Thánh Anphongsô là một nhà trí thức lớn của giáo hội. Điều đó là rõ ràng khi nhìn vào khối lượng công trình đồ sộ của ngài với hơn 100 tác phẩm được xuất bản, và lại càng hiển nhiên hơn khi nhớ đến chi tiết Hội Thánh nâng ngài lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh.
Anphongsô ghi danh mình trên bảng vàng của thế giới khoa bảng bằng những đóng góp về tri thức bắt nguồn trực tiếp từ thực tiễn cuộc sống, những vấn đề cấp bách đòi hỏi những câu trả lời rốt ráo từ các nhà thần học. Những suy tư mà ngài đụng tới đều xuất phát từ những trăn trở trong quá trình mục vụ. Vì thế mà các tác phẩm, nhất là các công trình thần học luân lý của Anphongsô, đều rất thực tiễn. Ngài viết không phải để thỏa mãn sở thích cá nhân, viết chỉ để mà viết, nhưng là vì mối bận tâm cho ơn cứu rỗi của các linh hồn.
Điều này thể hiện rất rõ khi chúng ta nhớ lại rằng tiểu luận đầu tiên được việt khi ngài đã hơn 50 tuổi. Đó là tác phẩm viết để đáp ứng lại nhu cầu mục vụ. Và từ thời điểm ngài viết hơn 111 tác phẩm khác.
Khác với nhiều nhà thần học khác cùng thời vốn tập trung vào những cuộc bút chiến mang tính hàn lâm về những vấn đề trừu tượng, Anphongsô xây dựng thần học dựa trên kinh nghiệm mục vụ sống động. Những điều ngài viết ra trên trang sách không thuần túy lý thuyết, nhưng là một thứ sinh ra từ kinh nghiệm cụ thể của cuộc đời hoạt động thừa sai. Bởi vậy, nếu không xuất phát từ trải nghiệm tính cụ thể của lịch sử nhân loại, chúng ta sẽ không thể hiểu được thần học, Kitô học, Thánh mẫu học,linh đạo và luân lý của Anphongsô.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhất khi còn là Tổng giám mục ở Venice đã viết như thế này: ‘Thánh Anphongsô là một nhà thần học chuyên giải quyết các vấn đề thực tế đòi hỏi phải được giải quyết nhanh chóng. Nếu ngài thấy tinh thần bác ái cần được khơi lên trong lòng người tín hữu, ngài sẽ viết các tác phẩm tu đức. Nếu ngài nhận thấy cần phải đào sâu đức tin và niềm hi vọng cho mọi người, ngài sex viết các công trình thần học luân lý và tín lý.’
Hay như người kế nhiệm, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị cũng không hết lời tán dương thánh nhân: ‘Trong vai trò là người cầm bút, thánh nhân tập trung và chỉ tập trung vào những điều có lợi cho Dân Thánh.’
Dịp lễ mừng thánh Anphongsô cũng là dịp để mỗi tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế nhìn lại tấm gương của thánh tổ để noi theo. Chắc chắn, những vấn đề ngài từng đối diện khác xa với những khó khăn của chúng ta thời nay. Nhưng mối bận tâm, trăn trở của mỗi tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế nhất định và luôn luôn phải là những mối bận tâm, ưu tư của người giáo dân, của con người thời nay.
Những suy tư thần học phải luôn là những suy tư từ thực tế, đáp ứng lại những mong đợi chứ không nên là thứ thần học bàn giấy bàn về những vấn đề xa rời cuộc sống và không mang lại lợi ích cho số đông Dân Chúa.
Lạy Thánh tổ Anphongsô, xin cầu thay nguyện giúp và hướng dấn chúng con khi theo đuổi tri thức, cũng không quên những tiếng kêu của người nghèo, của người bị bỏ rơi, ngõ hầu những suy tư của chúng con xoa dịu được sự đói khát lương tri, tình thương nơi những anh chị em bé nhỏ xung quanh chúng con. Amen.
Vu Duc Trung, C.Ss.R