Thầy Ta-đê-ô một Tu sĩ không chức Linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế. Một cuộc đời dâng mình cách trọn vẹn cho Chúa Cứu Thế, sống âm thầm trong cầu nguyện và chuyên tâm chu toàn bổn phận, theo gương thánh Giêrađô.
Đã 77 năm khấn Dòng, một tuổi đời Tu sĩ khá dài, thầy đã để lại biết bao nhiêu kỷ niệm và gương sáng. Khi nhắc đến thầy Ta-đê, người ta nhận ra ngay hình bóng của một vị Tu sĩ hiền hòa, nhẹ nhàng, không ăn to nói lớn. Trên nét mặt luôn tỏa một niềm hạnh phúc dịu hiền, đôi môi luôn mỉm cười. Mặc dù trong chuỗi ngày dài phục vụ, thầy đã từng lên núi, xuống biển, trải qua bao bom đạn của thời cuộc. Nhưng những biến động ngoại cảnh ấy vẫn không làm lu mờ đi con người nội tâm, bản chất dịu hiền và thầm lặng trong thầy.
42 năm sống và phục vụ tại cộng đoàn DCCT Huế. Thầy đã mang đến cho mọi người, nhất là cho anh em trong Dòng một gương mẫu thánh thiện và sự yêu thương. Những năm tháng nghỉ hưu, vẫn cái hình bóng nhẹ nhàng nhưng rất nhanh nhẹn; thầy là một cây Cổ Thụ rợp bóng yêu thương. Đôi bàn tay gầy guộc, bước chân run run, thầy vẫn có mặt trong khắp sân vườn nhà dòng, làm nên những luống hoa tươi thắm tô điểm thêm cho ngôi nhà cổ của Huế âm thầm nhưng tràn đầy sức sống.
Thầy như ngọn đền soi dẫn anh em trong đời sống Thánh hiến. Âm thầm như những dấu lặng trong một bài nhạc. Cuộc đời Tu sĩ không chức của thầy Ta-đê-ô gói trọn một niềm vui và hạnh phúc trong thầm lặng, cầu nguyện và phục vụ. Như những dấu lặng không được hát thành lời, không phát ra âm thanh, nhưng nó đã góp phần làm cho bài nhạc thêm sinh động và ý nghĩa. Thầy Ta-đê-ô một Trợ sĩ, như một dấu lặng đã làm cho bản nhạc Thừa Sai Chúa Cứu Thế vang vọng khắp nơi. Với nếp sống tu đức đã ghi sâu tâm thức, với đức vâng lời tuyệt hảo, thầy không bao giờ than thở về bệnh tật, không phàn nàn trong ăn uống; Bề Trên cho gì ăn náy. Buồn cũng không giận, vui cũng không cười thành tiếng. Nét mặt luôn bình thản an nhiên. Anh em trong nhà thường gọi thầy với một danh hiệu thân thương: “Thầy Đáng Kính”.
Mỗi lần đi xa, thầy luôn mong sớm về cộng đoàn, thầy nói: “Về để đọc kinh chứ ở nhà không có người đọc kinh”. Những năm tháng tuổi già sức cạn, mặc dù chân yếu tay run, nhưng chiếc cầu thang lên nhà nguyện của cộng đoàn không thể làm cho chân thầy mỏi mệt. Thầy là người có mặt đầu tiên trong nhà nguyện, sau khi tiếng chuông vừa dứt. Những giờ phút cuối, khi sức đã cạn, nhưng thầy vẫn đứng dậy bước lên cầu thang và cùng đọc giờ kinh trưa với cộng đoàn hôm đó 10/11/2017.
Giờ kinh trưa hôm đó là giờ kinh cuối cùng thầy hiện diện trong nhà nguyện với cộng đoàn. Vào lúc 14 giờ ngày 10/11/2017 thầy nói tôi mệt, và cộng đoàn lập tức đưa thầy đến bệnh viện Quốc Tế Huế. Thầy nằm phòng cấp cứu cho đến ngày trở về cộng đoàn. Các chú Dự Tu DCCT Huế luôn quấn quít bên thầy với tất cả lòng triều mến, kính yêu. Vẫn cái đời sống thánh thiện, thầy luôn kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể; trên giường bệnh, nữa đêm thầy nói với các chú Dự Tu: “Cho tôi dậy đi đọc kinh”. Đến 6 giờ 30′ ngày 15/11/2017, tại bệnh viện hơi thở của thầy đã cạn dần, cộng đoàn đưa thầy về. Và 7 giờ 30′ cùng ngày thầy Ta-đê-ô đã ra đi trong vòng tay yêu thương của Chúa. Giữa hơi ấm tình yêu thương của cộng đoàn xum vầy bên thầy có cha Bề Trên, quí cha, quí thầy, các thầy Tập Viện, các chú Dự Tu, con cháu huyết tộc và bà con giáo dân.
Thầy Ta-đê-ô hưởng thọ 97 tuổi đời và 77 năm sống đời tận hiến làm Tu sĩ không chức Linh mục trong Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt nam. Thầy ra đi, để lại cho anh em một mẫu gương sáng ngời về sự thánh thiện; trinh kiết, khó nghèo và vâng phục. Thầy luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể. Trong cuộc đời âm thầm phục vụ quên mình, thầy luôn chiêm ngắm Chúa Giêsu Hài Đồng. Trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh giường, thầy luôn để tượng Chúa Hài Đồng nằm trong chiếc nôi và cẩn thận đắp lên cho Chúa một tấm khăn nhỏ màu vàng. Thầy vẫn luôn tâm niệm: Ví mình như một ly nước nhỏ bé, nhưng cố gắng làm cho nó luôn được đầy tràn.
Xin Chúa dẫn đưa thầy về hưởng hạnh phúc bên Chúa, cùng với Mẹ Hằng Cứu Giúp và thánh tổ Anphong.
Từ FB Văn Hoài Nguyễn