Ngay từ những ngày đầu của Dòng Chúa Cứu Thế, ơn gọi của các thầy trợ sĩ (không chịu chức linh mục) đã được khẳng định là một phần không thể thiếu trong gia đình Dòng Chúa Cứu Thế. Hiện nay tổng cộng có 334 thầy trợ sĩ trên khắp thế giới. Ba tỉnh có số lượng anh em đông nhất là Sao Paulo. , Việt Nam và Denver. Nhân dịp lễ Thánh Giê-ra-đô, một thầy trợ sĩ trong Dòng Chúa Cứu Thế, chúng tôi đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với thầy Marcos Vinícius, CSsR để tìm hiểu thêm về cách mà ngài sống ơn gọi của một thầy trợ sĩ trong Dòng Chúa Cứu Thế ngày nay. .
Scala News: Một thầy trợ sĩ Dòng Chúa Cứu Thế làm gì trong Dòng? Xin thầy có thể cho bạn đọc biết ơn gọi và vai trò của mình trong cộng đoàn như thế nào được không ạ?
Thầy Marcos: Năm 1982, với tài liệu Communicanda 64, Cha Josef Pfab, CSsR, lúc đó là Bề trên Tổng quyền, đã trả lời câu hỏi này bằng cách kêu gọi sự chú ý đến thực tế là động từ “làm” (do) không phải là động từ thích hợp để nói về các thầy trợ sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Để nói về ơn gọi của chúng tôi trong Dòng Chúa Cứu Thế, chúng ta cần sử dụng động từ “là” (to be). Theo đó, bất kỳ thầy trợ sĩ nào cũng là một nhà truyền giáo, một người cảm nhận được ơn kêu gọi loan báo ơn cứu độ chan chứa tới tất cả mọi người. Các thầy trợ sĩ sống ơn gọi truyền giáo bằng cách thực hiện bất kì công việc gì có lợi cho việc loan báo Tin Mừng, cho dù các công việc mục vụ hoặc các công việc chuyên môn. Vai trò của một thầy trợ sĩ trong cộng đoàn và trong giáo hội luôn luôn là một chứng nhân của tình huynh đệ, đây cũng là đặc tính căn bản của ơn gọi Ki-tô hữu.
Nhìn vào lịch sử của Hội Dòng, qua nhiều năm số lượng các thầy trợ sĩ giảm dần tương ứng với số lượng linh mục, hiện nay có những tỉnh không có thầy trợ sĩ nào cả.
Có nhiều lý do khác nhau, có những lý do bên ngoài và những lý do bên trong Dòng. Trong số những lý do bên ngoài, cần nhớ rằng bản thân đời sống tu trì trong ơn gọi trợ sĩ đang gặp khủng hoảng vì chủ nghĩa giáo sĩ là một mối đe dọa thường xuyên trong Giáo hội. Với những lý do bên trong, thật cần thiết để nhận thức rõ ràng hơn nữa về căn tính thánh hiến và truyền giáo của các thầy trợ sĩ. Có thể nói rằng, đối với nhiều tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, đặc sủng của chúng ta được hiểu là chỉ có thể được thể hiện qua việc thi hành thừa tác vụ linh mục. Tôi biết có những lý do khác, nhưng đây là những lý do quan trọng ngăn cản nhiều người có ơn gọi và bền đỗ trong Dòng với tư cách là thầy trợ sĩ Dòng Chúa Cứu Thế.
Scalanews: Công việc của Ủy ban các thầy trợ sĩ tại Trung Ương Dòng là gì?
Thầy Marcos: Công việc của Ủy ban là phân tích tình hình hiện tại của các thầy trợ sĩ và đưa ra các chương trình và đề xuất cụ thể cho cha Tổng quyền nhằm cổ vũ ơn gọi của các thầy trợ sĩ Dòng Chúa Cứu Thế.
