Là tù nhân trong chế độ cộng sản vô pháp, phi nhân và không đạo đức đã khổ, tình cảnh của những Tù Nhân Lương Tâm còn khốn cực hơn vì luôn bị phân biệt đối xử và phải chịu những đòn thù. Nhưng họ luôn giữ vững niềm tin, không phản bội lý tưởng mà họ đã dấn thân, đấu tranh cho các quyền cơ bản của con người và các quyền công dân của mình. Khí phách hiên ngang và tinh thần kiên cường của họ vẫn toả rạng dù trong thân xác tàn tạ, dưới tấm áo tù oan nghiệt. Henry David (1817-1862), nhà văn và nhà tư tưởng Hoa Kỳ đã nói: “Khi chính phủ bỏ tù người ta một cách bất công thì nhà tù chính là chỗ cho người công chính”
Ngày càng có nhiều Tù Nhân Lương Tâm từ các lãnh vực xã hội, chính trị và tôn giáo, bất chấp sự phản đối của người dân trong nước và các tổ chức, cộng đồng quốc tế, nhà cầm quyền cộng sản, với quyền lực độc tài độc tôn vẫn hung hăng ngang nhiên đàn áp, bách hại và giam cầm những ai dám thách thức vị thế của họ.
Điều này khiến nhiều người suy nghĩ, thế thì công lý ở đâu? Công bằng ở chỗ nào? Sao chưa thấy sự chiến thắng tất yếu của sự thiện? Sự hy sinh của những người dấn thân ấy hoá ra là vô ích sao?
Những Tù Nhân Lương Tâm đã chọn cho mình một con đường gập ghềnh gian nan, qua đau khổ mới vào trong vinh quang (x.Lc 24,26), không phải là thứ “đường vinh quang xây xác quân thù”. Vì thế, họ chấp nhận cảnh tù tội như một sự thất bại, nhưng là thứ thất bại đáng trân quý.
Dù sự hy sinh của họ chẳng thay đổi được tình hình hiện tại, nhưng họ giữ lại cho mình lòng tự hào dám đứng lên để hình thành một lớp người đòi nhà cầm quyền cộng sản phải “Trả lại đây cho nhân dân tôi, quyền tự do, quyền con người, quyền được nhìn, được nghe, được nói, quyền được chọn chân lý tự do, quyền xóa bỏ độc tài độc tôn…”
Dù chẳng cứu được quê hương khỏi ách nô lệ cộng sản, thân còn bị đày đoạ trong chốn lao tù, nhưng họ không phản bội bản chất và giá trị của họ, đã thể hiện là chính họ trong sự chính trực, khi không thể cam lòng chịu đựng những hành động bạo ngược và sự bất tài của một chính phủ chỉ biết còn đảng còn mình, chứ không vì dân và do dân, chưa bao giờ công nhận người dân là những chủ thể độc lập và cao hơn nhà nước, dù nhà cầm quyền vẫn luôn tuyên truyền rằng, quyền lực và sức mạnh của nhà nước xuất phát từ nhân dân, và ai cũng bình đẳng trước pháp luật. Hành vi phản kháng đó là một hành động Cách Mạng.
Nếu nhìn nhận sự việc dưới nhãn giới của đức tin Kitô giáo thì có khác. Sự chiến thắng bởi những mưu ma chước quỷ, chưa chắc là chiến thắng và sự thất bại nhiều khi lại được hiểu là sự chiến thắng của thập giá nơi những người xác tín mình đang đi theo Đức Giêsu trên con đường thương khó, và thực thi những giá trị tin mừng. Những Tù Nhân Lương Tâm ấy không thành công thì cũng thành Nhân.
Họ không cô đơn trong trận chiến giữa sự thật và sự giả trá, vây quanh họ có rất nhiều người đồng cảm và đồng hành, sẵn sàng bày tỏ sự hiệp thông và sự sẻ chia thật thân thiết. Vì thế, họ được coi như những anh hùng. Sự giam cầm chỉ là sự thử thách tính kiên cường và sự trung kiên. Ngày ra tù của họ tưng bừng chẳng khác gì ngày chiến thắng khải hoàn.
Dùng mọi thủ đoạn để bắt bớ, áp đặt những bản án nặng nề, sử dụng những hình thức bạo hành tinh thần và thể xác, khống chế các quyền công dân, theo dõi sít sao sau khi ra tù để mong khuất phục ý chí những Tù Nhân Lương Tâm, buộc họ từ bỏ con đường dấn thân và hy sinh mà họ đã chọn.
Trong một thế giới đang xoay quanh vật chất và tôn thờ sự hưởng thụ, chi phối những quan niệm sống, lối sống như thể xác định ai là người chiến thắng và đâu là sự thất bại dựa trên vị thế và danh tiếng, đánh giá theo thành công và tầm ảnh hưởng, vinh vang bởi lắm tiền và sự an toàn, thì những Tù Nhân Lương Tâm ấy luôn phải chiến đấu với mặc cảm thất bại dưới con mắt người đời.
Có lẽ với đức tin vào Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá và sự phục sinh của Người từ trong cõi chết, mới có thể giúp họ giữ vững tinh thần lạc quan của người chiến thắng, vượt qua sự hối tiếc vì đã cống hiến tuổi xuân và tìm được giá trị đích thật để tiếp tục theo đuổi.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT