Vẫn cần có sự chấp thuận của tổng thống để đưa các nhà lập pháp ra hầu tòa trong các vụ điều tra hình sự
Sinh viên Công giáo và những người phản đối đạo luật cho phép truy tố trách nhiệm hình sự về tội chỉ trích các nhà lập pháp Indonesia đã thắng kiện tại Tòa Hiến pháp của quốc gia này.
Hôm 28-6, tòa án đã bãi bỏ một số điều luật gây tranh cãi trong Luật Cơ quan Lập pháp liên quan đến việc các nhà lập pháp có quyền miễn trừ điều tra hình sự cũng như tránh bị chỉ trích.
Ban thẩm phán gồm 9 thành viên đã bãi bỏ điều 122 của đạo luật, vốn quy định hội đồng đạo đức của quốc hội có thể truy tố những người “thiếu tôn trọng phẩm giá” của các nhà lập pháp hay quốc hội nói chung.
Đạo luật gây tranh cãi có hiệu lực hồi tháng 3, làm dấy lên sự phản đối rộng rãi trong công chúng và ngay cả Tổng thống Joko Widodo cũng không đồng tình.
Sinh viên Công giáo cùng với các tổ chức khác đã trình lên tòa án đơn phản đối các điều khoản được họ cho là phi dân chủ.
Kosmas Mus Guntur thuộc Hội Sinh viên Công giáo Indonesia nói quyết định của Tòa Hiến pháp đã chỉnh đốn đội ngũ các nhà lập pháp và quốc hội vốn là đại diện của người dân cách sáng suốt.
Đó là chiến thắng trước những nghị sĩ cho rằng mình là người “không thể chạm đến”.
Lucius Karus, nhà nghiên cứu người Công giáo tại tổ chức Theo dõi Quốc hội, nói phán quyết cảnh báo các nghị sĩ không nên làm ra luật phục vụ lợi ích riêng của họ.
Và cho thấy tầm quan trọng của cơ quan tư pháp trong việc ngăn chặn hành động làm luật cách tùy tiện, Karus nói thêm.
Các nhà lập pháp cần bảo vệ danh dự của quốc hội thông qua việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
“Chỉ trích không giống với nguyền rủa, lăng mạ hay coi thường”, Karus giải thích.
Chủ tịch hạ viện Bambang Soesatyo chấp nhận phán quyết của tòa.
Tòa Hiến pháp, trong khi bãi bỏ các điều khoản gây tranh cãi nhất, cũng yêu cầu cơ quan hành pháp cần có sự chấp thuận của tổng thống trước khi đưa các nhà lập pháp ra hầu tòa trong các vụ điều tra hình sự.
Nguồn: vietnam.ucanews