#GNsP – 8 giờ ngày 17.03.2018 tại Trung tâm mục vụ của Tổng giáo phận Sài Gòn đã long trọng cử hành Thánh lễ an táng cho Đức tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc do Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chủ tế, các Giám mục trong HĐGM VN và hàng trăm linh mục đồng tế, hàng ngàn tu sĩ nam nữ và hơn chục ngàn tín hữu tham dự.
Đúng 8g ca đoàn cất lên bài hát “Cửa Công Chính” đón đoàn rước tiến lên lễ đài, dẫn đầu là thánh giá với nến cao.
Đức Cha Chủ tịch HĐGM VN Giuse Nguyễn Chí Linh nói lời chia buồn với gia đình Tổng Giáo Phận: “Đây là một mất mát lớn lao cho chúng ta. Dân tộc mất mát một công dân gương mẫu, Giáo hội VN mất đi một mục tử nhân lành và TGP Sài Gòn mất đi một vị chủ chăn đáng kính.
Thay lời cho HĐGM VN, tôi chính thức nói lời chia buồn với TGP Sài Gòn. Chúng ta phó dâng người thân yêu của chúng ta cho Chúa và chúng ta hy vọng những gì ngài đã gieo vãi trên mảnh đất này sẽ trở nên mầm cây xanh tươi cho TGP chúng ta.”
Sau đó các Đức Giám mục niệm hương trước linh cữu Đức Tổng Phaolô.
Trước khi bắt đầu thánh lễ, Cha Phanxicô Xavie Lê Văn Nhạc, Chánh xứ Giáo xứ Chơ Quán, được mời tiến lên đọc tiểu sử với những giai đoạn chính trong đời mục vụ Giám mục của Đức Tổng Phaolô và sự ra đi đột ngột của ngài tại Thánh Đô của Giáo hội Công Giáo.
Cha Phêrô Kiều Công Tùng, Chưởng ấn đọc thư chia buồn của Đức Thánh Cha Phanxicô:
“ĐGH rất đau buồn vì sự ra đi của Đức Tổng và chia buồn sâu sắc đến toàn thể Cộng đoàn dân Chúa Việt Nam. ĐTC phó thác linh hồn cho Cha trên trời và ưu ái ban phép lành Tòa thánh đến những ai đang thương tiếc vì sự ra đi của Đức Tổng.”
Tiếp theo là thư chia buồn của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh do Cha Giuse Bùi Công Trác, Giáo sư Đại chủng viện đọc, trong đó ngài nói: “Đối với một Giám mục được chết tại mộ thánh của hai tông đồ Phêrô và Phaolô là một ân huệ lớn lao.”
Tiếp theo là thư chia buồn của Bộ Loan Báo Tin Mừng các Dân tộc với chữ ký của ĐHY Filoni Tổng Trưởng.
Mở đầu thánh lễ Đức TGM Giuse gửi lời chào đến các phái đoàn ngoại giao, chính quyền, các tôn giáo bạn và cộng đoàn dân Chúa đã đến tham dự thánh lễ vào sáng hôm nay. Một lần nữa, Đức Tổng Giuse nói lời chia buồn với TGP Sài Gòn và ngài ước mong TGP sớm có vị chủ chăn mới để chăm sóc đoàn chiên Chúa.
Bài đọc I được trích từ sách Samuel quyển thứ I, nói đến lời chúc tụng của bà Anna trước quyền năng của Thiên Chúa. Lời chúc tụng mà sau này chính Đức Maria đã cất lên trong lời kinh Manificát, trong đó Thiên Chúa Hằng Sống sẽ hạ bệ những ai tự cao tự đại và cất nhắc những kẻ khiêm nhường, biết đặt đời mình trong tay Chúa.
Bài đọc II được trích trong thư của thánh Gioan Tông đồ trong đó nói đến tình yêu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, những kẻ tin vào Ngài.
Bài Tin Mừng theo thánh sử Gioan được công bố, nói về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, xin cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ Chúa Kitô như sự hiệp nhất giữa Cha và Con.
Đức Hồng Y Pherô Nguyễn Văn Nhơn mở đầu bài giảng, ngài mời gọi cộng đoàn dành ít phút để lắng đọng tâm hồn để cho Lời Chúa nói với chúng ta, Lời hằng sống có sức mạnh ban cho chúng ta sự sống.
