Thái Hà (01.09.2016) – Chúa nhật ngày 4/9 tới, Mẹ Têrêsa Calcutta sẽ được ĐGH Phan-xi-cô tuyên thánh tại Vatican. Nhân sự kiện đó, Truyền thông Thái Hà có cơ hội gặp cô Maria Trần Thị Hường để ghi lại dấu chân của Mẹ trên đất Việt. Cô và cha Giuse Trịnh Hưng Kỷ – giáo sư chủng viện Sài Gòn là người đại diện đón tiếp Mẹ Têrêsa tại sân bay, trong chuyến viếng thăm lần thứ 3 năm 1994. Bài dưới đây có sự tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau để thể hiện bức tranh toàn cảnh về những chuyến viếng thăm của Mẹ đến Việt Nam.
Điểm xuyết cuộc đời Mẹ
Trước những chuyến thăm
Vào tháng 6 năm 1973, Mẹ Têrêsa và cha Andrew đã đã gửi 7 thầy thừa sai bác ái từ Ấn Độ đến Việt Nam để phục vụ. Thời gian đó, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã cho các thầy hai cơ sở để làm việc. Sau khi chính quyền Cộng Sản tiếp quản Sài Gòn năm 1975, các nhà thừa sai đã bị trục xuất và rời đến Phnôm Pênh – Campuchia.
Sau 1975, tình hình về y tế tại Sài Gòn gặp khó khăn. Đội ngũ y bác sĩ giỏi đã tìm cách tản cư. Tình trạng khan hiếm về thuốc men, hỗ trợ y tế xảy ra thường xuyên tại các vùng quê, tỉnh lẻ.
Đức Tổng Phaolô là một người rất yêu mến linh đạo của Mẹ Têrêsa. Trước tình cảnh đó, ngài đã kêu gọi một số y bác sĩ người Công giáo họp thành một nhóm để chữa bệnh miễn phí cũng như giúp đỡ người nghèo. Nhóm đã hoạt động khám chữa bệnh từ thiện và gặp nhau 1 lần/tháng để tĩnh tâm và nghe ngài huấn đức.
5 lần tới Việt Nam và hy vọng “đèn xanh” từ Chính phủ
- Lần thứ nhất: đầu tháng 9 năm 1991.
16 năm sau 1975, Mẹ Têrêsa sang thăm Việt Nam lần thứ nhất từ Campuchia. Sự kiện này đã được đăng tải trên nhiều trang báo lớn như AFP, The Telegraph, Herald Journal. Mẹ đến Việt Nam vào thứ Tư và chuyến viếng thăm dài 3 ngày. Mẹ Têrêsa gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam và ngỏ ý lập dòng Thừa sai bác ái với sứ vụ phục vụ người neo đơn, trẻ em mồ côi, người nghèo. Mẹ cũng đi thăm một cơ sở mái ấm cho người già ở Hà Sơn Bình, cách Hà Nội hơn 40 km và một số địa điểm khác mà chính phủ cho phép.
- Lần thứ hai: 4/11/1993
Trong chuyến đi lần thứ hai, Mẹ dành một tuần tại TP. HCM, làm việc và chia sẻ đời sống với các nữ tu tại giáo xứ Tân Hòa, quận Phú Nhuận. Cùng đi với Mẹ là sơ Mirmala – nay là Bề trên Tổng quyền Dòng Thừa sai Bác ái và cô bác sĩ tên Janette – thành viên trong Tu hội đời của Mẹ.
Ngày 8/10, Mẹ thăm ông Nguyễn Mạnh Cầm – Bộ trưởng Bộ ngoại giao và bà Nguyễn Thị Hằng – Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Nội dung trao đổi vẫn là ngỏ ý để đặt cơ sở của nhà dòng tại Việt Nam với linh đạo chăm sóc người nghèo, người già cả và neo đơn. Tuy không chấp thuận việc lập dòng tại Việt Nam nhưng Chính phủ đã cho phép 5 nữ tu của Mẹ có thể mở một ngôi nhà tại TP HCM và bắt đầu công việc giúp đỡ trẻ em, người nghèo và người già.
- Lần thứ ba: Vào tháng 4 năm 1994.
