Thường thường các tu sĩ được định nghĩa như là người khấn khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời. Nhưng mà tại sao có những người đi tu tận hiến mà không có lời khấn, thí dụ như các tu hội đời? Có cần phải khấn mới trở thành tu sĩ không?
Trong tiếng Hán Việt, chữ khấn tự nó chỉ có nghĩa là cầu xin (khấn nguyền, khấn cầu). Có người cho rằng nó bắt nguồn bởi tiếng “khẩn” là thành thật. Khấn thường đi kém với hứa. Hứa thì thêm tư tưởng “hẹn” (hứa hẹn). Khấn hứa vừa bao gồm việc cầu xin, vừa hẹn sẽ tạ ơn nữa. Thiết tưởng nên ghi nhận là việc khấn hứa được dành riêng cho thế giới thần linh (cầu Trời khấn Phật) chứ không áp dụng cho xã hội loài người. Chúng ta có thể lấy một thí dụ từ đời sống hàng ngày, khi một người phải đương đầu với một khó khăn nào đó (thí dụ: sinh viên sắp đi thi, bệnh nhân sắp bị mổ, thương gia sắp lên đường kinh doanh), thì họ đến cầu khấn Chúa, (hay đức Mẹ, hay một vị thánh nào đó) giúp đỡ và hứa rằng nếu vượt qua được thì sẽ tạ ơn. Quan điểm này khá gần gũi với quan điểm “votum” trong tiếng La-tinh cổ điển. Động từvovere có nghĩa là bày tỏ ước nguyện lên các đấng thần linh, kèm theo lời hứa sẽ thực hiện một công việc gì đó. Ta thấy hàm chứa một tương quan khế ước trong đó: nếu thần linh ban cho tôi được ơn này, thì tôi sẽ tạ lễ như thế này; dĩ nhiên là nếu thần linh không ban ơn thì tôi cũng không bị ràng buộc gì hết. Thế nhưng, đến khi thánh Tôma Aquinô suy luận về bản chất của lời khấn thì ngài đã sửa lại quan điểm khế ước về lời khấn, nghĩa là chỉ giữ lại khái niệm về lời hứa sẽ thực hiện điều gì đó, chứ không đặt điều kiện là phải nhận được ơn lành. Quan điểm thần học của thánh Tôma được bộ giáo luật lặp lại ở điều 1191: “khấn (votum) là hứa với Thiên Chúa sẽ thực hiện một điều tốt”. Mình hứa với Thiên Chúa sẽ thực hiện một điều tốt bởi vì mình muốn bày tỏ lòng kính mến Chúa, muốn tiến trên con đường trọn lành, chứ không phải chỉ vì muốn đút lót để xin Ngài làm ơn cho mình. Dù sao, đó là nói trên nguyên tắc trừu tượng. Trên thực tế, có nhiều cấp độ mà chúng ta khấn hứa với Thiên Chúa. Chúng ta có thể hứa sẽ làm một công tác nào cụ thể (thí dụ kiêng hút thuốc, kiêng xem tivi, ngày thứ sáu; hứa sẽ đi lễ hàng ngày); nhất là chúng ta có thể hứa sẽ dâng trót mình phụng sự Chúa.
Thế nào là dâng trót mình phụng sự Chúa?
Thực ra không dễ gì mà phát biểu được nội dung việc dâng trót mình phụng sự Chúa. Giáo luật phải mất gần 13 thế kỷ mới cô đọng thành công thức ba lời khấn. Trong các thế kỷ đầu tiên, các trinh nữ và các nhà khổ hạnh biểu lộ sự tận hiến cho Chúa qua việc độc thân (không lập gia đình), khổ hạnh, cầu nguyện, làm việc bác ái. Sang thế kỷ IV, với các bản luật đời đan tu, nội dung của sự tận hiến được phát biểu như là: độc thân, từ bỏ tài sản, cầu nguyện. Luật thánh Augustinô thêm việc sống trong cộng đoàn. Các đan sĩ Biển đức thì khấn hứa ba điều: vĩnh cư (không lang thang nay đây mai đó), hoán cải và vâng phục bề trên. Đến thế kỷ XIII, nội dung của việc cam kết vẫn còn thả nổi, chẳng hạn như dòng Đaminh chỉ hứa vâng lời bề trên theo hiến pháp; còn dòng Phan sinh thì cam kết khiết tịnh, từ bỏ tư sản và vâng lời. Phải chờ đến cuối thế kỷ XIII thì Giáo hội mới buộc các tu sĩ tuân giữ ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời. Thánh Tôma Aquinô giải thích rằng ba lời khấn đó diễn tả việc dâng hiến những gía trị cao qúy nhất của con người: qua lời khấn khó nghèo, ta dâng những tài sản vật chất; qua lời khấn khiết tịnh, ta hiến dâng thân xác; qua lời khấn vâng phục ta hiến dâng ý chí tự do. Thế nhưng nhiều dòng tu vẫn chưa hài lòng với ba lời khấn đó, vì thế mà họ thêm lời khấn thứ tư.
