Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, DCCT
Thái Hà (24.9.2015) – Chúa thường là chẳng giống ai cả! Đang khi các môn đệ của Ngài hào hứng hướng về tiền đồ tương lai rực rỡ vì chứng kiến những phép lạ Chúa làm và được nghe mọi người ca tụng thầy mình như một vị ngôn sứ lớn xuất hiện giữa dân chúng, thì Chúa quay ra chất vấn các ông: Anh em bảo thầy là ai vậy?
Dĩ nhiên, trong sự hào sảng, ông Phêrô láu ta láu táu thay lời các môn đệ khác trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa!” Lời tuyên xưng của Phêrô không hề sai, nhưng cách hiểu của ông và các môn đệ khác về tư cách thiên sai của thầy mình thì có vấn đề. Tâm hồn các ông đang bay bổng hướng về một tiền đồ tương lai vô cùng tươi sáng: Với những điềm thiêng dấu lạ thầy mình thi thố ra như thế này, thì chắc chắn thầy là Đấng thiên sai từ Thiên Chúa mà đến thiết lập một vương quốc thịnh vượng nhất trần gian; thầy thì làm vua, còn mình đã bỏ công theo thầy bấy nay thì ít ra không được làm quan lớn cũng phải làm quan vừa vừa.
Chúa đọc được suy nghĩ của của các môn đệ về một vị thiên sai có tính cách rất trần thế như vậy, nên Ngài minh định ngay cho các ông: Đúng quả thật Ngài là Đấng Thiên Sai từ Thiên Chúa mà đến, nhưng Ngài đến thế gian không phải để làm vua, làm hoàng đế theo cách thế của trần gian, nhưng Ngài đến để chịu đau khổ, chịu chết nhục nhã để cứu vớt người ta ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi.
Chúa nói tới điều đó làm cho các môn đệ cụt hứng; từ lúc đó các ông im lặng, chẳng còn sôi nổi bàn tán tới tiền đồ sáng lạn theo cách thức trần gian nữa!
Suy xét hành trình theo Chúa của mỗi người chúng ta, có lẽ bạn và tôi cũng có cùng tâm trạng như các tôn đồ ngày xưa? Những khi cuộc đời ta thuận buồm xuôi gió và gặp nhiều thuận lợi may mắn thì ta có thể dễ dàng tuyên xưng Chúa là Chúa của tâm hồn ta, là Đấng dễ thương dễ mến vô cùng của lòng ta. Nhưng khi ta gặp thử thách, khó khăn, bất hạnh và ta xin Chúa ra tay cứu giúp mà dường như Chúa im lặng, khi đó có lẽ trong lòng ta không còn có chỗ cho Chúa nữa! Khi đó ta dễ dàng buồn chán, chằng thèm nghĩ đến Chúa nữa. Ta đâu biết rằng chính khi ta gặp thử thách, khổ đau là lúc ta họa lại con đường thập giá của Chúa khi xưa; chính lúc đó Chúa đang đồng hành với ta và đang cùng ta vác thập giá để cứu độ nhân loại.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, DCCT