Scalanews: Hai năm trước, Ủy ban đã đưa ra một tài liệu về ơn gọi và mục vụ của các thầy trợ sĩ . Những ý chính của tài liệu này là gì? Tài liệu này đề cập đến ai?
Thầy Marcos: Tài liệu gồm ba phần: phần thứ nhất trình bày hiện trạng của các thầy trợ sĩ trong Hội Dòng ngày nay, với những bóng tối và ánh sáng mà chúng ta có thể nhìn thấy khi nói đến ơn gọi của họ; phần thứ hai trình bày suy tư về căn tính của các thầy trợ sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, nhắc lại đặc tính truyền giáo của họ; và phần thứ ba trình bày những gợi ý cụ thể về việc cổ võ ơn gọi, đào tạo và sứ vụ. Tài liệu này được gửi đến tất cả các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế bởi vì việc thúc đẩy đời sống truyền giáo của chúng ta đòi hỏi sự cam kết của tất cả mọi thành phần. Điều quan trọng cần biết là tình trạng thiếu các thầy trợ sĩ trong Hội Dòng không chỉ là vấn đề đối với anh em Dòng Chúa Cứu Thế, mà còn là thách thức đối với sự sống còn của chính chúng ta với tư cách là những người thánh hiến trong Giáo Hội. Do đó, tài liệu này còn có giá trị với tất cả các tu sĩ của Dòng. Phần còn lại nằm ở trách nhiệm của mỗi người chúng ta, đọc , hiểu và đem ra thực hành.
Scala news: Làm thế nào chúng ta có thể thúc đẩy ơn gọi của các thầy trợ sĩ Dòng Chúa Cứu Thế?
Thầy Marcos: Tôi tin rằng cách tốt nhất để thúc đẩy ơn gọi của các thầy trợ sĩ là sống ơn gọi truyền giáo của mình một cách vui tươi và trung thành. Khi một người sống trọn vẹn 100% căn tính tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, nghĩa là sống căn tính truyền giáo, rất nhiều bạn trẻ sẽ khám phá ra một người không nhất thiết phải là linh mục mới có thể loan báo Tin Mừng. Một cách khác, hơi khó, là chống lại chủ nghĩa giáo sĩ trong Giáo hội, thứ vẫn tạo ra tâm lý rằng có những Kitô hạng nhất và hạng hai. Đó là lý do tại sao thật đáng nhớ đến sự mới lạ trong sứ điệp của Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta là “tất cả anh chị em” (Mt 23)
Nhìn vào Thánh Giê-ra-đô, bằng cách nào thánh nhân có thể truyền cảm hứng cho chúng ta ngày nay, với tư cách là trợ sĩ Dòng Chúa Cứu Thế cũng như với tư cách là các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế?
Thầy Marcos: Thánh Giê-ra-đô truyền cảm hứng để chúng ta sống ơn gọi truyền giáo của mình một cách đơn sơ và vui vẻ. Nơi ngài, chúng ta học được rằng sự thánh thiện đồng nghĩa với việc làm theo ý muốn của Thiên Chúa, muốn những gì Chúa muốn và yêu những người mà Chúa yêu, nhất là người nghèo. Sự gần gũi của Thánh Giê-ra-đô với người nghèo, bệnh tật và đau khổ dạy cho chúng ta biết chúng ta nên sống như thế nào với tư cách là những tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế.
Scala News: Cám ơn thầy rất nhiều!
(Phỏng vấn bởi Scala News)
Thầy Marcos Vinícius Ramos de Carvalho là một Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, khấn dòng năm 2004 và là thành viên của tỉnh Goiás, Brazil. Thầy đã từng làm việc cho nhiều Ủy ban khác nhau, như ủy ban giáo lý, đào tạo, thầy cũng là thư ký tỉnh dòng cũng như thư ký riêng cho cha Tổng quyền. Thầy hiện làm giáo sư triết học và là giám đốc nhà xuất bản Scala, ở Goiânia (Brazil).
Duc Trung Vu, CSsR (Theo Scalanews)