Sống với dân – làm dân với dân – học với dân – tìm Chúa với dân

Thái Hà (14.10.2019) –  Nhân dịp Dòng Chúa Cứu Thế tạ ơn vì 50 năm (16.10.1969 – 16.10. 2019) sứ vụ loan báo Tin Mừng cho anh chị em dân tộc Jrai tại Tây Nguyên, chúng tôi chia sẻ với quý vị bài viết của cha Giuse Trần Sĩ Tín trong lần Hội thảo của Ủy ban loan báo Tin Mừng trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vào tháng 08 năm 2016. Cha Giuse Trần Sĩ Tín là một trong số 4 tu sĩ tham gia trực tiếp vào sứ vụ loan báo Tin Mừng cho anh chị em Jrai từ những ngày đầu.

……………………

Cha Giuse Trần Sĩ Tín với anh chị em người dân tộc Jrai một lần đến Nhà Thờ Thái Hà, Hà Nội vào năm 2010

SỐNG VỚI DÂN – LÀM DÂN VỚI DÂN – HỌC VỚI DÂN – TÌM CHÚA VỚI DÂN

ĐTC Phanxicô có nói trong thánh lễ ngày 20/02/2014, tại căn nhà gọi là “Nhà Thánh Marta” rằng: Chúa Yêsu không nói ‘Hãy biết Thầy’, nhưng Ngài đã nói “Hãy theo Thầy”; chính khi “đi theo Chúa Yêsu” mà người ta học biết Ngài.

Trường hợp của anh em chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi xin chia sẻ những gì Chúa đã chỉ dạy cho chúng tôi.

Từ đầu, chúng tôi đã ngại dùng từ TRUYỀN GIÁO. Chúng tôi thấy cần phải xác định vấn đề từ ngữ. Đó là việc đầu tiên chúng ta chia sẻ với nhau. Ở Việt Nam, MISSIO (mission) có khi chúng ta cũng gọi là TRUYỀN GIÁO. EVANGELISATIO (évangalisation) cũng lại là TRUYỀN GIÁO nữa! Trong khi MISSIO trước tiên dành cho việc được sai đến với lương dân (Missio ad gentes). Còn bây giờ từ EVANGELISATIO được dịch chính thức là PHÚC ÂM HÓA. Làm cho (mỗi người) thành Phúc Âm.

Năm 1969 là năm học viện cuối cùng của tôi. Đầu năm ấy Cha Vương đình Tài tới gặp chúng tôi (Nguyễn Đức Mầu và Trần Sĩ Tín) và bàn chuyện RA ĐI tới một nơi nào đó, bất cứ nơi nào, trong vùng đất của người thiểu số chưa theo đạo. Tôi nhớ đó là thỏa thuận đầu tiên của nhóm chúng tôi: RA ĐI – SỐNG CÙNG NGƯỜI THIỂU SỐ – CHƯA THEO ĐẠO.

Lời Chúa hướng dẫn cho chúng tôi là Rm 15,16-21:

“Làm tư tế của Đức Giêsu Kitô nơi các dân ngoại, mà hành lễ là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để lễ phẩm là dân ngoại được Thiên Chúa vui lòng chiếu nhận, bởi được tác thánh trong Thánh Thần… Quả tôi sẽ không dám nói đến điều gì đức Kitô đã không dùng tôi để thi thố ra, mà làm cho dân ngoại biết đàng vâng phục: bằng lời nói và việc làm, bởi quyền năng, dấu lạ và điềm thiêng, bởi quyền năng của Thần Khí… nhưng như một danh dự, tôi chỉ rao giảng Tin Mừng ở đâu Danh Đức Kitô chưa dội đến, để khỏi đi xây trên nền móng kẻ khác đã đặt. Song như đã viết: Những kẻ không được loan báo về Người, sẽ thấy. Những kẻ không hề nghe nói về Người, sẽ hiểu” (Rm 15,16-21).

Nhóm chúng tôi lúc ban đầu lấy tên là Nhóm RA ĐI. Chúng tôi bây giờ đã có 4 người: Một Linh Mục là Cha Antôn Vương đình Tài, một Tu Huynh là Thầy Lêônard Hồ Văn Quân, hai Phó Tế là Giuse Trần Sĩ Tín và Phêrô Nguyễn Đức Mầu (cùng lớp). Theo luồng gió mới của Công đồng, tất cả chúng tôi đều cảm thấy cần phải ra đi khỏi một cơ cấu nào đó của Hội Thánh, của Nhà Dòng, đã trở nên quá chật hẹp, quá xơ cứng… Nhưng thực ra chúng tôi cũng không biết phải đi về đâu, làm gì, làm thế nào?

