Bản hùng ca con cái Israel vẫn đọc trong Sách Xuất hành để nhớ khoảng thời gian trở về quê cha đất tổ; bản hùng ca ấy vẫn được cất lên hàng năm trong ngày mừng đại lễ vượt qua không có ý miệt thị quân đội Ai-cập, hoặc nhạo báng Pharaon, nhưng để ca ngợi Đức Chúa, như người Ai-cập nói: “vì Chúa chiến đấu giúp họ, chống chúng ta” (x.Xh 15,1)
Để giải phóng Israel, Đức Chúa không lấy ác báo ác, không dùng sức mạnh đàn áp người Ai cập, nhưng Người đã ra tay quyền năng cứu thoát dân, và sự thảm bại của đội quân hùng mạnh của Pharaon, là bởi Đức Chúa đã bẻ gẫy ý chí kiêu hãnh của vua này, như Tv 7,17 có viết: “Hại người chẳng hóa hại thân, gậy ông đập xuống lại dần lưng ông”
Đám dân Israel mà Đức Chúa giải thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai cập, được Mô sê đưa về đất hứa không cùng chung một nguồn gốc, một huyết thống. Vì thế để trở nên là Dân của Đức Chúa, họ phải chấp nhận Mười Điều Răn – giao ước với Đức Chúa, cùng chấp nhận một nếp sống chung, một mục đích chung, một luật chung và một sự lãnh đạo chung. Họ luôn hãnh diện và tự hào về điều này.
Đang lúc Đức Giêsu giảng dạy dân chúng, có người báo: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”. Chẳng ai ngờ được câu trả lời của Đức Giêsu: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12, 46-50).
Mở rộng phạm vi gia đình thiêng liêng, bao gồm tất cả những ai ‘làm theo ý Cha trên trời’, Đức Giêsu cho mọi người, không loại trừ ai có cơ hội , một mặt, trở nên thân thiết với Thiên Chúa, vì Người là Con Thiên Chúa, mặt khác, để thuộc về đại gia đình của Thiên Chúa, họ phải học lấy tinh thần của Người Con và hành động như lời Người dạy bảo.
Những ngày qua, người dân Sài Gòn và các vùng lân cận đã có kinh nghiệm đau thương về khoảng thời gian khốn khổ bị phong tỏa và cách ly, công việc đình trệ, thiếu lương thực thực phẩm, thiếu cả những đồ dùng thiết yếu.
Những lời cầu cứu của người nghèo và những người bị bỏ rơi bên lề xã hội, trong và cả ngoài những khu vực bị phong tỏa cách ly, từ những cảnh ngộ thương tâm dồn dập kêu lên, hoặc bi đát hơn, chẳng biết kêu xin ai, van nài cùng ai. Họ sống lây lất bên hè phố hoặc chui rúc trong những túp lều tạm bợ, bên những con hẻm không số, đường không tên, với sự cam chịu tột cùng, mặc cho số phận bị dòng đời đẩy đưa…
Như nhiều người nói, tính cách người Sài Gòn thì năng động, nghĩa hiệp và hào sảng. Vì vậy mà có những tâm hồn nhân ái, những hành vi trợ giúp nghĩa tình, cần thiết và kịp thời đối với những mảnh đời cơ khổ.
Đã có nhiều vụ lùm xùm về từ thiện và những người đứng ra làm từ thiện, như để chứng minh cho việc khó có ai cưỡng nổi sức hút ma mị của đồng tiền và ma quái trong cách sử dụng đồng tiền bác ái của những người thiện lương tín cẩn trao cho;
Đã có những lời phê bình, sự đánh giá và cách giải thích về các bổn phận và trách nhiệm đạo đức đối với dân chúng của Nhà cầm quyền trong giai đoạn khủng hoảng về tình hình dịch bệnh này,
Nhưng trên tất cả, cả những cảm xúc cá nhân hoặc chủ quan tùy hứng, mà như một mệnh lệnh của lương tâm ngay chính, những con người quảng đại, bao gồm mọi thành phần xã hội, đủ mọi lứa tuổi, khác nhau về địa vị nhưng với tâm hồn rộng mở và cùng chung chí hướng, quên đi mọi giờ khắc, thời tiết, đường xá, sẵn sàng dấn thân đem yêu thương vào nơi khốn cùng, trao những món quà trong khả năng có thể, cho những phận người bị tổn thương.
Chính những anh chị em thiện nguyện xả thân vì tình thương trong những ngày này, không hạn hẹp là người Công giáo, mà chúng ta biết được họ là Con Thiên Chúa, là anh chị em trong Chúa Kitô. Thánh Gioan Tông đồ trong lá thư thứ nhất đã viết:
“Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.
Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.
Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1Ga 4,7-8. 12.20)
Những lời này đáng để mỗi người tự vấn hôm nay, trong thời dịch bệnh này, tôi là ai, thuộc về ai và phải làm gì?
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT