Những con Thú, con Chim, con Cá… thuộc những Loài càng mạnh mẽ của Tự nhiên có vẻ như càng có sự ‘tự trọng’ rất cao : chúng không tranh ăn với con thú nhỏ (điều đó thậm chí không thể xảy ra với ‘đẳng cấp Loài’ của nó ), không ngồi không ăn bám vào ‘lao động’ của những con thú nhỏ, hay như bọn sinh vật kí sinh luôn hút máu mủ Thân Chủ, Vật Chủ. Đến khi già yếu quá, những con Thú một thời dũng mãnh ấy bỏ đi sâu vào rừng thẳm mà nằm gục chết ở nơi rất khó phát hiện ra nó: không muốn con vật khác nhìn thấy nó trong hình ảnh đã mất đi sự uy dũng ngày xưa. Bọn trẻ con khi chưa là người Dũng Mãnh, nói chung là đã có lòng tự trọng khi đi học thể hiện ở chỗ tuân thủ, tự giác, không quay cóp, biết xấu hổ khi sai…
Trong Tiểu thuyết rất nổi tiếng: Không Gia Đình, một Nghệ sĩ lừng danh Châu Âu, đã bị bệnh tật lấy đi mất giọng ca tuyệt vời. Ông không cố kiết đòi được tham gia biểu diễn hoành tráng như xưa…đổi tên tuổi, mai danh ẩn tích. Nhưng tình yêu Nghệ thuật và tấm lòng cao cả nhân hậu không bao giờ nguội tắt. Ông đã truyền thụ điều đó cho cậu bé Remi và đến cả 3 chú Chó, cùng Khỉ Jolicơ trong gánh xiếc rong của mình. Đến mức chú Khỉ đó khi bị viêm phổi cấp cũng biết từ chối sự hưởng thụ mà đòi người ta mặc cho đồng phục Nguyên Soái, biểu diễn cùng gánh nhạc xiếc thân yêu của mình, không được toại nguyện chú chết như một vị tướng đầy tự trọng . Đến lượt ông kiệt sức chết vùi trong đêm tuyết lạnh bên đường, nhưng đã nhường lại hơi ấm cuối cùng cho cậu bé Remi thân yêu.
Tô Tần, người giữ ấn Tướng Quốc của 6 nước Chư hầu trong chiến lược liên minh ‘Hợp Tung’ thời Xuân Thu Chiến Quốc, lừng lẫy uy danh chức quyền đến vậy mà đi đâu cũng khiêm nhường, cung kính với dân chúng. Trong khi anh đánh xe ngựa của Ông ấy lại cậy cái chỗ làm việc của mình bên cạnh Tô Tần mà đi đâu cũng lên mặt hách dịch, đòi hỏi miếng ăn không biết đến sự khinh ghét của dân chúng. Vợ anh ta biết vậy thấy xấu hổ mà đòi li dị. Mới biết lòng tự trọng không có giới tính, mà có ở những con người biết đến liêm xỉ mà thôi. Người ta thấy rất nhiều công chức nhỏ thời nay ‘nịnh thối’ cấp trên với dáng vẻ rất thảm hại nhưng ngoắt cái chất chưởng, bố láo với dân chúng đến mức khiến mặt vợ của họ trở nên biến đổi từ tần tảo sang phì nộn, từ đoan trang sang ăn nói tráo trở như như ‘Tú Bà’ buôn quan hệ.
Một số ca sĩ ngôi sao tên tuổi, một thời lừng lẫy thế giới Show Biz với hàng chục vạn người hâm mộ, định kì biểu diễn tại những sân vận động lớn chật kín người… rồi cũng đến lúc hết thời … Họ buồn ghê lắm…Sau đó nhiều khi có những ông Bầu gom được cả nghìn người mua vé xem biểu diễn đến mời họ tham gia cho xôm trò, nhưng họ chấp nhận cuộc sống thiếu thốn hơn mà từ chối với âm thầm niềm kiêu hãnh ngày xưa…đó không nên hiểu là ‘chảnh’ mà thực ra là họ tự trọng đấy thôi. Họ không muốn đứng sau, ăn theo người khác, không muốn ai thương hại ban phát cho họ, báo chí tọc mạch và tự thấy xấu hổ nếu ai gọi họ bằng những danh hiệu xưa họ có. Thực ra cũng là một cách mai danh ẩn tích. Không như nhiều Nghệ sĩ có được danh hiệu không hẳn là vì Nghệ thuật, nhưng đã xộc xệch lắm, hát đã chán lắm, những bài hát của một thời giờ đã lạc lõng lắm…cứ nhoi nhoi giằng lấy micro nhảy lên sân khấu…
Có nhà Thơ rất được mến mộ bởi những áng thơ Tình thấm đẫm trái tim con người…Ai cũng cho rằng dường như ông thấu hiểu , thấu đạt đến mọi điều Nhân sinh. Ây vậy mà khi được mời đến dự sinh nhật một đứa bé cháu người bạn, gia đình họ long trọng đề nghị ông làm một bài thơ ngắn tặng cháu bé. Ông từ tốn đáp lời từ chối : tôi thực ra ngoài Thơ ra lối sống cũng không được tốt, thiếu cái chuẩn mực của của một đấng đến tuổi làm cha làm ông, tôi vốn không có duyên chơi với con trẻ và chả hiểu biết mấy tâm tính của chúng. Cháu của Bạn đây lần đầu tôi gặp, trong ngày lễ sinh nhật này nên nói điều hay ý đẹp chân thực từ đáy lòng và bởi phẩm cách đáng trọng trong cư xử thường nhật của người ruột thịt. Tôi đã không có cái hay đó để thực hiện nổi đề nghị của bạn, nên xin mọi người cứ vui tự nhiên như buổi lễ đang có mà tôi được hạnh phúc chứng kiến. Nhà Thơ đó thật ý nhị và rất tự trọng. Không như một số nhà văn thơ khác thực là ‘ăn mày dĩ vãng’ hoặc không sáng tác nổi, nhảy sang kiếm cơm linh tinh ở những lĩnh vực rất xa lạ, toàn thất bại và đầy tai tiếng