Từ đó nhóm chúng tôi trở thành nhóm tìm kiếm, về sau này chúng tôi gọi là nhóm TẦM ĐẠO. Lối TU ĐẠO của chúng tôi là TẦM ĐẠO. Và lối TRUYỀN ĐẠO hay đúng hơn lối CHỨNG ĐẠO của chúng tôi vẫn là TẦM ĐẠO: Đó là dòng dõi những người tìm kiếm ĐỨC CHÚA. Những kẻ tìm kiếm nhan Người, Thiên Chúa của Yacob (Tv 23,6)

Và còn phải ra đi khỏi chính mình, vì mình đã bị điều kiện hóa quá nhiều. Mình cũng đã trở thành xơ cứng dưới bao lớp vỏ bọc. Có khi đã đi rất xa, mà vẫn chưa ra khỏi chính mình. Ra đi nhưng thực sự chưa biết ra đi về đâu. Vậy là phải cùng nhau đi tìm. Ra đi tìm người. Ra đi tìm mình. Ra đi tìm Chúa. Tìm Chúa để tìm ra mình và tìm ra người. Theo Tin Mừng thì hình như có một địa chỉ, một đầu mối: người nghèo – người thiểu số. Chúa ở cùng người nghèo. Chúa đã trở thành người nghèo.

10/10/1969

Đức Cha Paul Seitz đưa chúng tôi tới Pleikly vào khoảng 4giờ chiều ngày 10/10/1969. Đúng như đã hẹn trước, chúng tôi từ Cheoreo lên Pleiku sáng hôm đó. Và chiều hôm đó, chúng tôi theo xe Jeep do chính Đức Cha lái về Pleikly. Đại diện phía Giáo Phận còn có Cha Đaminh Vũ Khắc Minh, lúc đó làm Cha Sở La Sơn, kiêm Mỹ Thạch, Phú Quang, Phú Nhơn (lúc đó đều thuộc xã Pleikly). Vào thời điểm đó, số giáo dân Công Giáo ở cả 3 địa điểm đó có khoảng 300 người. Nhưng Đức Cha đổ chúng tôi xuống làng Pleikly (cách Pleiku gần 60km) là nơi chúng tôi chưa hề đặt chân tới bao giờ, và chúng tôi cũng không quen biết ai tại đó. Chúng tôi cũng chẳng có nơi trú ngụ. Đó chính là điều chúng tôi đã thỏa thuận với Đức Cha.

Khi đến Pleikly, Đức Cha lấy sách Tân Ước đọc cho chúng tôi đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca 10,1-12, Chúa sai 72 môn đệ và ngài nói: “Xin giao cho anh em tất cả vùng dân Jrai này. Bây giờ anh em có 4 người. Nhưng nếu Dòng Chúa Cứu Thế gửi tới 72 người như trong bài Tin Mừng, chúng tôi cũng hoan hỉ đón nhận.” Sau đó Ngài cầu nguyện và chúc lành cho chúng tôi, rồi lên xe hướng về Pleiku cùng với Cha Minh. Mãi tới năm 2001, chúng tôi mới được biết tới lá thư mà chính Đức Cha Paul Seitz, Giám Mục Giáo Phận Kontum, gửi cho Phụ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam từ năm 1953, kêu gọi cho các Cha, các Thầy lên lập Nhà Dòng tại Giáo Phận Kontum và lo việc đào tạo những tông đồ giáo dân Kinh Thượng để phục vụ Tin Mừng giữa bà con người Thượng trong Giáo Phận Kontum. Lời kêu gọi này còn được lập lại năm 1956. Con đường tìm kiếm của chúng tôi tưởng như vô định, thực ra đã được tiền định từ những năm đầu đời đệ tử Dòng Chúa Cứu Thế của chúng tôi là như thế.

