, được xây dựng ở ngoại ô Istanbul và được hoàn tất trong thời gian kỷ lục.
Nhà thờ kính thánh Ephrem được cấp phép xây dựng vào đầu năm 2019 và được khởi công từ ngày 3/8 cùng năm. Nhà thờ được dự kiến sẽ khánh thành vào nửa đầu năm 2021. Nhà thờ mới có sức chứa 700 người và là ngai tòa của Đức Tổng giám mục Yusuf Çetin, hiện là vị lãnh đạo cộng đồng Chính Thống Syria địa phương.
Các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Tổng thống Erdogan nhấn mạnh tốc độ xây dựng nhà thờ như là một dấu hiệu sự quảng đại độ lượng của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đối với các cộng đồng Ki-tô giáo địa phương, và cũng để chống lại những tranh cãi và chỉ trích dấy lên trên khắp thế giới khi ông cho phép sử dụng lại đền thờ Hagia Sophia làm đền thờ Hồi giáo.
Trong năm 2020, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép sử dụng lại đền thờ cổ kính “Hagia Sophia “ – Sự Khôn ngoan của Thiên Chúa – ở Istanbul, và nhà thờ cổ Chúa Cứu Thế ở Chora làm đền thờ Hồi giáo.
Trong những năm gần đây, giới lãnh đạo chính trị Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự chú ý đặc biệt đối với các cộng đồng Ki-tô giáo Syria. Các nhà quan sát và bình luận đã nói về một “kế hoạch Thổ Nhĩ Kỳ” nhằm tái đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ như một “quê hương” mới cho nhiều Ki-tô hữu Syria đang sống ở Syria và châu Âu, và tổ tiên của họ đã sống trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện nay có khoảng 25.000 Ki-tô hữu Syria sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn tập trung ở ngoại ô Istanbul. (Fides 24/09/2020)
Hồng Thủy – Vatican News