Có Thày giáo gia cảnh không lấy gì làm dư dả, sống bằng đồng lương đi dạy học. Nhưng đến khi được tổ chức nào đó mời, thường từ chối chỉ vì họ đọc được rằng thực chất những buổi học đó chỉ là giải ngân tiền dự án cho xong chuyện, những người được mời đến học chỉ dự cho đủ mặt để đánh trống ghi danh, hay muốn hóng hớt nghe được những mẩu thông tin ‘kì bí’, hoặc chỉ dự, thậm chí rất đông khi buổi học, hội thảo đó có các cơ quan truyền thông, có các vị tai to mặt lớn, có vài người nổi danh để họ có vẻ quan trọng theo. Tôi biết những Thày giáo đầy tự trọng, không như đại đa số đồng nghiệp trình độ kém cỏi, cố tình làm khó thi cử và giả lả, chớt nhả với Học viên để đòi ăn chơi và nhận phong bì. Đa phần những kẻ như thế về hưu rồi, thực chả còn năng lực gì nhưng vẫn dựa vào danh hão, cánh hẩu mà tham gia dự án này chương trình khác hết cả chỗ của các trí thức trẻ cần có sân chơi và thể hiện nghề nghiệp. Họ tự nhận là ‘cây Đa cây Đề’ mà thực chất là ‘Cây Rau Muống sống lâu’
Không hiếm các Tổng Giám đốc, các chính khách biết tự từ chức khi làm không trọn bổn phận, hay trong tổ chức mình xảy ra sự cố không mong muốn. Thậm chí Bộ trưởng Bộ Lao động Xã hội Nhật Bản vừa lên chức được 2 tháng, trước vụ việc khai man và mất hồ sơ người về hưu hưởng lương ngân sách ( do từ các đời Bộ trưởng khác để lại ) nhưng nhận trách nhiệm mà từ chức vì lí lẽ rất đơn giản : khi anh ứng cử vào vị trí đó anh đương nhiên phải nghiên cứu, tiếp nhận mọi vấn đề từ quá khứ để lại và tiếp tục đề ra giải pháp cho nó. Đó là sự tự trọng rất chính trực chứ không nhiều chính khách, Tổng giám đốc mặt trơ trán bóng lì lợm nói tại diễn đàn quan trọng cả nước rằng : sự cố đó là từ thời người tiền nhiệm nên vô can. Hay như Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc từ chức vì vụ gây hấn bất ngờ của Bình Nhưỡng bắn pháo lên Đảo biển làm chết dân thường và binh lính nước mình , chứ không như nhiều quan chức vô lương tâm vẫn níu giữ ghế khi công dân mình bị nước ngoài bức hiếp vô lối sờ sở , vẫn có thể nhăn nhở đi giao lưu đây đó phát ngôn các giá trị to tát
Người ta biết đến Thủ Tướng Quốc Vụ Viện Trung Quốc Chu Dung Cơ, sau khi nỗ lực làm tuyệt vời sứ mệnh cao cả của mình ở cương vị đó với Đất nước với câu nói nổi tiếng ‘Hãy chuẩn bị cho tôi 100 viên đạn và 100 cỗ quan tài, 99 cái tôi giành cho cải cách còn 1 cái sẽ giành cho chính tôi’. Ông đã về hưu, an nhiên tự tại ở một nơi rất xa Thủ Đô, với phong cảnh Đất Trời tuyệt đẹp để vui thú với những đam mê văn hóa ‘Thư pháp’ mà xưa bận rộn ông không có thời gian. Tuyệt không bàn đến chính sự hay dòm ngõ can thiệp vào đương sự, không kể lể về những bí bách khi đương chức. Thật là tự trọng thay. Ngẫm lại bao nhiêu chính khách khác khi đương chức thực là hèn lắm, chả làm nổi trò trống gì. Khi hạ cánh cảm thấy không còn gì để mất nữa và dựa vào cái tuổi ai cũng ngại động vào nên bàn soạn chuyện chính trị vẫn như kiểu ‘lựa cỗ mà ăn’ thôi nhưng làm rối trí Thiên hạ. Nhưng bảo họ viết hồi kí đi thì tịnh không dám, đơn giản là kiểu gì họ cũng có dám nói thật đâu ?!
Tự trọng là thuộc tính chung cần có ở mọi người, vốn ảnh hưởng tự nhiên từ cư xử của người Lớn ( theo nghĩa tuổi tác và chức vụ ) mà củng cố dần hay bị mất đi. Trên đây mới chỉ là đôi nét điển hình thôi, chứ thực tiễn về điều này thì vô vàn ví dụ hay dở. Tất nhiên chúng ta hướng tới hình thành lòng Tự trọng dựa trên liêm chính, chính trực và trách nhiệm trong các quan hệ xã hội.
Nguyễn Tất Thịnh
Nguồn: chungta.com