Lúc đó có ông xã trưởng là Ama Tên (cha của cu Tên) tới (chắc là ông đã được nghe báo cáo và hỏi ý kiến). Ông chỉ cho chúng tôi căn phòng bỏ trống ở đầu nhà trường. Căn phòng này vốn dành cho thầy cô, nhưng không có thầy cô nào ở cả, nên đã bị đàn dê trong làng chiếm lĩnh. Vì là dê nên chúng không giữ vệ sinh gì ráo trọi. Chúng phóng uế đầy phòng! Mặc dù vậy hay chính vì vậy mà tối hôm đó chúng bị trục xuất ra khỏi căn phòng chuồng dê ấy để nhường chỗ cho chúng tôi. Chúng tôi vất vả lắm mới “trục xuất” hết cả “phế phẩm” của chúng nữa! Còn cái mùi tổng hợp của chúng thì chúng tôi đành chịu: phải chung sống với cái hương vị tổng hợp đó thôi! Sao mà giống Bêlem thế! Nhưng không có cỏ rơm để nằm!

Làm sao đây?

May quá có ông Cậy, người Công Giáo thôn Đôn Hòa gần đó, nghe nói hình như có Đức Cha và các Cha về Pleikly. Ông chạy tới lúc chúng tôi đang “xâm lược” chuồng dê. Nhờ ông chúng tôi có mấy tấm chiếu để nằm. Ông còn nài nỉ chúng tôi tạm qua đêm bên Đôn Hòa nhà ông, tốt hơn. Nhưng chúng tôi đâu có chịu. Ngày hôm sau ông cung cấp cho chúng tôi một chiếc giường đơn duy nhất. Chiếc giường này chúng tôi dành cho Cha Tài: kính lão đắc thọ! Còn bọn trẻ chúng tôi, cứ trải chiếu nằm ngay trên sàn xi măng.

Đến lễ Giáng Sinh năm 1969, chúng tôi nhờ dân làng làm cho chúng tôi một căn nhà sàn như mọi người trong làng. Và chúng tôi bắt đầu SỐNG VỚI DÂN – LÀM DÂN VỚI DÂN – HỌC VỚI DÂN. Ấy là bước đầu học với dân. Học ăn, học nói, học gói, học làm… linh động trong cuộc sống của dân, chứ không phải trong một cái “viện” nào đó như thư viện, hàn lâm viện… Chúng tôi bắt đầu khám phá điều mà chúng tôi gọi là Đại Học Nhân Dân: học với Dân. Học tiếng tốt nhất, chính xác nhất là học trong môi trường, sinh sống với dân. Mỗi sáng chúng tôi lấy một hay hai lon gạo, một gói muối, liềm, dao rựa, một bình nước, vác cuốc, gùi đi theo dân làng làm rẫy, làm ruộng, đi rừng kiếm cây hay săn thú, đi suối chài, lưới bắt cá…

Cuộc sống này kéo dài từ 1969 đến 1987, gần 20 năm. Biến cố 1975, với sự toàn thắng và thống trị của chế độ cộng sản vô thần, làm cho chúng tôi nghĩ rằng sẽ chẳng có ai theo Đạo nữa, vì rõ ràng việc đấu tranh chống tôn giáo dưới mọi hình thức là quan điểm, là nguyên tắc của giai cấp vô sản, và ta nghĩ rằng chẳng còn ai dại gì mà theo Đạo nữa. Cho dù vậy, người thừa sai vẫn đang làm SỨ VỤ, vẫn ở trong SỨ VỤ.

Trường hợp Sứ Vụ Jrai, vào lúc khó khăn, thiếu thốn mọi sự, nhất là thiếu tự do tôn giáo, người Jrai lại bắt đầu xin theo Đạo. Chuyện xảy ra năm 1985 tại Plei Kly, Năm Thánh Đức Mẹ chuẩn bị cho Năm Đại Thánh 2000, do ĐTC Gioan Phaolô II quyết định. Còn trong cả vùng Jrai, việc người Jrai bắt đầu vào Đạo nhiều vào năm 1988, năm phong thánh các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Và người thừa sai bỏ cày, bỏ cuốc, bỏ chài bỏ lưới, từ ba giờ sáng đã lên đường tới những làng đang kêu gọi được nghe Lời Chúa.

Bây giờ chúng tôi mới nhận ra rằng giai đoạn SỐNG VỚI DÂN – LÀM DÂN VỚI DÂN – HỌC VỚI DÂN là giai đoạn NAZARETH mà Chúa đã sống hơn 30 năm, và Ngài đã thông chia cho chúng tôi. Được sống giai đoạn này mang lại rất nhiều lợi ích cho bản thân chúng tôi, và cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho dân. Chúng tôi nghĩ rất khó mà đi vào SỨ VỤ thực thụ, nếu không trải qua giai đoạn NAZARETH của Chúa Yêsu. Chúa Yêsu không loan báo Tin Mừng từ bên trên, hay bên ngoài, mà luôn từ bên trong.

