Chương trình “Người kể chuyện tình” trên đài Truyền Hình Vĩnh Long 1, tối thứ năm 13.9.2018, đề tài về cuộc đời và cuộc tình của nhạc sĩ Lê Dinh. Một thí sinh dự thi hát bài “Nếu anh đừng hẹn” được danh ca Phương Dung hỏi: “Câu nào là câu chính và là cao trào của bài hát?” Thí sinh trả lời nhưng có lẽ cô Phương Dung không đồng tình, cô bảo đó phải là câu “Tiếc thay rằng, thời gian không ngủ trên môi”. Ngay lập tức, ca sĩ Thái Châu, người cùng ngồi ghế giám khảo với cô Phương Dung, đã hỏi lại: “Tại sao lại là thời gian không ngủ trên môi?” Cô Phương Dung chậm rãi trả lời: “Thời gian không ngủ trên môi nghĩa là người ta không giữ lời đã hứa, lời thốt ra từ môi miệng mình!”.
Đài Truyền Hình Vĩnh Long có những chương trình gắn với dòng nhạc Bolero đã tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn một lượng khá đông khán giả xem đài, có những tiết mục làm chao lòng khán giả, như một lần trong thứ hai vừa rồi tôi được xem vở kịch trong chương trình “Kịch cùng Bolero mùa 2”, vở kịch mang tên “Lá mùa thu” thuộc đợt thi mang chủ đề “Em là người đàn bà thứ hai” của thí sinh đạo diễn Minh Nhật. Các giám khảo đã rơi lệ và tôi cũng đã rơi lệ khi xem vở kịch dự thi này.
Có hiện tượng nhiều đài phát thanh truyền hình và nhiều chương trinh ca nhạc trở về với loại hình âm nhạc trữ tình, đặc biệt loại nhạc Bolero. Còn nhớ cách đây không lâu, khi dòng người kéo nhau lũ lượt đi dự những đêm ca nhạc của Khánh Ly khi cô mới về nước làm show diễn, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã nhận định: nếu không xây dựng được cái mới thì người ta ắt sẽ quay về, đi tìm để chiêm ngưỡng các lâu đài cổ mà thôi.
Quả thật đã có một thời sau 75, người ta cố gắng xóa những cái cũ của một nền văn hóa nhân bản, bằng cách đổ biết bao công sức tiền của và cả những thủ đoạn thấp hèn để bôi nhọ cái cũ, rồi thay vào đó, xây dựng cái mới theo ý họ. Họ đã hoàn toàn thất bại vì nó phi nhân bản, phi nghệ thuật, chương trình “Bài hát Việt” là một thí dụ điển hình, “rầm rộ khai trương rồi âm thầm đóng cửa!”
Xem lại xã hội âm nhạc, 43 năm rồi, mỗi khi đến mùa Giáng Sinh, chẳng có bài hát nào chen vào được với những bài ca Giáng Sinh trữ tình của một thời miền Nam trước 75, cấm mãi rồi cũng chẳng cấm được, ai mà cấm được lòng người, không có cái mới thì ắt sẽ quay về nhìn ngắm cái cũ thôi!
Nghe cô ca sĩ Phương Dung chia sẻ về câu hát “tiếc thay rằng, thời gian không ngủ trên môi” mà lòng mình bị trùng lại, người bị phụ tình chua xót nhẹ nhàng than trách: “Tiếc thay rằng thời gian không ngủ trên môi” y như lời than trách lặng lẽ của Chúa cho dân Israel năm xưa, và của Lòng Thương Xót bao la Chúa dành cho chính chúng ta hôm nay dường như rơi vào quãng không nhạt nhòa.
Mấy hôm nay Lời Chúa nói nhiều về Mầu Nhiệm Thập Giá, rồi ngày 14 Hội Thánh Suy Tôn Thánh Giá, và lễ Mẹ Sầu Bi ngày 15, và ngày 16, Chúa Nhật 24 Thường Niên, Chúa Giêsu lại loan báo thập giá…
Mình hứa với Chúa nhiều lắm, danh phận càng cao (nói theo kiểu thế gian) mình hứa càng nhiều, những lễ Phong Chức đầy những lời hứa, những lễ Khấn Dòng ngập tràn những lời cam kết, những lễ Thánh Tẩy và Lễ Hôn Phối, cũng xin hứa, nhưng hình như hứa mà không giữ lời, mình đã không chọn thập giá, không chọn “cái ngu xuẩn của người Hy Lạp hay cái điên rồ của người Do Thái” nhưng lại chọn cái sang trọng của người thế gian, cái quyền lực của kẻ chống lại thập giá.
Cứ xem cách mình sống, nơi mình đến, trang phục mình dùng, phương tiện mình sử dụng, nơi mình sinh sống, bạn bè thân hữu mình lui tới, khách mình đón tiếp, tiệc tùng mình dự, công việc mình làm, hết kỷ niệm này đến kỷ niệm kia núp danh tạ ơn Thiên Chúa, có người còn bảo hãy thử kiểm “danh sách liên lạc trong điện thoại” sẽ thấy ngay… “thời gian không ngủ trên môi!”
“Chúa buồn trên thánh giá”! (mượn lời Pham Duy trong bài “Năm năm rồi không gặp”).
Chúng ta đã như vậy trong một đất nước tan hoang, ngập tràn đau khổ, chúng ta rao giảng thập giá bằng cách bưng tai bịt mắt, mặc cho gánh nặng đè trên đầu trên cổ dân ta.
Chúng ta sẽ chẳng rao giảng được gì nếu chúng ta không giữ lời hứa với Chúa.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Lễ Suy Tôn Thánh Giá, 14.9.2018