Tân tòng yêu mến Đức Mẹ

TÂN TÒNG YÊU MẾN ĐỨC MẸ

Một trong các văn sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ 20 viết về Đức Trinh Nữ Maria là Raïssa Oumansoff, một người theo Do Thái giáo. Raïssa Oumansoff sinh ra ở Đế quốc Nga, bà di cư sang Pháp cùng gia đình và theo học tại Sorbonne. Tuyệt vọng trước sự trống rỗng của chủ nghĩa duy vật, niềm đam mê tìm kiếm chân lý đã đưa bà đến với Giáo hội Công giáo. Sự cải đạo của bà, cùng với sự cải đạo của chồng, ông Jacques Maritain, báo trước một thời kỳ phục hưng của tư tưởng Kitô giáo trong thế kỷ 20. Các tác phẩm của Raïssa thấm đẫm chất thơ duyên dáng và tầm nhìn thần học sâu sắc, bộc lộ một tâm hồn nhiệt thành sùng kính Đức Trinh Nữ Maria.

Raïssa miễn cưỡng chuyển sang sùng kính Đức Mẹ. Một lần nọ, trong cơn bệnh trước khi cải đạo, Raïssa được Jeanne Bloy (vợ của tác giả Léon Bloy người Pháp) đến thăm, Jeanne đeo ảnh Đức Mẹ Làm Phép Lạ (Miraculous Medal) trên cổ. Raïssa nói rằng ban đầu có phần khó chịu trước sự áp đặt, nhưng bà nói: “Trong giây lát, và không thực sự nhận ra mình đang làm gì, tôi đã tin tưởng cầu xin Đức Trinh Nữ, rồi chìm vào một giấc ngủ êm dịu và chữa lành.”

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

Raïssa nhanh chóng trở nên rất thân thiết với Đức Trinh Nữ Maria. Mô tả một ngày được đánh dấu bằng niềm an ủi lớn lao trong lời cầu nguyện, bà viết: “Tôi tràn ngập cảm giác thân thuộc với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu, với Mẹ Maria. Tôi đã khóc vì vui mừng. Như thể có một dòng suối bất tận của niềm vui, sự ngọt ngào, niềm hạnh phúc trào dâng trong tôi, nó kéo dài rất lâu, và ký ức về nó vẫn không hề phai nhạt.” Lời cầu nguyện của Raïssa được đánh dấu bằng cảm giác gần gũi và dịu dàng của Thiên Chúa, đặc biệt qua Đức Trinh Nữ.

Mối quan hệ của Raïssa với Đức Trinh Nữ Maria vừa là nguồn an ủi vừa là điểm tựa thần học. Trong nhật ký, Raïssa chia sẻ những suy tư sâu sắc cho thấy lòng sùng kính Đức Mẹ sâu sắc của bà: “Kể từ buổi sáng, tôi dường như cảm nhận được sự hiện diện của Đức Trinh Nữ.” Sự gần gũi với Đức Mẹ là biểu tượng cho nền linh đạo rộng lớn hơn của Raïssa, bao gồm việc chiêm niệm để thăm dò chiều sâu của sự khôn ngoan. Đối với Raïssa, “ân sủng của Chúa Kitô hỗ trợ chúng ta trong việc chiêm niệm – công nghiệp của Đức Maria cũng vậy.” Bà coi Đức Trinh Nữ Maria là bậc thầy về chiêm niệm, Đấng cùng với Chúa Giêsu là mẫu mực và là Đấng Trung Gian.

Các bài viết của bà thường đề cập Đức Trinh Nữ Maria, không chỉ là Mẹ Thiên Chúa mà còn là mẫu mực của tinh thần môn đệ hoàn hảo và niềm tin tưởng vào Thánh Ý Thiên Chúa. Khi Jacques đấu tranh để định hướng lại sự nghiệp triết học của mình, Raïssa suy ngẫm về sự cần thiết phải lựa chọn Chúa trong việc ra quyết định của họ. Bà đặt niềm tin vào Đức Mẹ: “Đối với chúng tôi, bí tích Thánh Tẩy là một trong những khoảnh khắc đó. Giờ đây chúng tôi phải mạo hiểm nhiều thứ vì yêu mến Đức Trinh Nữ.” Raïssa đã noi theo lòng can đảm của Đức Trinh Nữ Maria và dũng cảm tiến về phía trước trong cuộc sống, cố gắng làm theo ý Chúa.

SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ

Lòng sùng kính của bà đối với Đức Mẹ cũng hình thành sâu sắc quan điểm của bà về đau khổ và lòng trắc ẩn. Trong những suy tư của Raïssa, Đức Mẹ thường là sự hiện diện đầy an ủi trong những lúc khó khăn, giữ vai trò như ngọn hải đăng của niềm hy vọng và sự kiên cường. Trong một lần vợ lâm bệnh, Jacques kể lại rằng Raïssa đã mô tả Đức Trinh Nữ Maria “cúi xuống bên bà một cách nhân từ” mặc dù bà đang đau khổ tột cùng.

Đức Trinh Nữ Maria không chỉ là chủ đề trong các tác phẩm của Raïssa, mà còn là ánh sáng dẫn đường soi sáng con đường đức tin và triết học của bà. Chúng ta phải biến tình yêu của Raïssa dành cho Đức Mẹ thành của chúng ta. Raïssa viết trong nhật ký: “Cả Thiên Đàng đều nhìn Mẹ với ánh mắt thích thú. Mẹ vui mừng trước đôi mắt say mê của Thiên Chúa.”

Các bạn thân mến, hãy hướng về Đức Mẹ trong Tháng Năm này. Đức Mẹ đã dành cho Raïssa, và bây giờ dành cho chúng ta, Mẹ của chúng ta là mẫu gương và niềm vui của chúng ta!

LM. PATRICK BRISCOE

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ OurSundayVisitor.com)