Bây giờ khi người ta đã vào Đạo, người thừa sai sẽ làm gì? Trong cái giai đoạn thiếu thốn khó khăn đó (tất cả đều làm chui), chúng tôi chỉ có cuốn Tân Ước dịch ra tiếng Jrai từ năm 1971 và in xong năm 1973. Không có một tài liệu nào khác. Chúng tôi cứ cùng nhau đọc Kinh Thánh theo đề tài và cầu nguyện theo. Sau này chúng tôi biết được đó là con đường Lectio Divina. Các Nhóm Cầu Nguyện được khuyến khích thành lập trong các buôn làng. Những nhà gần gũi nhau mỗi tuần cầu nguyện với nhau mỗi tuần hai ba tối. Ưu tiên cho những nhà đau yếu, già nua tuổi tác. Nơi nào, làng nào có nhóm cầu nguyện, nơi đó, làng đó có nhiều người theo Đạo.

Con đường Lectio Divina đặc biệt phù hợp với dân nghèo, không có trình độ học vấn. Chúng tôi thường nói với nhau: Học là cầu nguyện – Cầu nguyện là học và qua đó Chúa đã làm nhiều việc lạ lùng. Con đường Lectio divina, người ta không chỉ theo Đạo, mà người ta trở thành Chứng Đạo.

Khi đã có người ở 20 làng theo Đạo, thì người thừa sai thấy phải chuyển việc hướng dẫn dự tòng cho giáo dân. Ngay từ khi vào Đạo, người tín hữu bản địa đã trở thành chứng nhân cho dân bản địa. Chúng tôi nhận ra vai trò không thể thay thế của giáo dân. Và tới năm 2005, Đạo đã có mặt từ trên 90 đến trên 100 làng ở mỗi vùng Plei Kly, Plei Ku đến Cheoreo.

Đào tạo thường xuyên giáo dân thừa sai bằng con đường Kerygma: Con Đường Khởi Giảng (Tin Mừng Tiên Quyết). Tới đây tôi phải trích dẫn chính ĐGH mới làm cho chúng ta chú tâm đến một truyền thống đã có ngay từ ban đầu trong công cuộc phúc âm hóa: Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng của ĐTC Phanxicô:

“164. Chúng ta cũng tái khám phá ra rằng trong huấn giáo có một vai trò cơ bản của khởi giảng hay “kerygma”, là điều phải ở trung tâm của việc Phúc Âm hóa và mọi mục tiêu canh tân Hội Thánh. Kerygma có đặc tính Ba Ngôi. Đó là ngọn lửa của Chúa Thánh Thần được ban trong hình thức các ngôn ngữ và làm cho chúng ta tin vào Đức Chúa Giêsu Kitô, Đấng qua cái chết và sống lại của Người mặc khải cho chúng ta lòng thương xót vô cùng của Chúa Cha. Trên miệng của giáo lý viên phải luôn luôn vang đi vọng lại lời loan báo ban đầu: “Đức Chúa Giêsu Kitô yêu thương bạn, Người đã ban mạng sống của Người để cứu bạn, và giờ đây Người đang ở bên bạn mỗi ngày, để soi sáng, tăng sức và giải thoát bạn.” Khi chúng ta nói rằng lời loan báo này là “tiên khởi”, điều này không có nghĩa là nó xuất hiện lúc ban đầu và sau đó có thể quên đi hoặc thay thế bằng những nội dung khác vượt hơn nó. Nó tiên khởi theo nghĩa chất lượng, bởi vì nó là lời loan báo chính, là lời mà chúng ta phải luôn luôn nghe đi nghe lại bằng những cách khác nhau và chúng ta phải luôn luôn tái công bố trong huấn giáo dưới dạng này hay dạng khác, trong tất cả các giai đoạn của nó và những thời điểm của nó. Vì lý do tương tự, “linh mục, cũng như Hội Thánh, càng ngày càng phải lớn lên trong ý thức rằng chính mình cần phải được thường trực Phúc Âm hóa”.

