THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI
Năm 431, Công đồng Êphêsô tuyên bố Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa – Theotokos, danh hiệu mà ngày nay chúng ta tôn vinh Mẹ. Công đồng làm như vậy để làm sáng tỏ một điểm quan trọng, bởi vì Nestoriô, Thượng phụ của Constantinople, lập luận rằng gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa là không phù hợp vì Thiên Chúa không thể được sinh ra.
Tất nhiên sau đó có tranh cãi. Thượng phụ Cyril của Alexandria đã hành động và phản đối Nestoriô kịch liệt. Thượng phụ Cyril nhận ra rằng phủ nhận Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa là phủ nhận Mầu Nhiệm Nhập Thể. Đối với Thượng phụ Cyril, nếu Đức Mẹ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần đã thụ thai Con Thiên Chúa thì Con Trẻ mà Mẹ sinh ra phải là Con Thiên Chúa, và vì vậy, Đức Mẹ thực sự là “Mẹ Thiên Chúa.” Vì thế, tại Công Đồng Êphêsô, các nghị phụ đã chấp nhận lá thư thứ hai của Thượng phụ Cyril gửi Nestoriô là sự diễn tả đức tin đích thực.
Thượng phụ Cyril viết rằng Đức Maria được gọi một cách đúng đắn là Mẹ Thiên Chúa “không phải vì bản tính Ngôi Lời, Thần Tính của Ngài, bắt nguồn từ một trinh nữ thánh thiện, mà vì thân thể thánh thiện của Ngài, được phú cho sự sống và lý trí, được sinh ra từ Đức Maria và Ngôi Lời được ‘sinh ra’ trong xác thịt bởi vì nó được kết hợp với thân thể của Ngài. Nhân loại về bản chất đã được kết hợp với ngôi vị của Chúa Con đến nỗi Ngài đã thực sự hiện hữu như một con người theo một cách không thể diễn tả được. Do đó, Chúa Giêsu – Con của Chúa Cha – đã thực sự được sinh ra bởi Đức Maria.
Thượng phụ Cyril trở thành anh hùng của Công Đồng Êphêsô, là người bảo vệ danh hiệu tối cao của Đức Mẹ – Theotokos. Thượng phụ Cyril là người bảo vệ Mầu Nhiệm Nhập Thể, nói rằng Con Thiên Chúa đã đảm nhận nhân tính của chúng ta, và vì vậy đã trở thành Con Người. Thượng phụ Cyril hân hoan trở về Alexandria khi biết mình là người chiến thắng tại Công Đồng Êphêsô.
Nhưng đó không là toàn bộ sự thật. Thượng phụ Cyril có thể là siêu sao tại Công Đồng, nhưng ngài không là người tuyên bố tối thượng rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, không là người bảo vệ vô song của Mầu Nhiệm Nhập Thể. Không, các phần thưởng đó thuộc về Thánh Êlidabét, vợ ông Dacaria, một phụ nữ không có mặt tại Công Đồng họp nhiều thế kỷ sau khi bà sống. Thánh Luca cho biết: Bà Êlidabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1:41-43)
Bà chị Êlidabét tuyên bố Đức Maria có phúc giữa các phụ nữ. Tại sao? Vì Con của lòng mẹ được chúc phúc. Vì vậy, bà Êlidabét được ban cho một đặc ân. Mẹ của “Chúa” của bà đã đến thăm bà. Đức Maria là mẹ của “Chúa,” là Mẹ của “Chúa” của bà Êlidabét. Vì vậy, Đức Maria được chúc phúc giữa những người phụ nữ, vì Người Con của Đức Mẹ không ai khác chính là Con Thiên Chúa. Đức Maria là Theotokos – Người Mang Thiên Chúa.
Rất lâu trước Thượng phụ Cyril của Alexandria, rất lâu trước Công Đồng Êphêsô, bà Êlidabét – người vợ lớn tuổi của ông Dacaria – là người đầu tiên công bố Mầu Nhiệm Nhập Thể kỳ diệu, vì bà là người đầu tiên tuyên bố rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Khi tuyên xưng vai trò làm Thánh Mẫu của Đức Maria như vậy, bà Êlidabét tuyên bố rằng Con Thiên Chúa thực sự hiện hữu làm người trong cung lòng Đức Maria. Bà Êlidabét là anh hùng không được chú ý và vô danh tại Công Đồng Êphêsô, mặc dù Công Đồng tán thành bức thư của Thượng phụ Cyril như một biểu hiện đích thực của đức tin, nhưng điều mà Công Đồng thực sự đang làm là công nhận sự thật về lời tuyên bố của bà Êlidabét khoảng 400 năm trước đó.
Về điều này, lễ trọng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta phải đáp lại lời tuyên xưng đức tin của bà Êlidabét thế nào? Ở đây chúng ta phải nhìn vào hài nhi Gioan trong bụng người mẹ, và cũng phải nhảy lên vì vui sướng!
Ngày lễ Mẹ Thiên Chúa, người Công giáo hân hoan vui mừng, vì nhiều người trong chúng ta đón nhận Chúa Giêsu nhập thể, Con Mẹ Maria, qua bí tích Thánh Thể. Chúng ta lãnh nhận Thánh Thể Chúa Giêsu phục sinh. Ngài ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Ngài, và khi làm như vậy, chúng ta hiệp thông trọn vẹn với Chúa Giêsu hơn cả khi Ngài ở trong cung lòng Đức Mẹ. Chúng ta nên một với Chúa Giêsu. Khi rước Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta phải nhảy mừng trong tâm hồn.
Cuối cùng, Chúa Giêsu – Con Yêu Dấu của Chúa Cha – đã làm người trong cung lòng Đức Maria để có thể đến cư ngụ trong chúng ta qua Bí tích Thánh Thể. Ngài từ Trời xuống và làm người để có thể đưa chúng ta lên Thiên Đàng trong Ngài, với Ngài và qua Ngài.
Nhờ được kết hợp với Chúa Giêsu phục sinh qua Thánh Thể, chúng ta được vào sự hiện diện trên trời của Chúa Cha trong sự hiệp thông với Chúa Thánh Thần. Chúng ta được đưa vào sự sống thần linh của Chúa Ba Ngôi.
Hơn nữa, Bí tích Thánh Thể là sự nếm trước Thiên Đàng ngay trên trần gian này, và như vậy là sự nếm trước Tiệc Thánh Thể trên trời. Khi Chúa Giêsu đến trong vinh quang vào ngày tận thế, chúng ta sẽ nhảy ra khỏi nấm mồ. Ngài sẽ đưa chúng ta vào sự hiện diện của Cha trên trời, và ở đó, được tràn đầy Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng giống như hài nhi đầy Thánh Thần trong lòng bà Êlidabét, chúng ta sẽ mãi mãi nhảy mừng và hát mừng cùng với Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa.
THOMAS G. WEINANDY, OFM, CAP.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)
Chào Tân Niên 2024