Nội dung của lời khấn thứ tư là gì?
Theo các sử gia, Dòng đầu tiên thêm lời khấn thứ tư là bản luật thánh Clara năm 1259, thêm lời khấn tuân giữ nội vi, mở màn cho chế độ các nhà kín. Số dòng thêm lời khấn thứ tư tăng gia vào thế kỷ XVI, vào thời cải tổ Giáo hội. Một vài dòng thêm lời khấn ràng buộc sống nhiệm nhặt hơn, thí dụ: không nhận bổng lộc địa vị, kiêng thịt suốt đời. Một vài dòng khác thì thêm lời khấn thứ tư với mục đích làm nổi bật hơn mục tiêu tông đồ của dòng mình, chẳng hạn như: phục vụ người nghèo, phục vụ các bệnh nhân, rời bỏ quê hương đi truyền giáo. Sở dĩ họ thêm lời khấn thứ bốn là vì họ thấy rằng công thức cổ điển về ba lời khấn có ít là hai điều thiếu sót. Điều thiếu sót thứ nhất là nó chưa đủ để giúp cho tu sĩ đạt được sự hoàn thiện. Thử hỏi như một tu sĩ rất khiết tịnh, rất khó nghèo, rất vâng lời, nhưng mà tính gắt gỏng, hay gây gỗ, chểnh mảng cầu nguyện, thì đã phải là tu sĩ gương mẫu chưa? Điều thiếu sót thứ hai là ba lời khấn chỉ mới nhắm đến sự hoàn thiện bản thân chứ chưa đả động đến sứ vụ tông đồ, phục vụ Nước Chúa. Nói tóm lại, ba lời khấn cổ điển chưa diễn tả hết được ý muốn dâng hiến trọn đời cho Chúa.
Có những dòng thấy ba lời khấn chưa đủ để diễn tả ước muốn dâng hiến trọn đời cho Thiên Chúa cho nên thêm lời khấn thứ tư. Có dòng khác thì tăng thêm lời khấn trọng thể, có phải vậy không?
Bộ giáo luật hiện hành còn nói đến lời khấn trọng thể ở điều 1192, khoản 2, nhưng không giải thích ý nghĩa của nó. Muốn biết giá trị của lời khấn trọng thì phải trở về với bộ luật cổ điển, về sự phân biệt giữa lời khấn trọng với lời khấn đơn. Sự phân biệt này không dựa trên hình thức tổ chức linh đình bên ngoài (khấn trọng không có nghĩa là tổ chức rùm beng), nhưng là dựa trên hiệu quả pháp lý, cách riêng về hậu quả của lời khấn khó nghèo và khiết tịnh. Đối với lời khấn khó nghèo, khi khấn trọng người ta khước từ không những việc sử dụng tài sản mà khước từ luôn cả quyền thủ đắc tài sản; còn khi khấn đơn thì chỉ khước từ quyền sử dụng mà thôi.
Tại sao lại đặt ra sự phân biệt như vậy?
Nhiều hoàn cảnh khác nhau đã đưa tới sự phân biệt này. Nói được là từ đầu cho đến thế kỷ XVIII, các tu sĩ đều khấn trọng, nghĩa là đối với sự khó nghèo, họ khước từ cả quyền sử dụng lẫn quyền sở hữu. Nhưng các cuộc cách mạng chính trị bên Âu châu (khởi đầu với cuộc cách mạng 1789 bên Pháp) không nhìn nhận giá trị của sự khước từ đó, vì cho rằng tư hữu là quyền tự nhiên bất khả xâm phạm, bất khả chuyển nhượng. Một cách tương tự như vậy, hôn nhân cũng được coi như là một quyền bất khả chuyển nhượng, vì thế lời khấn khiết tịnh không có giá trị tiêu hôn. Trong bối cảnh chính trị như vậy, các dòng tu nam nữ được thành lập từ thế kỷ XIX chỉ còn lời khấn đơn chứ không có lời khấn trọng nữa.