165. Chúng ta không được nghĩ nghĩ rằng trong huấn giáo phải bỏ kerygma để chọn một cách đào tạo có vẻ “chắc chắn” hơn. Không có gì chắc chắn hơn, sâu sắc hơn, an toàn hơn, thực chất hơn và đầy khôn ngoan hơn lời loan báo ban đầu ấy. Toàn thể việc đào tạo Kitô hữu trước hết cần đào sâu kerygma, là điều mỗi ngày một nhập thể hơn và không bao giờ ngừng soi sáng việc dấn thân huấn giáo, cho phép chúng ta hiểu đúng ý nghĩa của bất cứ chủ đề nào được khai triển trong huấn giáo. Đây là lời loan báo đáp ứng khát vọng về sự vô biên trong mỗi tâm hồn con người. Tính trung tâm của kerygma đòi hỏi một số đặc tính thiết yếu của lời công bố mà hiện nay cần có ở khắp mọi nơi là: diễn tả tình yêu cứu độ của Thiên Chúa ưu tiên hơn là sự bó buộc luân lý và tôn giáo, không áp đặt chân lý mà kêu gọi tới sự tự do, kerygma có những nét vui tươi, khích lệ, sống động và sự tổng hợp hài hòa không cô đọng việc rao giảng vào vài tín lý đôi khi có tính triết lý hơn là Tin Mừng. Điều này đòi hỏi người phúc âm hóa một vài ứng xử giúp đón nhận tốt hơn lời loan báo: gần gũi, cởi mở để đối thoại, kiên nhẫn, chào đón thân tình mà không lên án”.

Vắn tắt: Kerygma chủ chốt là trở lại tin nhận Đức Yêsu tử nạn và phục sinh làm Chúa để Ngài đổ tràn đầy Thần Khí cho (cf. Cv 2, 32-36). Chúa Thánh Thần mới là Đấng ‘dạy dỗ mọi sự… và dẫn đưa vào tất cả sự thật’ (Ga 14,26; 16, 13).

Vào những năm đầu 1990, Cha Trường, chuyên viên giáo lý của GP Đà Nẵng, được mời vào hướng dẫn cho giáo lý viên các cấp tại Plei Ku. Tôi cũng đi học cùng các giáo lý Kinh Thượng. Khi tham dự với giáo lý viên lớp dự tòng, tôi rất vui mừng khi được nghe Cha Trường cho biết: hướng dẫn dự tòng là hướng dẫn theo kerygma. Đó chính là điều chúng tôi đang thực hành. Vậy là luôn luôn có mở những khóa kerygma cho giai đoạn dự tòng, trước những giai đoạn xưng tội rước lễ lần đầu, thêm sức, hôn phối, rồi mỗi năm một hai lần cho mọi người. Trong những khóa kerygma việc LÀM CHỨNG (kể lại ơn của Chúa, hay những việc Chúa làm) cũng rất quan trọng để tăng cường Đức Tin cho bản thân cũng như cho tất cả những người nghe, và cho cả người thừa sai.

Làm chứng là ngợi khen Chúa. Người Jrai được sinh lại và lớn lên trong Lectio Divina và Kerygma nên rất lạ lẫm với những hình thức đào tạo khác. Khi sống theo con đường kerygma và lectio divina, việc phúc âm hóa không còn là con đường một chiều. Chúa không chỉ dùng người thừa sai để phúc âm hóa giáo dân, mà còn dùng giáo dân để phúc âm hóa người thừa sai.

Trong việc Phúc Âm Hóa, cũng không thể thiếu việc Hội Nhập Văn Hóa. Người thừa sai phục vụ cho một dân tộc khác cũng còn có nhiệm vụ thống nhất chữ viết, và thống nhất ngôn ngữ. Chúng ta không có giờ để nói tới ở đây.

Chúng tôi đã chia sẻ con đường Chúa ban cho chúng tôi được trở lại SỐNG PHÚC ÂM HÓA ĐÚNG THEO KINH THÁNH, ĐÚNG THEO HỘI THÁNH: SỐNG VỚI DÂN – LÀM DÂN VỚI DÂN – HỌC VỚI DÂN – TÌM CHÚA VỚI DÂN (Giai Đoạn NAZARETH) – TIN NHẬN CHÚA YÊSU LÀ CHÚA ĐỂ NGÀI ĐỔ THẦN KHÍ CHO (KERYGMA) – CẦU NGUYỆN THEO LỜI CHÚA (LECTIO DIVINA) – LOAN BÁO TM VỚI HỘI NHẬP VĂN HÓA. Những điều này chúng tôi không được học biết trước, nhưng chỉ được ban cho theo từng giai đoạn. Tạ ơn Chúa. Xin cám ơn Quí Vị.

Lm Giuse Trần Sĩ Tín, CSsR

(HỘI THẢO UBLBTM-HĐGMVN 29-31/08/2016)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.