Thái Hà (24.01.2022) – Còn các Kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.
Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.
“Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám.” (Mc 3,22-30)
Thánh Máccô đã cho ta thấy thái độ không đúng của những người kinh sư đối với việc trừ quỷ của Chúa. Họ đã cho rằng Chúa Giêsu đã bị quỷ ám. Chúa Giêsu nhờ sức mạnh của tướng quỷ để trừ quỷ. Từ một việc lành là trừ quỷ để giúp con người thoát khỏi những đau khổ của sự dữ, thì bây giờ lại trở thành một điều dữ, Người trở thành một “tay sai” của sự dữ. Thiết nghĩ, điều này không chỉ xảy ta ở thời của Chúa Giêsu, nhưng còn ở thời chúng ta nữa. Tại sao điều này lại xảy ra? Phải chăng đó là sự ganh tị với tài năng của người khác, hay vì sự thiện không được vun trồng nơi thâm tâm của chúng ta? Hoặc nói khác đi chúng ta chưa thể chấp nhận sự giới hạn của chính mình?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dùng tình yêu của Chúa biến đổi ánh mắt và con tim của chúng con, để chúng con luôn biết mở lòng ra đón nhận anh em như họ là, cũng như Cháu đã đón nhận chúng con. Amen.
Suy niệm Tin Mừng hằng ngày,
Lời Chúa là cuộc sống.