Với việc dỡ bỏ dần các hạn chế vì đại dịch coronavirus kinh hoàng, các mục tử đang chờ đợi được chào đón trở lại các tín hữu. Các ngài nên suy nghĩ lại về lịch trình giải tội của mình – và bắt đầu nói nhiều hơn về bí tích này trên bục giảng. Tờ Catholic Philly đã đưa ra lập trường trên.
Meghan Cokeley, Giám đốc Ủy Ban Tân Phúc Âm Hóa của Tổng giáo phận Philadelphia, nhận định rằng việc thiếu thời gian thuận tiện cho bí tích hòa giải, cùng với sự hiểu biết kém cỏi về tầm quan trọng của bí tích này, đã dẫn đến sự suy giảm trong việc đón nhận bí tích hòa giải và cả việc tham dự thánh lễ nói chung.
“Tội lỗi là một thứ cholesterol thiêng liêng gây ra sự tắc nghẽn các động mạch của Giáo Hội. Đây là một thực tại thiêng liêng ít ai chú ý, nhưng nó thực sự giải thích lý do tại sao ngày càng có rất ít người tham dự vào cuộc sống của Giáo Hội.”
Bà Cokeley nói rằng nhiều tầng lớp tín hữu cho biết truyền thống xưng tội vào Chiều Thứ Bảy “là một khó khăn đối với nhiều người, đặc biệt là các gia đình trẻ.”
Những người trả lời một cuộc khảo sát của Cokeley cho rằng các buổi sáng Chúa Nhật và các ngày trong tuần thuận lợi hơn cho nhiều người muốn đón nhận bí tích.
Một nghiên cứu của Trung Tâm Nghiên Cứu Ứng Dụng Trong Các Hoạt Động Tông Đồ, gọi tắt là CARA, cho thấy vào năm 2005, 42% người Công Giáo trưởng thành nói rằng họ không bao giờ đi xưng tội, con số này đã tăng lên 45% trong cuộc thăm dò tiếp theo vào năm 2008 của CARA. Nghiên cứu vào năm 2008 cũng cho thấy 30% các tín hữu đã không giữ luật phải xưng tội ít nhất một lần trong một năm.
Kết quả từ một cuộc khảo sát của Pew Research vào năm 2015 cho thấy một tiến bộ đáng khích lệ, nhưng vẫn chỉ ra “sự lạnh nhạt đối với bí tích hòa giải.”
Nhưng dữ liệu thực sự gây choáng váng cho Cokeley đến từ một nghiên cứu kéo dài trong 5 năm của Catholic Leadership Institute có trụ sở tại Malvern. Nghiên cứu này được thực hiện trên 17, 000 người Công Giáo thực hành đạo từ các khu vực trong tổng giáo phận Philadelphia.
“75% trong số những người tham dự vào nghiên cứu này báo cáo rằng họ đi xưng tội một lần hoặc cùng lắm hai lần trong một năm. Gần 30% nói họ chưa bao giờ đi xưng tội. Và họ là ai: Thưa đây là những người thường xuyên dự lễ… là những nhà lãnh đạo các thừa tác vụ của chúng ta, là các thành viên Hội đồng giáo xứ, hay ủy ban tài chính giáo xứ.”
Theo Cokeley vấn nạn này tấn công đến cốt lõi của chính đức tin.
“Tin Mừng là lời mời gọi hoán cải, quay lưng lại với tội lỗi và trung tín với Tin Mừng. Như thế, chúng ta đang thực sự thiếu sót ngay tại trung tâm của đức tin Công Giáo”.
Một phần của vấn đề, cô nói, là do một “hình thái đạo Công Giáo rất thoải mái” đang chiếm ưu thế trong các giáo xứ và trong nền văn hóa nói chung.
“Chủ nghĩa cá nhân và sự tự khẳng định mình cũng là các nguyên nhân, và chúng có những hậu quả xã hội sâu sắc.”
“Nếu chúng ta không thường xuyên đương đầu với tội lỗi của chúng ta, chúng ta sẽ không có những phản ứng lành mạnh này đối với những sự ác mà chúng ta đang thấy xung quanh chúng ta.”
Đặng Tự Do