Tại sao có những dòng không có lời khấn?
Nguồn gốc của vấn đề này khá phức tạp, vừa bắt nguồn từ những hoàn cảnh chính trị bên Âu châu, vừa bắt nguồn từ những yếu tố trong nội bộ Giáo hội. Xét về những hoàn cảnh chính trị thì như vừa nói, từ thế kỷ XVIII, tại Âu châu và Mỹ châu, nhiều lần chính quyền cấm thiết lập các dòng tu. Vì thế các tu sĩ không thể tổ chức quy củ với các cơ chế cổ truyền; họ tụ họp dưới dạng của hiệp hội, thỉnh thoảng gặp nhau để nâng đỡ tinh thần. Đây là nguồn gốc của vài tu hội đời. Xét về nội bộ Giáo hội, ta thấy có những người khấn dòng mà không chịu giữ lời khấn hay chỉ giữ hình thức. Vì thế, vào thời cải cách công đồng Trentô, một vài vị sáng lập quyết định kêu gọi các thành viên hãy cam kết tiến trên đường trọn lành dựa theo thiện chí chứ không dựa trên nghĩa vụ giáo luật. Đây là nguồn gốc của vài tu đoàn tông đồ, tựa như dòng Oratorio của thánh Philip Nêri, dòng Thừa sai của thánh Vinh sơn Phaolô, dòng Xuân bích. Riêng đối với nữ giới thì có một lý do khác, đó là các nữ tu có lời khấn thì buộc phải sống trong nội vi. Vì thế, những dòng nào muốn làm việc bác ái tông đồ thì không tuyên khấn. Trường hợp điển hình là các nữ tử bác ái của thánh Vinh sơn. Các chị em Dòng Mến thánh giá và Đaminh tại Việt Nam cho đến giữa thế kỷ XX cũng không có lời khấn vì lý do tương tự. Những dòng không có lời khấn thì thay thế bằng lời hứa với Chúa, hoặc cam kết trước mặt cộng đoàn, hoặc lời thề. Sự phân biệt này chỉ khác nhau về giá trị pháp luật, chứ trên thực tế, các phần tử đều cam kết giữ ba lời khuyên Phúc âm. Đây cũng là sự phân biệt đáng kể được du nhập từ công đồng Vaticanô II, tức là giữa 3 lời khấn và 3 lời khuyên. Trước đây các tu sĩ được đồng hóa với những người khấn khiết tịnh, thanh bần, vâng lời. Trong bộ giáo luật hiện hành, người ta đồng hóa đời sống tận hiến với việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm. Còn hình thức tuân giữ chúng thì thay đổi theo dạng thức của đời tu trì: các dòng tu thì chấp nhận với lời khấn công. Các tu hội đời, các ẩn sĩ thì chấp nhận với lời khấn bán công, hoặc lời hứa lời thề. Các tu đoàn tông đồ cũng vậy.
Thế nào là khấn công? Thế nào là khấn tư?
Khấn công hay khấn tư không cốt ở chỗ khấn công khai hoặc khấn chui! Lời khấn được gọi là “công” khi được giáo luật nhìn nhận giá trị như vậy (chiếu theo bộ giáo luật điều 1192). Việc chước chuẩn phải theo một thủ tục do giáo luật ấn định. Còn các lời khấn tư có giá trị đối với lương tâm, và tùy trường hợp có thể được cha xứ miễn chuẩn (chiếu theo giáo luật số 1196). Tuy nhiên, các nhà giáo luật còn phân biệt các cấp độ khác nữa, chẳng hạn như “bán công”. Dù sao, càng ngày người ta càng ý thức rằng cần phân biệt giữa thực chất vấn đề và hình thức pháp lý. Thực chất vấn đề là việc đi theo Chúa Giêsu, và đây là cốt yếu của đời tận hiến. Còn các hình thức pháp lý thì có thể thay đổi tùy thời tùy nơi. Có thể một người không khấn hứa gì hết, nhưng mà thực hành các lời khuyên phúc âm. Chắc chắn là Chúa hài lòng với họ hơn nhiều.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.