Diễn đạt đoạn Tin mừng, ĐHY nói lời rằng nguyện của Chúa Giêsu là lời nguyện của vị Thượng tế dâng lên Chúa Cha. Trong đó Chúa Giêsu cho chúng ta thấy niềm tin mãnh liệt của Ngài vào lời hứa của Chúa Cha cho dù trước mắt chỉ thấy đau khổ, nước mắt.
ĐHY hỏi cộng đoàn Dân Chúa rằng, vậy nền tảng nào để Chúa Giêsu tin tưởng vào lời hứa của Chúa Cha. Và ĐHY Phêrô nói rằng nền tảng đó là sự hiệp nhất.
Chính sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi là nền tảng để xây dựng Nước Trời, xây dựng Giáo hội. Chính trên sự hiệp nhất, lời rao giảng của các môn đệ mới đáng tin cậy. Chính sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con mới sinh ra Giáo hội và người ta mới thấy Giáo hội này mới chính là Giáo hội của Thiên Chúa.
Sau đó ĐHY trích dẫn văn kiện của Chân Phúc Giáo hoàng Phaolô VI, Văn kiện Ecclesiam suam được ban hành ngày 06.08.1964 trong bối cảnh của Công đồng chung Vatican II. Một văn kiện vô cùng quan trọng nói về “Công cuộc đối thoại giữa Giáo hội và thế giới”.
ĐHY trích dẫn những lời trong văn kiện như sau: “Vào giờ phút này của lịch sử thế giới, việc đối thoại của Giáo hội với thế giới là điều cần để Giáo hội đến với nhân loại.” (số 3)
ĐHY tiếp tục nói rằng, Đức Tổng Phaolô chính là con người được đào tạo và lớn lên trong chính bầu khí Vaticano II, bầu khí mà Giáo hội mở ra đối thoại với thế giới.
Tiếp tục bài giảng của mình, ĐHY nói về con người của Đức Tổng Phaolô trong tư cách là một: Vị Giáo sư, nhà Đào tạo, người của Cầu nguyện.
Các linh mục hiện diện trong thánh lễ hôm nay đa phần là học trò của ngài. Một vị Giáo sư uyên bác trong việc truyền đạt các môn học thánh về các mầu nhiệm: Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần, Thánh thể…
Trong tư cách một nhà đào tạo, ngài đã góp công rất lớn để giữ lại nhà đạo tạo Linh mục tại Đà Lạt sau năm 1975 và cũng chính trong hoàn cảnh lịch sử xã hội bấy giờ, khi các linh mục không được phép làm mục vụ, ngài đã đào tạo 6 linh mục tại chỗ để trở thành các Giáo sư trong các chủng viện khác.
Ngài là con người của cầu nguyện. Điều này được thấy xuyên suốt trong cả đời mục tử của ngài và rõ nét hơn vào những ngày cuối đời trong chuyến hành hương Ad Limina 2018 vừa qua.
Chúng tôi các Giám mục trong HĐGM VN đã chứng kiến ngài cầu nguyện thành kính như thế nào bên mộ của ĐHY F.x Nguyễn Văn Thuận tại Đền thờ Đức Mẹ Cầu Thang.
Khi các Giám mục chúng tôi, vui vẻ chụp hình, tham quan Hiệu tòa thánh Tôma thì ngài đến với tòa giải tội.
Và thánh lễ cuối cùng tại mộ thánh Tông đồ Phaolô tại đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành đã cho thấy lòng ước ao của ngài như thế nào trong việc cử hành thánh lễ khi liên tục nhắc nhở: “áo lễ của tôi đâu? Áo lễ tôi đâu?”
Và hôm nay, ngài đã kết thúc cuộc sống trần gian, xin mượn lời của thánh Phaolô, cũng là bổn mạng của ngài để kết thúc bài giảng này: “tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp đã chạy hết chặng đường và đã giữ vững đức tin.”
Trước khi kết thúc thánh lễ, cha Inhaxiô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Giáo phận Sài Gòn nói lời tiễn biệt trước linh cữu của Đức Tổng Phaolô.
Sau đó Đức cha Giám quản Giuse Nguyễn Mạnh Hùng đại diện Tổng Giám mục Sài Gòn nói lời cám ơn đến tất cả mọi người đã đến kính viếng, gửi lời chia buồn, cũng như cầu nguyện trước việc ra đi của Đức Tổng Phaolô.
Sau thánh lễ linh cữu của ngài sẽ đưa đưa đến an táng bên cạnh Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình vị tiền nhiệm của mình trong nhà nguyện của Đại Chủng Viện.
Pv. GNsP