Trong chuyến thăm lần thứ ba, cô Maria Trần Thị Hường (lúc đó là chuyên viên kinh tế đối ngoại Vụ Tài chính Kế toán của Bộ Năng lượng) cùng cha Giuse Trịnh Hưng Kỷ được Đức cố Hồng Y Giuse Phạm Đình Tụng ủy nhiệm ra sân bay đón tiếp Mẹ Têrêsa. Ấn tượng đầu tiên của cô Maria là sự đơn giản và thánh thiện toát ra từ Mẹ. Theo lời kể của cô, Mẹ Têrêsa mặc một chiếc áo sari vải thô, ba hàng kẻ xanh trên áo nói lên ba lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, cùng áo len tím than mỏng đã bạc màu. Chân Mẹ đi đôi xăng-đan đã cũ và sờn màu. Tay Mẹ thì luôn cầm theo chuỗi tràng hạt.
Sau đó, Mẹ tới gặp Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội, Bộ trưởng Bộ Công An nhưng không được gặp thủ tướng Võ Văn Kiệt (vì Bộ Chính trị không cho phép). Thao thức của Mẹ vẫn là chờ đèn xanh từ chính phủ để lập dòng tại Việt Nam. Tuy nhiên, chính quyền chỉ cho phép Mẹ mở một nhà tình thương nhưng phải do họ quản lý tài chính. Khi đó, Mẹ chia sẻ thẳng thắn với chính quyền rằng: “Tôi không có tiền và cũng không có trương mục ngân hàng. Ai cho tôi tay phải thì tôi cho đi tay trái”.
Cùng với đó, chính phủ cấp visa cho 8 nữ tu Thừa sai Bác ái của Mẹ. Bốn sơ: Joya, Mary Louurdes, Brenda và Glorina chăm sóc các trẻ mồ côi tại số 38 Tú Xương, Quận 3, Sài Gòn. Bốn sơ còn lại là: Collete, Lee Foong. Desiree, Homini thì phục vụ tại trại mồ côi Thụy An, quận Ba Vì, Hà Nội. Trại mồ côi Thụy An, Ba Vì là nơi có cơ sở vật chất nghèo nàn, tồi tệ nhất tại miền Bắc. Các em nhỏ ở trại là trẻ mồ côi và bị tàn tật. Tuy nhiên, sau một tháng có sự hiện diện của các nữ tu, khu nhà ở đã hết mùi khai và hôi thối.
Trong thời gian bốn nữ tu của Mẹ phục vụ tại Ba Vì, Mẹ đã nhiều lần viết thư ngỏ tới Ban Tôn giáo để chuyển cơ sở về trung tâm Hà Nội. Lý do là cơ sở tại Ba Vì cách xa nhà thờ nên các sơ ít có điều kiện tham dự Thánh lễ. Chính quyền không chấp nhận thỉnh cầu của Mẹ nhưng đã cho một chiếc taxi đưa các sơ tham dự Thánh lễ tại Hưng Hóa. Bên cạnh đó, cô Maria Trần Thị Hường cũng thường xuyên ghé qua cộng đoàn và dẫn bốn nữ tu về nhà thờ Thái Hà để cha già Vũ Ngọc Bích giải tội cũng như dự Lễ.
Cô Maria kể, vào những tháng mùa đông rét buốt, thấy các sơ phục vụ tại Ba Vì chỉ đi chân trần với đôi tông Thái Lan, cô Maria Hường đã mua cho các sơ 4 đôi bít tất để đeo giữ ấm. Lần sau, khi cô tới thăm các nữ tu, cô lại thấy các sơ đi chân trần. Khi cô thắc mắc, các sơ mới trả lời rằng: “Bọn trẻ con còn rét hơn tôi. Tôi cho các em tất rồi!”. Khi đó, cô Maria cảm động vì sự hy sinh quên mình của các nữ tu. Cô nói, các nữ tu đang phục vụ chính Đức K-tô.
- Lần thứ 4: Đầu tháng 9 năm 1994
Đầu tháng 9 năm 1994, Mẹ lại qua thăm các nữ tu của mình ở Hà Nội và Sài Gòn. Chuyến thăm lần thứ tư của Mẹ kéo dài trong 10 ngày. Trao đổi với chính quyền, Mẹ vẫn nhấn mạnh đến lòng thao thức được lập dòng tại Việt Nam, đề cập đến 20 chị em người Việt mong muốn gia nhập dòng và bảo lãnh 7 người trong số đó qua Ấn Độ để học tập. Tuy nhiên, câu trả lời vẫn là sự im lặng.
Lần thứ 5: ngày 12 tháng 12 năm 1995
Đây là lần cuối cùng Mẹ ghé Việt Nam. 8 nữ tu của Mẹ đang phục vụ tại Việt Nam buộc phải trục xuất và không một lời giải thích. Ngày 12 tháng 12 năm 1995, Mẹ đáp máy bay sang Việt Nam để xin gia hạn tiếp cho các sơ. Tuy nhiên, chính quyền đáp lại Mẹ bằng việc ấn định ngày 23/12/1995 là lúc các sơ phải rời Việt Nam. Mẹ rất buồn vì những thao thức của Mẹ trên mảnh đất Việt bị chối từ. Lúc đó, Mẹ chia sẻ với chị em trong dòng: “Chúng ta hãy nhận thánh ý Chúa, tìm hiểu thánh ý Ngài muốn chúng ta làm gì?” Sau hơn 20 tháng phục vụ tại Việt Nam, các nữ tu của Mẹ đã để lại dấu ấn đậm trong lòng người. Cô Maria Hường kể, chính giám đốc trung tâm mồ côi Thụy An nói khi chia tay bốn sơ: Người bị trục xuất khỏi trung tâm này phải là tôi chứ không phải các sơ! Có lẽ, hình ảnh phục vụ vô vị lợi nơi nữ tu đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng mọi người. Đó là những vết khắc, chạm trổ trong lòng người mà mọi thế lực không thể “đuổi đi” được.
Dấu ấn để lại
Vì nhiều chị em người Việt cũng chưa được bảo lãnh qua Ấn Độ để theo chương trình đào tạo của Dòng, Mẹ Têrêsa đã viết thư gửi Đức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi – Giám quản Tông tòa Địa phận Sài Gòn để ngài cho phép chị em thành lập dòng mang tên Thừa sai Bác ái Chúa Ki-tô. Hội dòng sẽ sống theo hiến luật, linh đạo của dòng Mẹ Têrêsa tại Ấn Độ. Mẹ Têrêsa đã nói với chị em trong dòng: “Khi nào Dòng Mẹ được trở lại Việt Nam, nếu các con muốn sát nhập vào Dòng Mẹ, Dòng luôn mở rộng đón các con”.
Năm 1995, Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Ki-tô có 30 chị em. Cho tới nay, hội dòng đã có hơn 120 chị em gồm 58 khấn sinh, 23 tập sinh và trên 40 thỉnh sinh. Sứ mạng của dòng là: Chầu Thánh Thể hàng ngày và phục vụ vô vị lợi cho những người nghèo nhất trong những người nghèo. Mục đích: Làm vơi cơn khát vô tận của Chúa Giê-su trên Thánh giá vì yêu các linh hồn. Tinh thần của dòng: Sống hoàn toàn phó thác, tin tưởng, yêu thương và tràn đầy niềm vui như đã được sống bởi Chúa Giê-su và Mẹ Maria trong Phúc Âm.
Hiện nay, trụ sở chính của hội dòng đặt tại 428 Huỳnh Văn Bánh, phường 14, quận Phú Nhuận, Sài Gòn. Nhiều cơ sở khác của dòng tại giáo phận Phú Cường, tại Pháp và Mỹ được thành lập với tinh thần phục vụ người nghèo, người già và neo đơn, người nhiễm HIV, trẻ em mồ côi và các cô gái lầm lỡ…
Những con số, hình ảnh của sự dấn thân phục vụ người nghèo – hiện thân sống động của Đức Ki-tô là những ghi ấn của Mẹ Tê-rê-sa trên mảnh đất Việt Nam. Cho dù, những mong muốn của Mẹ chưa được thực hiện một cách công khai nhưng đã phần nào len lỏi, nảy mầm trên dải đất hình chữ S. Sắp tới, Mẹ Tê-rê-sa được phong hiển Thánh, chúng ta cùng hiệp lời cầu xin để qua Mẹ Tê-rê-sa, Chúa sẽ tiếp tục thực hiện ước nguyện của ngài trên quê hương Việt Nam dấu yêu.
An Duyên, Truyền thông Thái Hà
(tổng hợp và theo lời kể của cô Trần Thị Hường, Thái Hà)